04:58 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hồi ký "Chuyện kể về một thời" » Chương 4

TUỔI HỌC TRÒ VÀ BÀI HỌC “NHẬP MÔN CÁCH MẠNG”

Thứ ba - 10/01/2012 14:26
Cùng với độ lùi của thời gian, khi ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn không hiểu sao những năm tháng ấy, một đứa học trò chỉ mới 13 tuổi đã có thể tham gia công tác cách mạng. Làm những công việc cụ thể và nguy hiểm, hoàn toàn ý thức được việc mình đang làm chứ không hề là chuyện tham gia một trò chơi mạo hiểm trẻ con. 
Đội thiếu nhi cách mạng
Tôi được sinh ra vào năm 1954 lịch sử, năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại, đất nước tạm thời chia hai miền Nam - Bắc. Khi ấy, ba tôi đi tập kết ra miền Bắc, mẹ con tôi sống với ông bà nội ở miền Nam. Từ thuở thiếu nhi tôi được nghe ông và mẹ kể nhiều về cách mạng, về kháng chiến cứu quốc. Những câu chuyện hằng ngày đó đã nhập vào trong tâm trí tôi, vì thế tôi sớm ý thức và tham gia cách mạng khi đang tuổi thiếu nhi - khi mới 13 tuổi.
Tôi vừa đi học tại Trường trung học Nguyễn Hoàng thị xã Quảng Trị vừa làm Đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong cách mạng thôn Ba Khê. Đội thiếu niên tiền phong của chúng tôi lúc ấy chỉ vẻn vẹn sáu người gồm tôi, Bùi Sánh (cậu ruột tôi), Bùi Sâm, Bùi Quánh, Bùi Vượng và Bùi Vọng. Là đội thiếu niên, tuổi nhỏ nhưng việc làm không nhỏ. Ngoài công việc trồng rau, trồng lúa gây quỹ còn đi rải truyền đơn, cao hơn nữa là vót chông, gài chông và gài mìn đánh địch, làm giao liên chuyển thư từ, thu giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.
Năm 1967, ở chiến trường miền Nam, nhất là chiến trường Trị Thiên quân ta đánh mạnh, thắng lớn. Địch thất thủ, co cụm, hoang mang, nhiều binh lính ngụy bỏ súng về với cách mạng, Đội Thiếu niên tiền phong chúng tôi có nhiệm vụ tiếp cận, hướng dẫn và tối đến đưa họ đến gặp cán bộ cách mạng, những công việc nghe đơn giản như vậy nhưng thực sự phải là những người dũng cảm, mưu trí và chấp nhận nguy hiểm, vì nếu không may bị lộ hay sập bẫy địch sẽ bị bắt và chịu sự tra tấn, tù đày.
Đến Tết Mậu Thân 1968, trước hào khí cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta, nghĩ rằng ngày giải phóng miền Nam sắp đến nên trẻ, già, trai gái hồ hởi, phấn khởi lao vào công việc của cách mạng, tôi cũng vậy. Hơn nữa, một số cán bộ cách mạng khuyên tôi lo công việc để “mai kia học trường xã hội chủ nghĩa”, mặc dù không hiểu “chủ nghĩa xã hội” là gì, chỉ biết đó là xã hội của cách mạng, một xã hội sẽ tốt đẹp hơn, đơn giản là vậy nên tôi đã bỏ học theo công việc cách mạng. Sau Tết, địch phản kích quyết liệt, ta gặp khó khăn, tôi quyết định đi học lại và nhờ thầy Văn Sơn, quê ở Long Hưng giúp đỡ. Nhà thầy cũng chịu ảnh hưởng của cách mạng nên thầy xin cho tôi được vào trường học lại. Tuy nhiên, do đã nghỉ học gần một học kỳ nên vào năm học mới tôi phải học lại lớp cũ. Nhiều bạn bè không biết, nói tôi học “đúp” là vậy. Tôi không một lời thanh minh vì mình nghỉ học để đi làm “Việt cộng”.
