00:57 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Bình luận hồi ký

Bình luận hồi ký "Chuyện kể về một thời" của ông Hoàng Phùng(vào đây)

Thứ năm - 16/02/2012 16:55
“Bác Hoàng Phùng, một cựu tù chính trị có “thâm niên” hai mươi năm sống trong “địa ngục trần gian”- nhà lao Côn Đảo. Với tôi bác vừa là người đàn anh của thế hệ đi trước, vừa là người bạn vong niên cùng sinh hoạt trong Hội cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Quảng Trị.
Bản thảo cuốn sách Chuyện kể về một thời được đưa cho bác Hoàng Phùng đọc để nhờ bác góp ý với tất cả sự trân trọng đối với một người tù chính trị kiên trung. Và những cảm xúc bác Hoàng Phùng đã dành cho tác giả trong bài viết này là những chia sẻ chân thành.

Có lẽ nếu giữ nguyên những gì bác đã khen tặng thì người viết tự thấy “thiếu khiêm tốn”, nhưng chúng tôi mạnh dạn đưa bài viết này vào tập sách, để bày tỏ sự trân trọng nhất là tình cảm của những người đã từng kinh qua ngục tù đế quốc” - Lê Hữu Thăng.

Tôi không có khả năng và điều kiện học văn chương, nhưng những loại hồi ký - nhất là hồi ký về truyền thống cách mạng và kháng chiến thì tôi thường tìm đọc và xem như đam mê từ tâm thức. Tôi đã đọc một số hồi ký của các vị tiền bối cách mạng, các nhà sử học, các tướng lĩnh, các bạn bè chí cốt xa gần cho đến những chuyện về thế hệ trẻ đã hiến dâng cả cuộc đời thanh xuân cho cách mạng, cho Tổ quốc.
Đọc hồi ký Chuyện kể về một thời của Lê Hữu Thăng, tôi đã bị cuốn hút từ ban đầu. Nó đã cuốn hút không phải bài mở đầu của nhà báo lão thành của quê hương Phan Quang, người có nhiều lưu luyến với non Mai sông Hãn, với quê nghèo của châu Ô, châu Lý nặng tình. Tôi thật sự được cuốn hút từ những trang "chuyện kể" của ông bạn trẻ: từ tay thợ gò hàn trong tù đến Phó Chủ tịch tỉnh, sinh ra trong một làng quê nghèo từ đời này sang đời khác, nay chưa đến tuổi lục tuần mà đã có nhiều chuyện lý thú về cuộc đời.
Khi đọc đến Chương III: "Trang gia phả thắm máu đào", tôi vô cùng xúc động, khi nghe kể về sự nghèo khổ đến nỗi phải tha phương cầu thực, nhưng trong những năm dài gian khổ ấy đã hun đúc nên từ cần cù lam lũ nảy sinh ý chí kiên trung bất khuất, sẵn sàng xả thân cho non sông, Tổ quốc. Không phải một số ít người mà cả bà con dòng tộc họ Lê Đại, những hình ảnh vô cùng đáng quý trọng, tôn vinh. Đó là khí phách của con người từ trong nghèo khổ.
 Nên chi cách mạng lúc xây dựng phong trào thường quan tâm tìm đến lớp bần cố nông. Càng khổ nghèo, càng lăn lộn tần tảo; càng nghèo khổ càng căm thù bất công đè nén, càng khát khao cách mạng, càng suy nghĩ sáng tạo. Cho nên khi cách mạng đến, dù gian khó biết mấy, họ sẵn sàng hồ hởi đón chào, che chở, cưu mang cách mạng trong những lúc đen tối, hiểm nghèo nhất.
Cũng vì nghèo khổ, khi cách mạng đổi đời, họ vươn dậy tung hoành cùng xã hội. Chỉ nói riêng về sự học hành thôi cũng đã thể hiện nổi bật ý chí quật cường khát vọng vươn lên của những người từng bị áp bức. Ai về họ Lê Đại làng An Thái ngày nay đều biết ở dòng họ ấy đã có hàng chục con cháu là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân... đang góp phần xây dựng đất nước khắp mọi miền Tổ quốc.