Được đi học lại Trường trung học Nguyễn Hoàng, tôi tiếp tục nhận một nhiệm vụ mới, đấy là nắm tình hình địch về báo cho cán bộ cách mạng, vẽ sơ đồ đồn bốt và các cơ quan hành chính của ngụy quyền tại thị xã Quảng Trị. Ban đêm dẫn cán bộ đi hoạt động, phá các phương tiện phục vụ chiến tranh của địch như bắn phá ống dẫn xăng dầu. Tôi nhớ hồi ấy, Mỹ - ngụy làm sân bay và căn cứ lớn tại Ái Tử (Triệu Ái), để tiếp nhiên liệu cho sân bay và xe cơ giới tại căn cứ Ái Tử, Mỹ ngụy đã cho xây dựng đường ống dẫn xăng dầu từ biển Mỹ Thủy theo đường số 8 lên quốc lộ 1 (cũ) ra đến Ái Tử; vì từ thời Pháp thuộc đã phát hiện biển Mỹ Thủy có đường đẳng sâu lý tưởng - từ bờ ra khoảng 1.000 m đã có độ sâu 13 m nên năm 1948 Pháp đã cho tàu chiến cập biển đổ bộ vào Mỹ Thủy và gây ra vụ thảm sát dân làng Mỹ Thuỷ làm  526 người chết.
Đến cuối năm 1968, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng cảng dã chiến bằng cách lấy thép không gỉ, loại phi 6, phi 8, từng cuộn tròn hất xuống biển thay cho việc xây cầu cảng biển để tàu cập cảng bơm xăng dầu cấp cho căn cứ và sân bay. Sau ngày giải phóng, nhân dân huyện Triệu Hải (Triệu Phong và Hải Lăng) đã trục vớt về để xây dựng nhà cửa đến vài năm mới hết, nói vậy để thấy tiền của của Mỹ đã đổ vào miền Nam chi phí cho cuộc chiến tranh nhiều biết nhường nào. Hiện nay các nhà khoa học đã kết luận tại Mỹ Thủy có đủ điều kiện tối ưu để xây dựng cảng nước sâu và tỉnh Quảng Trị đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cảng là vậy.
Đến bây giờ tôi cũng không hiểu nhu cầu lượng xăng dầu cho căn cứ và sân bay đến bao nhiêu mà Mỹ lại xây dựng đường ống lớn (phi 300) đến như vậy, chỉ biết lúc đó xe tăng, xe bọc thép và các phương tiện cơ giới rất nhiều, máy bay lúc nào cũng rền trời cả ngày lẫn đêm.
Đêm đêm, chúng tôi dẫn cán bộ đi bắn phá ống dẫn xăng dầu. Nhiều lúc được các chú cho bắn mấy phát súng AK, CKC, ống dẫn dầu bị thủng, xăng dầu chảy tung toé tràn đồng ruộng nên thích thú lắm. Ban ngày địch đến thay ống, đêm đến ta đi bắn phá, cứ như vậy đến lúc địch không thể bảo vệ được đường ống, tốn kém quá nhiều nên địch phải bỏ.
Trở thành đoàn viên thanh niên cộng sản
Vì những thành tích trong quá trình hoạt động nên ngày 15-6-1969, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam cùng với các bạn Lê Văn Dăng, Lê Xuân Tánh, Lê Minh Lái, Hồ Xuân Thịnh, Đào Phồn. Thật ra lúc ấy tôi chẳng biết Đoàn là gì, nhưng vì hoạt động tích cực nên các chị: Lê Thị Du, Đào Thị Dàn, Lê Thị Đoàn... là những đảng viên, đoàn viên hoạt động hợp pháp, gọi đến nhà chị Lê Thị Du cho đọc cuốn Điều lệ Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam. Tuần sau đó được tập trung tại một ngôi nhà nghèo giữa cánh đồng là nhà bác Đào Thị Vui (bác dâu tôi) và tổ chức lễ kết nạp. Buổi lễ kết nạp thật đơn sơ, không có ảnh Bác Hồ, không có cờ Đoàn nên treo cờ Mặt trận, chỉ một bó hoa mẫu đơn cắm xen hoa dâm bụt, bàn ghế cũng không đủ chỗ ngồi, thế mà thiêng liêng đến lạ. Sau lời tuyên bố của chị Lê Thị Du, rằng từ giờ phút này sáu anh em chúng tôi được đứng vào hàng ngũ của Đoàn (không có quyết định) là những lời thề sắt son của từng người, rồi bắt tay hứa hẹn và lần lượt ra về. Mỗi người đi theo mỗi hướng, mỗi vai khác nhau (chăn trâu, cắt cỏ, bón phân, thăm bà con...) để tránh sự dò la của tai mắt địch.
Thành tích đầu tiên của các đoàn viên là vụ ném bộc phá (chất nổ TNT) có kíp hẹn giờ vào sở Mỹ và sân vận động sát Trường Nguyễn Hoàng (là sân vận động nhưng Mỹ đã dùng làm sân bay trực thăng và căn cứ quân sự). Nhiệm vụ của chúng tôi lúc ấy là bằng mọi cách giấu cho được chất nổ, vì địch canh gác, lục soát người ra vào thị xã một cách gắt gao, sau đó là bí mật ném vào căn cứ Mỹ, tiêu diệt cho được một số tên và gây hư hỏng một số phương tiện chiến tranh, làm cho địch lo sợ, co cụm để tạo điều kiện cho ta đánh chiếm đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng và củng cố tinh thần của quân và dân ta do bị tổn thất sau Tết Mậu Thân 1968. Lê Văn Dăng, Lê Xuân Tánh và Hồ Xuân Thịnh được phân công trực tiếp ném bộc phá, Lê Minh Lái canh gác để ra hiệu lệnh (Tánh và Lái học ở trường Bồ Đề cũng về tham gia), còn tôi được phân công nắm tình hình thiệt hại của địch, đến giờ nổ, tôi vờ xin thầy đi vệ sinh để quan sát. Liên tiếp nhiều vụ nổ làm cho địch hoang mang lo sợ, bao vây Trường trung học Nguyễn Hoàng rồi thanh lọc học sinh, nhưng chúng tôi (những thủ phạm) vẫn tỉnh bơ. Không tìm ra được “thủ phạm”, không còn cách nào khác địch phải cho xây bức tường cao để ngăn chặn. Đang những ngày hoạt động sôi nổi thì tháng 7-1969, tôi bất ngờ bị địch bắt giam.
Phải sau này, khi bắt đầu được đọc những bài thơ của Tố Hữu như Trăng trối, tôi mới biết cuộc đời đi theo cách mạng của mình cũng được bắt đầu như những câu thơ của ông:
              “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
               Dấn thân vô là phải chịu tù đày
              Là gươm kề tận cổ súng kề tai
              Là thân sống chỉ coi còn một nửa”.
Từ mùa hè năm 1969 đến mùa hè 1972, tôi có 3 năm sống trong lao tù Mỹ - ngụy. Những ngày tháng lao tù ấy đã dạy cho tôi khôn lớn, tôi luyện và giúp tôi trải nghiệm qua thử thách, và như những bậc lão thành cách mạng đi trước từng đúc kết: “Nhà tù đế quốc là trường học cho người chiến sĩ cách mạng”. Những anh em trong nhóm đoàn viên của xã Hải Thượng chúng tôi có hơn 1.000 ngày khó quên trong ngục tù đế quốc.
                                                      
Những ngày tại “trung tâm thẩm vấn”
Tuy ở trong một làng nhưng nhà tôi ở xa, tận Nương Trình, vùng này địch cho là vùng Việt cộng hoạt động nên chúng kiểm soát rất gắt gao mỗi khi tôi đi học, nhất là sau Tết Mậu Thân (1968), địch thường xuyên càn quét, bắt bớ, có khi còn “bắn nhầm” nữa nên mẹ đã cho tôi ở trọ nhà o Lê Thị Luyến ngay bên cạnh đường quốc lộ số 1. Khi ấy, tuy đang học trung học đệ nhất cấp (cấp 2) tại Trường Nguyễn Hoàng nhưng vì nhà nghèo nên tôi đã cùng với Lê Văn Dăng mở lớp dạy hè cho học sinh tiểu học để kiếm tiền trang trải cho chuyện học hành. Vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng. Đấy là mùa hè năm 1969.
Một chiều mùa hạ, hơn bốn mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như chuyện vừa xảy ra hôm qua. Đấy là ngày 28-7-1969, khi tôi và Lê Văn Dăng đang còn cầm phấn viết bài giảng lên tấm bảng đen bắt đầu tiết dạy hè cho các em nhỏ trong ngôi trường làng thì thoáng thấy một chiếc xe Jeep cuốn tung bụi đường ào vào sân trường. Một tốp cảnh sát đặc biệt của Ty Công an Quảng Trị thuộc ngụy quyền Sài Gòn nhảy vội xuống xe, ập vào lớp và không cần đọc lệnh hay tuyên bố gì, khống chế, còng tay chúng tôi đưa ra xe. Chiếc xe vội vã lao về hướng thị xã Quảng Trị, tôi ngoái nhìn lại phía sau, những em học sinh nhỏ trong lớp học ngơ ngác chạy ra đứng giữa sân nhìn theo không hiểu vì sao những “thầy giáo” trẻ của mình bị bắt. Một không khí nặng nề lo âu bao trùm lên xóm nhỏ.
Địch đưa chúng tôi vào trại tạm giam tại Ty Công an Quảng Trị. Trại tạm giam chỉ là một ngôi nhà dài chừng 25 m, rộng chừng 6 đến 7 m ở ngay trong Ty Công an, có hàng rào kiên cố và được canh gác cẩn mật. Chúng cho xây tường ngăn ra thành 7 phòng giam theo từng gian nhà, mỗi phòng bề ngang chừng 3,5 m, sâu chừng 6 đến 7 m. Chỗ cho tù nhân nằm là một bệ xi măng không chiếu, không chăn, không gối. Anh em chúng tôi được xếp để nằm ngủ như sắp cá nục vào soong để kho. Mặc kệ ốm đau, mặc kệ đói khát, đến bữa bị lùa ra ngồi giữa sân để ăn, không mâm, không bàn ghế, thức ăn là một chậu canh rau muống đã bị ôi và chén muối rang có vài hạt mì chính và ớt bột. Ăn xong được ngồi xếp theo hai hoặc ba hàng dọc tuỳ theo số lượng tù nhân đông hay ít.
Chúng tôi được ngồi chừng một tiếng đồng hồ nhưng chỉ được nhìn vào bức tường nhà giam, không ai được nói chuyện. Tuy riết róng như vậy nhưng mỗi lần được ra sân, được nhìn nhau, hưởng chút thoáng đãng không khí ngoài trời, thỉnh thoảng cơn gió Lào ùa ngang qua khiến ai cũng thấy khoan khoái đến lạ thường. Sáng sớm chúng mở cửa cho tù nhân sắp hàng dài dằng dặc, cả nam lẫn nữ để đi vào phòng vệ sinh. Cả gần trăm con người mà chỉ có một phòng vệ sinh, quá tải nên vô cùng hôi hám và dơ bẩn.
Có lần do bị tra tấn suốt ngày, tối về phòng tạm giam, anh em nằm ngủ, vì phòng chật, người đông nên phải nằm san sát nhau. Một đêm Đào Phồn mỏi quá nên co chân lại, ngủ quên, chân Phồn gác qua chân tôi. Lê Văn Sỏ, tay cảnh sát giám thị tại phòng giam đi tuần, đưa mắt nhìn qua cái lỗ hình thoi bé tý đút không lọt nắm tay (mỗi phòng chỉ có một lỗ duy nhất như thế để nhìn ra ngoài hoặc từ ngoài nhìn vào) nhìn thấy chân Phồn gác như vậy y lập tức mở cửa phòng, kéo tôi và Đào Phồn ra kiếm cớ để đánh. Y điên tiết hét lớn: “Léo, ở tù mà còn... léo, léo…”, miệng thét, tay y vung dùi cui đánh tới tấp. Đánh xong, Sỏ bắt hai anh em tôi nằm xuống, mỗi người chống tay hít đất đúng một trăm cái. Bị đánh đập suốt ngày, suy kiệt nên chỉ chống tay hít được ba lần đã bị chúi sấp mặt xuống đất, tôi nói với y: “Sức yếu, tôi không hít nổi nữa!”. Sỏ liền lấy roi bằng dây điện đánh vào lưng, vào mông, vào cổ, vào đầu tôi tới tấp, (những lỗ thủng sâu ở người do Sỏ đánh sau này thành sẹo, tôi coi đó là “chứng tích tội ác” của Sỏ đối với bản thân). Không bắt được chúng tôi hít đất, Sỏ bắt chạy quanh gara xe ô tô một trăm vòng (gara nằm ngoài khuôn viên phòng tạm giam). Hít đất thì không được, nhưng chạy thì được. Nào ngờ sau một trăm vòng chạy, đêm đến rã rời chân tay, nhức mỏi toàn thân, nằm ngửa cũng đau, nằm nghiêng cũng đau, ngồi cũng đau, đứng cũng đau… thật là khủng khiếp.
Trong phòng giam có nhiều rệp, rệp trú ẩn giữa các kẽ nứt nẻ của nền xi măng, đêm đến bò lên hút máu anh em. Thỉnh thoảng có con bò lên tường, anh em giết rệp, vết máu dính bầm đen trên tường, Sỏ vào kiểm tra nhìn vết máu hất hàm hỏi: “Đứa mô mà dám giết con rệp này? Ta nuôi nó để hành hạ các người, tại sao các người giết nó đi!”, chỉ một lý do trời ơi như vậy là Sỏ lại mang anh em chúng tôi ra đánh dã man, tàn độc.
Hơn sáu tuần bị giam ở Ty Công an Quảng Trị, cứ sáng sáng chúng tôi bị đưa lên xe bịt bùng chở đến trung tâm thẩm vấn, đến chiều tối chở về. Trung tâm thẩm vấn đóng ở phía trên đường sắt của ga Quảng Trị, cách Ty Công an khoảng hai cây số. Trước khi vào trung tâm thẩm vấn (mà chúng tôi gọi là lò tra khảo) chúng cho xe bịt bùng chạy quanh cột cờ vài vòng tròn. Người vốn đã yếu vì bị tra tấn, trong thùng xe lại không có chỗ vịn, không nhìn thấy bên ngoài, người như không trọng lượng, nên cứ mỗi lần xe lượn vòng tròn như thế gan ruột ai cũng như lộn tùng phèo. Đấy là cảm giác đầu tiên của những ngày đầu bị vào lao lý. Vào trung tâm thẩm vấn, chúng đẩy chúng tôi vào xà lim. Mỗi người một phòng, phòng chỉ khoảng 3 m2 để chuẩn bị đưa đi tra khảo. Phòng nhỏ nhưng lại có một lỗ cầu tiêu hôi hám, đến bữa chúng cho hé ô cửa nhỏ của cánh cửa để đưa vừa lọt một bát cơm nguội và một ca nước. Uống cũng như đi vệ sinh (vì chúng không cho giấy vệ sinh) chỉ một ca nước ấy cho một ngày. Ngày ngày, sáng cũng như chiều, đến giờ làm việc, một tên cảnh sát đến mở cửa, tay cầm một dải băng đen kéo chúng tôi ra, bịt kín mắt như tử tù bị đưa đi thi hành án tử hình rồi dẫn chúng tôi lên phòng “thẩm vấn”. Đến cửa phòng, màn “chào đón” đầu tiên của chúng là đánh phủ đầu bằng roi dây điện, đấm đá vào bụng, vào ngực rồi thò tay móc xương sườn. Có người bị thọc gãy cả xương sườn, những tiếng la hét, kêu van ầm ĩ vọng ra từ các phòng tra tấn nghe thật ghê rợn và khủng khiếp. Tôi một mực không khai, không nhận những lời ép cung nên bị chúng cho đi “tàu bay”. Đấy là một từ lóng của anh em tù chính trị gọi mỗi khi bị tra điện bằng máy điện xoay chiều. Chúng quấn dây dẫn vào hai ngón tay cái, từ dòng điện ban đầu mới quay khoảng từ 5 đến 10 vôn, khi quay nhanh lên đến khoảng 120 vôn thì người bị giật tung, ngất xỉu không biết gì nữa. Thế nhưng đi “tàu bay” vẫn còn dễ chịu hơn đi “tàu thủy”, bởi đi “tàu bay” vù một cái là xong hoặc chết ngất trong chốc lát. Đi “tàu thủy” là từ dùng để chỉ thủ đoạn mỗi khi tra tấn bằng cách đổ nước. Chúng buộc tù nhân nằm ngửa trên một tấm ghế dài, trói tay chân lại rồi phủ tấm khăn mặt trùm kín mũi miệng rồi bắt đầu đổ nước tràn qua khăn vào mũi, miệng. Bị ngạt bởi màng nước, không có không khí để thở, buộc phải nuốt nước vào bụng. Khi bụng trương nước no cành, chúng lại kéo ngồi lên “nhồi” cho ộc ra rồi đổ tiếp. Nếu dùng nước giếng còn đỡ, có người bị chúng đổ nước tiểu, đổ nước ớt cay,… mỗi lần đi “tàu thủy” xong, mặt mày bị đỏ tấy và sưng vù không thể nhìn được.
“Tàu thủy” có lẽ là hình thức tra tấn cực hình nhất. Có lần tôi bị đổ đến hai thùng rưỡi nước xà phòng, nhiều anh chị em trong tù thấy vậy chép miệng thầm thì: “Tội nghiệp thằng nhỏ quá, bé như vậy mà chúng đổ đến hai thùng rưỡi nước sao mà chịu đựng nổi”. Những lời cảm thông ấy dường như khiến tôi “lỳ” hơn, tự tin hơn. Tra tấn không được, chúng liền bày trò tâm lý dụ dỗ đủ điều... nhưng nhất mực tôi không khai, không nhận, tránh tổn thất cho cách mạng .
Sau này, khi bị tống về lại nhà lao, có lần ra tắm ở giếng nước, anh em có người đùa giỡn nằm ngửa trên nền giếng, người thì ôm tay, người thì ôm chân, người thì đổ nước lạnh thử, dù chỉ một gàu nước vào mũi và miệng như khi bị tra tấn, mà vẫn không thể chịu đựng được. Vậy mà những ngày ở trung tâm thẩm vấn, ý chí kiên cường của những người tù chính trị yêu nước đã mạnh hơn bất cứ thủ đoạn tàn bạo nào để bảo vệ bí mật của cách mạng.
“Trung tâm thẩm vấn” chỉ là khúc dạo đầu cho chúng tôi hiểu thế nào là bắt bớ, giam cầm, còn những năm tháng ở lao xá Quảng Trị mới thực sự là những “kỷ niệm” không thể nguôi quên trong tâm khảm tôi và đồng đội.
 Có lẽ cũng nên kể thêm rằng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền Sài Gòn bị sụp đổ, không có đường thoát, tên “bạo chúa” Sỏ trở về trình diện với chính quyền cách mạng tại xã (quê Sỏ ở thôn Nhan Biều, Triệu Thượng, Triệu Phong). Lòng chúng tôi bấy giờ vẫn chưa nguôi căm thù, thương tích còn hằn trên da thịt, một hôm mấy anh em tôi rủ nhau đi “thăm” Sỏ. Thấy chúng tôi xuất hiện, Sỏ sợ quá, đạp cửa sau chạy trốn. Nhưng chúng tôi đã bàn với nhau trước, nếu gặp Sỏ cũng chỉ để cho Sỏ thấy những vết sẹo do Sỏ gây ra và khuyên Sỏ sớm cải tạo để thành người lương thiện, cùng lắm cũng chỉ cho y vài bạt tai chứ không oán thù gì bởi chấp hành chính sách khoan hồng và hoà hợp dân tộc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a