Riêng tác giả Lê Hữu Thăng, chàng thiếu niên bị Mỹ - ngụy bắt tù đày từ lúc tuổi 15, sau ngày quê hương giải phóng, Lê Hữu Thăng chưa đến 20 tuổi đã là cán bộ cốt cán của xã mình - xã Hải Thượng anh hùng - nơi đã bị giặc chà xát tàn khốc, nhân dân vừa thoát cảnh vật lộn cay nghiệt với quân thù - một xã chưa đầy 3.500 dân đã có 44 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 437 liệt sĩ. Lê Hữu Thăng đã biết động viên phát huy truyền thống đó của quê hương, biết bám vào nhân dân, nhanh chóng khôi phục lại quê hương, xây dựng làng xã gương mẫu trong thời mới giải phóng.
Không kể đến những chức vụ Lê Hữu Thăng được Đảng và Nhà nước phân công từ cấp xã đến huyện, rồi đến tỉnh,... chỉ nhìn qua thời hoạt động tuổi trẻ của chàng thanh niên chưa đến tuổi 30 đã xuất lộ bản lĩnh năng động, dám nghĩ, dám làm, giữa thời buổi nhiều mặt hoạt động của cộng đồng chưa thoát khỏi cách nhìn, cách nghĩ cũ kỹ, gò bó, bảo thủ, lối mòn. Cũng như thời làm Bí thư Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên đã dám trải nghiệm bằng thực tế của đường lối đổi mới - tổ chức làm kinh tế cho Đoàn Thanh niên và đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Từ thực tiễn đó nên sau khi chia tỉnh, anh đã được Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị phân công qua làm Tổng Giám đốc Liên hiệp công ty xuất nhập khẩu. Qua thời gian ngắn, công ty đã được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, một phần thưởng ít có được ở tỉnh Quảng Trị thời đó.
Được tổ chức cử đi tham quan học tập ở nước ngoài, khi trở về, có lẽ ai cũng thấy được nhiều điều mới, nhưng tiếp thu những điều gì của người, đưa về chắt lọc, vận dụng vào xứ mình, thì không phải nhiều người suy nghĩ và làm như Lê Hữu Thăng. Cũng con người này khi đi tham quan Thẩm Quyến (Trung Quốc) và Chilê đã trăn trở phải làm gì để thay đổi bộ mặt nghèo khó của quê mình và Lê Hữu Thăng đã được mệnh danh là "kiến trúc sư" của Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Người đọc hồi ký này không dụng ý đề cao tác giả và cũng hiểu được những khó khăn từ nhiều phía của quê hương, cho nên không phải việc gì đề ra cũng thực hiện suôn sẻ và thành quả chóng vánh được.
Ở đây muốn nói một điều: Trong cuộc đời của mỗi người, không cho ai có quyền chọn cho mình con đường bằng phẳng cả - vấp ngã biết đứng lên - nghiệt ngã biết vượt qua - không có vinh quang nào không có gian lao thử thách. Hôm qua là kinh nghiệm quý báu cho hôm nay, hôm nay quyết định cho ngày mai - đường đời đang rộng mở - hết thế hệ này sẽ có thế hệ nối tiếp đi lên.
Lê Hữu Thăng ở tuổi chưa đến 60 đã qua 44 năm hoạt động cách mạng và đã biết thu nhặt để lại nhiều điều tô đẹp cho đời.
Thật đáng quý ý thức và phong cách khiêm tốn của con người có bản lĩnh phấn đấu, ham học ham làm, giàu thực tiễn, nặng nghĩa tình thủy chung - lặng lẽ, tự tin vững bước đi tới kể cả lúc không thuận buồn xuôi gió, vẫn bình tĩnh rèn luyện và trưởng thành, đóng góp hết sức mình cho quê hương thân yêu.
Cầu chúc tác giả mãi mãi tô bồi và phát huy bản lĩnh quý báu đó.
 
Đông Hà, tháng 10-2011

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: bác hoàng, tù chính

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn