19:38 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hồi ký "Chuyện kể về một thời" » Chương 7

TÁI THIẾT QUÊ HƯƠNG

Thứ ba - 10/01/2012 15:01
Niềm vui ngày thống nhất
Sau khi tham gia giải phóng tỉnh Thừa Thiên, được ở lại thành phố Huế khoảng một tuần lễ, chúng tôi phải trở lại Quảng Trị để đón nhân dân đi sơ tán trở về. Thế là sau ba năm, biết bao gia đình ly tán, người chạy vào Nam, người ngược ra Bắc, vì bom đạn ác liệt nên không biết ai còn ai mất. 
Những ngày đầu tháng 5-1975 ấy, khắp thôn xóm đâu đâu cũng tràn ngập niềm vui đoàn tụ. Nhiều gia đình cha mẹ gặp được con, vợ gặp được chồng, anh gặp được em... vui mừng khôn xiết. Tiếng khóc mừng tủi vỡ òa trong buổi trùng phùng, giống như bây giờ ta vẫn thấy trên truyền hình khi xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Bên niềm vui sum họp của nhiều gia đình vẫn còn không ít gia đình khác lại ngậm ngùi, đau xót khi những người thân của mình đã mãi mãi ra đi vì bom đạn chiến tranh.
Những ngày đầu trên quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, gia đình sum họp, công việc của chính quyền cách mạng vô cùng bề bộn. Gia tài của người dân ngày trở về quê nhà hầu hết chỉ chất gọn vào một đôi quang gánh trên vai. Sau ba năm đi sơ tán, nhà cửa hầu hết bị bom đạn phá tan hoặc bị tháo dỡ nên phải chặt tre, cắt cỏ tranh để làm tạm nếp nhà trú mưa nắng. Những ngày đó đến cỏ tranh cũng không đủ lợp nhà, phải xin cấp trên chi viện thêm những cuộn giấy dầu (giấy có tráng nhựa đường) dựng nhà tạm để ở. Công việc cấp thiết nhất là vận động nhân dân lo trồng rau màu để chống đói, đồng thời lo ổn định cuộc sống của nhân dân, lo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vì mặc dù chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ, nhưng những kẻ phản động vẫn còn lẩn khuất, giấu mặt.
Gần 30 năm chiến tranh, nhiều gia đình bị địch bắn giết, đánh đập, hận thù chất chồng. Báo chí phương Tây đã từng nhận định: “Nếu cộng sản thắng thì miền Nam Việt Nam sẽ trở thành “biển máu”(!). Nhưng điều đó không xảy ra nhờ vào “chính sách hoà hợp dân tộc” và “chính sách khoan hồng” của Đảng và Nhà nước ta đối với những người lầm đường lạc lối và được cán bộ và nhân dân chấp hành nghiêm túc. Xã Hải Thượng có 327 con em là dân trong xã tham gia ngụy quân và 53 người là ngụy quyền, đảng phái phản động (kể cả 137 người thuộc làng Long Hưng). Ngày trở về sống với gia đình, tất cả lần lượt đến trình diện với chính quyền cách mạng. Nói là ngụy quân nhưng trong đó có rất nhiều người bị địch bắt đi lính - gọi là bắt đi quân dịch, trong số đó có một số con em gia đình thuộc thành phần cách mạng.
Để tiện cho công việc và tiến hành các hoạt động được kịp thời, cán bộ, du kích xã những ngày đầu giải phóng phải ăn ở tập trung. Xã tạm sử dụng và sửa chữa ngôi trường tiểu học gồm 3 phòng học đã bị hư hỏng nặng chỉ còn bốn bức tường để làm văn phòng làm việc, trong đó dành một phòng cho Ban An ninh xã để tổ chức cho số nguỵ quân, nguỵ quyền, đảng phái phản động trở về đến trình diện, khai báo. Ngay chính ngôi trường này và cũng chính tại phòng học này, ngày 28-7-1969, tôi bị địch bắt khi đang dạy học hè cho các em. Sau gần 6 năm từ cậu học sinh cấp II, tôi đã trưởng thành ở cương vị mới là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời - kiêm Trưởng ban An ninh xã, chủ trì việc tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động đến trình diện và khai báo, trong số đó có người đã trực tiếp đến bắt tôi năm 1969. Qua khai báo, chúng tôi tuyên bố: Theo chích sách của cách mạng các anh đã bị tước quyền công dân. Những người bị tước quyền công dân thì phải chịu quản thúc, không được đi ra khỏi địa phương, rồi phân loại (tuỳ theo cấp bậc, chức vụ, thành tích và tội trạng) để đưa đi cải tạo tập trung hoặc cho cải tạo tại chỗ. Những người cải tạo tại chỗ, thì hằng tháng vào ngày 20 phải lên xã trình diện, báo cáo, trong đó phải nêu rõ việc tham gia cải tạo lao động, việc học tập chính sách và chấp hành chủ trương, chính sách của cách mạng như thế nào. Kết hợp với nhận xét của đoàn thể, đội sản xuất hoặc hợp tác xã, chúng tôi họp xét để lần lượt “trả” quyền công dân cho những người đã cải tạo tốt. Những người con gia đình thuộc thành phần cách mạng mà không có cấp bậc, chức vụ, không tham gia đảng phái phản động thì được xem xét ngay.
Kể ra đến nay tôi cũng không hiểu vì sao khi đó, dù chỉ mới 21 tuổi mà dám chủ trì một công việc quan trọng và với một phong thái tự tin như vậy. Có lẽ vì thực tiễn công việc đã dạy tôi và Đảng đã mạnh dạn, tin cậy giao công việc đó cho tôi. Những người đến trình diện thấy anh lãnh đạo xã tuy rất trẻ nhưng có thái độ làm việc vừa cứng rắn, vừa khoan hòa. Tôi đã cố gắng giải thích chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước cho các đối tượng đến trình diện một cách ôn tồn, dễ hiểu và thuyết phục, bởi tôi nghĩ rằng: Chính sách khoan hồng trước hết là nằm ở thái độ khoan dung của người cán bộ cách mạng trực tiếp với họ. Có lẽ, nhờ vào thái độ ban đầu ấy, cho nên dù chỉ là một cán bộ trẻ vừa qua tuổi hai mươi, là một trong số cán bộ cách mạng đầu tiên họ tiếp xúc sau ngày giải phóng nhưng vẫn khiến cho nhiều người trong số họ vừa ngạc nhiên vừa tỏ ý thán phục. Nhiều người trong số họ đã phát biểu như vậy sau buổi trình diện. Những vấn đề hậu chiến sau thời điểm 30-4-1975 cũng rất phức tạp, đặc biệt ở địa bàn xã Hải Thượng. Viên đại uý Tôn, phụ trách cảnh sát đặc biệt của Ty Công an ngụy quyền Sài Gòn tại Quảng Trị nhận định: Xã Hải Thượng có phong trào theo Việt cộng rất mạnh, nên phải tìm mọi cách đánh phá cho được, trong đó có chính sách bôi lem. Địch chủ trương “bôi lem” những gia đình có người thân tham gia cách mạng, để cách mạng nghi ngờ, lẫn lộn trắng đen, từ đó dễ bề chia rẽ, gieo rắc nghi kỵ. Cũng có khi chỉ vì tham tiền mà họ đã tự ghi tên, tự bịa ra thông tin rồi cho là thông tin của cộng tác viên, mật báo viên báo cho chúng để nhận lương, thưởng bỏ túi. Bùi Đàm, người làng Ba Khê, Cuộc trưởng cảnh sát đặc biệt xã Hải Thượng đã khai với tôi như vậy. Với những chi tiết bị “lẫn lộn trắng đen” như thế nên công việc phân loại danh sách theo hồ sơ do địch để lại thật phức tạp, đòi hỏi phải có độ tin cậy cao để không bị oan nhưng không bỏ sót. Mặc dù là chuyện tự bịa ra để “bôi lem” hay để lãnh lương nhưng có trường hợp địch ghi quá cụ thể, có cả bí số nữa nên có người đã bị oan, phải mất thời gian rất lâu để được sáng tỏ. Như trường hợp ông Nguyễn Xu, một cơ sở cách mạng trung kiên, bị lộ bí mật khi gài mìn ở trụ sở xã ngụy, bị địch bắt tra tấn dã man và bị giam tù cùng một phòng với tôi cho đến ngày được giải thoát, thế mà có trong danh sách làm gián điệp cho địch kèm theo cả bí số nữa, nên con cái của ông Nguyễn Xu như anh Nguyễn Từ đã chịu thiệt thòi một thời gian khá lâu mới được minh oan.
Theo chính sách của cách mạng, những người làm trong ngành y tế, giáo dục, khoa học… được “lưu dung” để phục vụ dưới chính quyền cách mạng, nhưng trong số đó có người theo đảng phái phản động, có người không theo nhưng lại có trong danh sách theo lối “đánh trống ghi tên”. Vậy ai là người bị “đánh trống ghi tên”cũng cần phải làm rõ để “thu dung” vào làm việc. Chính quyền quá mới, công việc hành chính chưa am hiểu, vừa làm vừa học, chúng tôi say sưa làm việc suốt ngày thâu đêm nhưng không hề thấy mệt mỏi. Đó cũng là những ngày vinh quang nhất, kiêu hãnh nhất trong cuộc đời làm cách mạng của chúng tôi.
Phong trào cách mạng sôi nổi
Sau ngày giải phóng, có thể nói phong trào cách mạng quần chúng vô cùng sôi nổi, vì mọi người đã được thoát khỏi chế độ gông cùm, đàn áp, cuộc sống thường ngày không còn bị đe dọa, bị bom đạn, ai cũng được sống trong hoà bình, độc lập, tự do và tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Chính vì vậy, nhiều phong trào sôi nổi được dấy lên, làm được những việc tưởng chừng không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn như vậy như việc rà phá bom mìn, làm sạch ruộng đồng quê hương để có đất đai canh tác, vì Quảng Trị là nơi bị chiến tranh chà xát nhiều nhất nên lượng bom mìn chưa nổ rất nhiều. Việc tháo gỡ bom mìn lúc đó không có máy dò mìn hiện đại như hiện nay mà phải dùng thuốn, tức là dùng một thanh sắt tròn, mài nhọn, tra vào cán tre, để thuốn sâu vào từng cm2 đất. Khi gặp bom mìn thì phải đào lên rồi tháo gỡ. Đã có nhiều người đã hy sinh hoặc bị thương trong công việc này. Có thể nói cái giá quá đắt, máu vẫn đổ tuy hòa bình đã về, biết thế nhưng không cách nào khác. Ruộng đất hoang hoá đã gần 3 năm, việc khai hoang, phục hoá với công cụ lao động hết sức thô sơ cũng thật nặng nề. Nhưng nhờ phong trào thi đua sôi nổi, với khẩu hiệu: “Làm ngày không đủ - tranh thủ làm đêm” nên nhân dân trong xã đã khai hoang được một số diện tích khá lớn để trồng lúa vụ hè thu và trồng rau, màu chống đói.
Cũng từ phong trào cách mạng đang dâng cao, ruộng đất lại bị hoang hóa lâu ngày và bị nhiễm bom mìn nên việc công hữu hoá ruộng đất theo chủ trương của Đảng và Nhà nước rất thuận lợi. Nhân dân tự nguyện hiến ruộng đất cho Nhà nước, Nhà nước giao cho tập thể người lao động. Tập thể người lao động được tổ chức dưới hình thức đội sản xuất, toàn xã Hải Thượng lúc đó lập được 38 đội sản xuất nông nghiệp. Những đội sản xuất tập thể bắt đầu với một phương thức làm ăn mới.  
Vừa lo tăng gia sản xuất, đảm bảo cuộc sống hằng ngày, chính quyền xã cũng phải lo ngay cho các cháu được học hành bởi đã chuẩn bị vào năm học mới. Trường lớp không có, các đội sản xuất hăng hái tổ chức đi cắt tranh, lên rừng giáp ranh chặt cây, đóng góp tre để xây trường. Một phong trào thi đua đóng góp vật liệu xây dựng trường đã diễn ra giữa các đội sản xuất để kịp khai giảng năm học. Thời điểm ấy đã có lực lượng giáo viên từ các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hoá, Quảng Bình… chi viện vào dạy ở vùng giải phóng Quảng Trị từ năm 1973 cùng với một số giáo viên được “lưu dung” nên kịp mở lớp dạy cho các cháu. Giáo viên không đủ đứng lớp nên các cô thầy phải dạy mỗi ngày 2 lớp (sáng, chiều). Phong trào văn hoá, nhất là phong trào đi học bổ túc văn hoá, xoá nạn mù chữ rất sôi nổi. Thời đó, dưới chế độ Mỹ - ngụy miền Nam thất học nhiều, nhất là phụ nữ. Bản thân tôi lúc đó cũng mới học chưa hết cấp hai nên đêm đêm phải xách đèn bão đi học (gọi là đèn bão bởi nó có thiết kế bóng đèn rất kín, gió bão cũng không thổi tắt được nên gọi là đèn chống bão) bởi lúc đó không có đèn pin hoặc có đèn pin thì cũng khó mà mua được pin. Bên cạnh phong trào học bổ túc văn hóa ban đêm, phong trào văn nghệ trong các thôn xóm cũng vô cùng sôi nổi. Dù khó khăn trăm bề nhưng đi đâu, xóm làng nào cũng vang lên lời ca tiếng hát. Du kích, thanh niên, thiếu niên tuần nào cũng vài lần sinh hoạt, tập hát. Chuyện sinh hoạt tập thể trở thành nhu cầu của thanh, thiếu niên hồi bấy giờ. Cứ mỗi lần vào sinh hoạt thì tập thể hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, sinh hoạt xong thì hát bài “Bác cùng chúng cháu hành quân”, vừa hát vừa vỗ tay rầm rập, ai cũng thuộc hai bài hát này.
Chính nhờ các phong trào thi đua, nhờ con người của giai đoạn ấy luôn gắn với tập thể nên có các phong trào thi đua tập thể như: tập thể đội sản xuất với đội sản xuất, hợp tác xã với hợp tác xã, đoàn thể quần chúng cách mạng với đoàn thể quần chúng cách mạng... Trong mỗi tập thể lại có phong trào thi đua cá nhân, ai cũng có ý thức thi đua để vươn lên, được một lời biểu dương trước tập thể là danh giá vô cùng. Vì vậy mà vượt qua được tất cả gian khó, bộ mặt nông thôn sớm được thay đổi, nhất là việc quy hoạch lại giao thông, thủy lợi, làm đường liên thôn, đường ra đồng ruộng để kéo xe ba gác ra đồng. Trước đây, do đất ruộng phần nhiều là tư hữu nên không làm được, người nông dân đi gặt một gánh lúa có nơi phải gánh leo qua các giường (bờ) ruộng đến hai, ba cây số mới về đến nhà. Nếu không công hữu hoá ruộng đất, nếu không có phong trào cách mạng sôi nổi và không tổ chức làm ăn tập thể thì không bao giờ có được.
Cũng có thể kể thêm rằng, những năm đầu khi mới kết thúc chiến tranh, do Nhà nước chưa có chính sách và nguồn lực nên chưa kịp giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách là những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nhất là những gia đình không còn sức lao động nên hàng năm, đến vụ hợp tác xã phải trích một khoản lương thực để "điều hòa" cho đối tượng chính sách có cái ăn. Đó những mặt tích cực của việc làm ăn tập thể lúc bấy giờ.
Kinh tế tập thể
Những năm sau ngày giải phóng, ta chủ trương xây dựng ngay các loại hình hợp tác xã, vì lúc đó quan niệm rằng dưới chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, không có kinh tế tư nhân nên phải nhanh chóng xây dựng các loại hình hợp tác xã: Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán.
Nói hợp tác xã mua bán nhưng mới chỉ làm được đại lý bán hàng “phân phối” thực phẩm, nhu yếu phẩm cho dân, vì mỗi người dân từ trẻ con đến người già lúc đó đều được Nhà nước bán phân phối theo định lượng bảy mặt hàng thiết yếu như: Vải, đường, mì chính, dầu hỏa… Người ốm đau mới mua được mấy lon sữa theo giá Nhà nước quy định, từng hộ gia đình phải có sổ để theo dõi mua hàng của người bán hàng, hàng hóa ở cửa hàng đều được bán theo chế độ tem phiếu. Người dân sản xuất ra lương thực thì hợp tác xã chỉ cân đối “đủ ăn” còn lại phải làm nghĩa vụ cho Nhà nước để có lương thực cung cấp cho bộ đội, bán phân phối cho công chức, viên chức và công nhân lao động phi nông nghiệp. Chăn nuôi được con lợn thì Nhà nước thu mua theo giá quy định, và được bán đối lưu cho một số hàng bách hóa, trong đó có vải lụa để may quần phụ nữ, tùy theo lợn to hay nhỏ để được “một lụa” hay “hai lụa”. Thường một con lợn bán cho Nhà nước 50kg thì được một lụa, 100kg thì được 2 lụa (mỗi lụa tức là một quần vải lụa 2m). Nói vậy để hiểu hàng hóa tiêu dùng khan hiếm đến mức vải để may quần cho phụ nữ cũng nhờ nuôi lợn mới được mua.
Do nền kinh tế của nước ta lúc bấy giờ là nền kinh tế kế hoạch và tập trung, Đại hội VI của Đảng ta (Đại hội đổi mới) đã tổng kết đó là nền kinh tế “tập trung, quan liêu, bao cấp”, mọi thứ sản xuất và phân phối đều theo kế hoạch, các nhà máy sản xuất ra hàng hóa đều được Nhà nước thu mua và phân phối, hợp tác xã mua bán không có nguồn hàng để khai thác nên nó chỉ mang tính hình thức, còn hợp tác xã tín dụng thì dân có tiền đâu mà góp vốn nên cũng không mấy xã thành lập được. Riêng hợp tác xã nông nghiệp thì đồng loạt được thành lập từ hình thức thấp (tổ, đội sản xuất) đến cao (hợp tác xã, hợp tác xã bậc cao) còn gọi là phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Nhờ tư liệu sản xuất chủ yếu (ruộng đất) đã được công hữu hóa và nhờ đã tổ chức làm ăn tập thể dưới hình thức tổ, đội sản xuất ở vùng giải phóng, nên sau khi sơ tán trở về, Đảng uỷ xã chủ trương lập ngay các đội sản xuất để kịp sản xuất vụ hè thu năm 1975. Dù đứng trước muôn vàn khó khăn do đất đai bị hoang hoá, công cụ lao động thiếu, đê đập thủy lợi bị hư hỏng,… nhưng bà con xã viên hăng hái tham gia làm ăn tập thể và ra đồng lao động, sản xuất một cách tự nguyện nên đã giành được thắng lợi ngay từ vụ đầu, năm đầu. Tiếp đó Đảng ủy xã quyết định thành lập các tập đoàn sản xuất, toàn xã từ 38 đội sản xuất tiến lên thành lập 12 tập đoàn và thí điểm thành lập hợp tác xã An Thái, lấy nguyên làng An Thái thành lập hợp tác xã và cử đồng chí Lê Thanh Quảng, Đảng ủy viên Đảng uỷ xã làm Chủ nhiệm, anh Đào Quýnh – một tri điền làm Phó Chủ nhiệm. Vì làng An Thái cũng không đông nên quy mô hợp tác xã cũng vừa phải. Hợp tác xã thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng thực ra không tự nguyện cũng không được vì tư liệu sản xuất chủ yếu đã là của công, hơn nữa phong trào hợp tác hoá đang rất mạnh, còn gọi là cao trào, là cuộc cách mạng quan hệ sản xuất trong ba cuộc cách mạng đồng thời lúc bấy giờ (cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hoá tư tưởng). Ai lúc đó không vào hợp tác xã coi như đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng… nên 100% người trong độ tuổi của dân làng An Thái “tự nguyện” tham gia hợp tác xã, và hợp tác xã tổ chức Đại hội thành lập ngày 23-9-1975. Tiếp đó, hợp tác xã tổ chức Đại hội Đông Xuân, tức là đại hội bàn kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 1975-1976 và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất với khẩu hiệu “Đại hội Đông Xuân, ra quân thắng lợi”. Cũng vì là mô hình mới, chưa kịp phát sinh mâu thuẫn, hơn nữa thời đó nghe được Đảng ủy chọn làm “thí điểm” là một vinh dự lớn nên xã viên ai cũng hăng hái “chung lưng đấu cật” xây dựng. Vụ đông xuân 1975-1976 được mùa, hợp tác xã làm tròn nghĩa vụ Nhà nước, ngày công lao động khá cao, xã viên tin tưởng vào đường lối xây dựng hợp tác xã… và do đó hợp tác xã An Thái đã sớm trở thành điển hình của huyện.   
 
Đồng chí Bùi San, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hồng Minh Quyền, Bí thư Huyện ủy và tác giả thăm nhân dân khai hoang để trồng sắn tại đồi K4,  năm 1977

Tháng 4-1976, nhân dân hồ hởi, phấn khởi đi tham gia bầu cử Quốc hội thống nhất hai miền Nam Bắc. Cũng năm ấy, tôi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Thượng, được cử đi nghiên cứu xây dựng hợp tác xã tại huyện Thái Thuỵ, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình), huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An).
Với đoàn cán bộ huyện do đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm trưởng đoàn, chúng tôi đến huyện Quỳnh Lưu gặp đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Hữu Đợi. Anh Đợi là người rất nổi tiếng thời đó về chỉ đạo xây dựng hợp tác xã và nông thôn mới. Tôi “nhanh miệng” xin anh Lê Hữu Đợi cho đưa một số cán bộ ra học tập về xây dựng hợp tác xã được không? Anh Lê Hữu Đợi trả lời đồng ý, có thể là lời xã giao. Không ngờ tháng sau tôi đưa 55 cán bộ xã, hợp tác xã, đội sản xuất mang lương thực ra Quỳnh Lưu nghiên cứu. Việc ra đến huyện Quỳnh Lưu lúc đó không hề đơn giản vì không có xe khách như hiện nay, tàu hỏa thì chỉ chạy từ Hà Nội đến Vinh và ngược lại nên phải xin đi nhờ xe vận tải của bộ đội ra đến Vinh. Đi từ sáng sớm ra đến Vinh thì trời đã về khuya, anh chị em tạm trải những tấm ni lông nằm ngủ giữa sân ga Vinh, đợi đến sáng mới xếp hàng mua vé lên tàu chợ ra ga Cầu Giát và “đổ bộ” vào cơ quan huyện Quỳnh Lưu (ga Cầu Giát cách Huyện ủy Quỳnh Lưu chưa đầy 3km). Vì không có phương tiện thông tin như bây giờ nên không báo trước được. Đoàn chúng tôi mang ba lô “hành quân bộ”, tiến vào trong sự ngỡ ngàng của cơ quan Huyện ủy Quỳnh Lưu, vì “tưởng nói chơi, hoá ra thật”. Nhưng thời điểm ấy, với tình yêu quý đặc biệt dành cho miền Nam nên Huyện ủy đã tạo điều kiện cho chúng tôi về ăn ở trong nhà dân tại hợp tác xã Quỳnh Hồng. Huyện ủy cũng chỉ đạo hợp tác xã “bao cấp” thêm cho chúng tôi về lương thực, thực phẩm (vì chúng tôi chỉ mang 13kg lương thực cho mỗi tháng mỗi người) suốt trong thời gian hai tháng học tập, nghiên cứu. Hợp tác xã Quỳnh Hồng lúc đó là một hợp tác xã điển hình của miền Bắc về mô hình xây dựng hợp tác xã bậc cao với quy mô lớn (hai xã hợp lại thành một hợp tác xã), còn gọi là Liên hiệp Hợp tác xã.
Từ chuyến nghiên cứu ở hợp tác xã Quỳnh Hồng, tôi học được bài “Cân đối lao động trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”, bằng cách “định mức, xếp bậc, định tiêu chuẩn, tính công” như: một hécta lúa cần bao nhiêu công cày, cấy, làm cỏ, bón phân,… tức là định mức, xếp bậc từng loại công việc và mỗi loại công việc cần bao nhiêu lao động để tính tổng nhu cầu lao động trong hợp tác xã, rồi điều tra trong hợp tác xã có bao nhiêu lao động chính, bao nhiêu lao động phụ, rồi cân đối thừa lao động hay thiếu lao động và đưa ra các giải pháp khắc phục như thiếu thì vận động làm thêm giờ, thừa thì đi khai hoang vùng gò đồi để trồng sắn hoặc phát triển nghề phụ… Từ đó tôi đã vận dụng vào tình hình thực tế  hợp tác xã ở quê nhà và có bài tham luận “Cân đối lao động trong hợp tác xã An Thái” trình bày trước hội nghị hợp tác hoá toàn tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức tại đình làng Cu Hoan xã Hải Thiện cuối năm 1976. Đồng chí Bùi San, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên bấy giờ tham dự hội nghị đã lắng nghe bản tham luận của tôi và rất khen ngợi vì thời điểm đó chưa có nhiều những phát biểu “khoa học” như vậy từ thực tiễn, từ cơ sở.
Tháng 3-1977, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng được sáp nhập thành huyện Triệu Hải. Tháng 4-1977, Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Hải lần thứ nhất, tôi được bầu vào Huyện ủy, được Huyện ủy phân công làm Bí thư Đảng bộ xã Hải Thượng thay đồng chí Đào Tấn An. Cũng năm ấy chiến tranh biên giới phía Tây Nam đang nổ ra ác liệt. Hàng chục con em quê nhà Hải Thượng cùng thanh niên cả nước tiếp tục lên đường tòng quân đi bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua lại càng sôi nổi hơn, nhiều bạn trẻ hăng hái viết đơn tình nguyện ra mặt trận, các đoàn thể thi đua giúp đỡ gia đình có con đi tòng quân, thi đua “hậu phương” với “tiền tuyến”...
Với tư cách là Huyện ủy viên, dù còn rất trẻ nhưng được đánh giá là có kinh nghiệm nên tôi được cử làm trưởng đoàn gồm 105 cán bộ hợp tác hoá của huyện và cán bộ của các xã: Hải Quy, Hải Quế, Hải Lâm, Hải Trường, Hải Thượng, Hải Lệ ra nghiên cứu tại hợp tác xã Đan Phượng và hợp tác xã Song Phượng thuộc huyện Đan Phượng tỉnh Hà Sơn Bình. Lúc này anh Văn Viết Hoá, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, phụ trách xây dựng hợp tác hoá huyện cũng dẫn một đoàn hơn 200 cán bộ đi nghiên cứu tại tỉnh Thái Bình. Dù thời đó còn trẻ tuổi nhưng hằng tuần tôi vẫn lên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với anh Thưởng, Bí thư Huyện ủy, anh Ngôn Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng và hằng tháng gặp anh Minh Đạt - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình phụ trách nông nghiệp để báo cáo tình hình nghiên cứu hợp tác hoá và những đề xuất, kiến nghị của đoàn. Bây giờ nhớ lại thời điểm ấy, khi mới ra huyện Đan Phượng, anh Minh Đạt về nói chuyện, sau đó anh hỏi, ai giới thiệu mà các đồng chí biết để ra nghiên cứu ở đây. Tôi mau mắn trả lời: bác Lê Duẩn (Tổng Bí thư), bác Trần Quỳnh (Phó Thủ tướng) vào thăm quê và khuyên huyện nên tổ chức đi thăm một số hợp tác xã ở miền Bắc để học tập, trong đó có nhắc huyện Đan Phượng. Nghe vậy nên các anh vốn đã quan tâm miền Nam như ở huyện Quỳnh Lưu thì nay lại càng quan tâm hơn, gần gũi hơn. Không chỉ “bao cấp” thêm lương thực, thực phẩm và bố trí cho ăn ở bếp ăn tập thể của hợp tác xã mà còn bán phân phối cho các loại nhu yếu phẩm như dép nhựa Tiền Phong, khăn mặt, xà phòng thơm hiệu Hoa nhài, thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo, kem đánh răng Ngọc Lan… Lúc đó, những thứ hàng hoá này không bán trên thị trường tự do, chỉ bán trong các cửa hàng và bán theo định lượng, có sổ theo dõi, như mặt hàng thuốc lá, nếu là cán bộ khi cưới vợ, cưới chồng mới mua được khoảng hai cây (20 gói) thuốc lá. Sau 3 tháng nghiên cứu ở Hà Sơn Bình, Thái Bình về, các xã trong huyện đều hăng hái xây dựng hợp tác xã bậc cao, quy mô lớn với quan niệm rằng: hợp tác xã bậc cao phải gắn với quy mô lớn, nên gần như 100% số xã của huyện Triệu Hải xây dựng hợp tác xã quy mô toàn xã.
Vì đã có thời gian đi thực tế ở hợp tác xã Quỳnh Hồng (Nghệ An) và nghiên cứu ở hợp tác xã Đan Phượng và xã Song Phượng (Hà Sơn Bình), tôi nhận ra những mâu thuẫn trong công tác quản lý, cũng như những vết rạn nứt ban đầu của nó nên tôi đã đề nghị với Đảng uỷ xã Hải Thượng nên xây dựng hai hợp tác xã (hợp tác xã Đại An Khê và hợp tác xã Thượng Xá). Hợp tác xã Thượng Xá chỉ riêng làng Thượng Xá, hợp tác xã Đại An Khê gồm các làng Đại Nại, An Thái, Ba Khê vì trong lịch sử đã từng có xã Đại An Khê nên cũng dễ thống nhất tên hợp tác xã. Đảng ủy xã nhất trí cao, tuy nhiên cũng có người muốn hợp tác xã quy mô toàn xã vì dạo ấy hợp tác xã toàn xã đang là một “cao trào” của tỉnh Bình Trị Thiên. Tôi bị cấp trên phê bình “trẻ nhưng bảo thủ”, chất vấn tôi tại sao không xây dựng hợp tác xã toàn xã? Tôi trả lời: “Vì xã “cháu” chưa tìm ra ông chủ nhiệm quản lý hợp tác xã toàn xã, xin cho “cháu” thêm một thời gian… Thế là tôi thành công trong việc bảo vệ phương án xây dựng hai hợp tác xã. Tuy nhiên vẫn là hợp tác xã khá to nên những bất cập trong công tác quản lý cũng dần lộ rõ, cán bộ thì yếu và thiếu, năng suất lao động lại thấp, đời sống xã viên và nhân dân ngày càng khó khăn hơn. Cũng trong năm đó hạn hán nặng, nước không đủ tưới cho ruộng đồng. Đập xây bằng đá ngăn sông Nhùng (đoạn bên xóm Rào làng Long Hưng và bên kia sông là làng Trâm Lý xã Hải Quy) do Thượng thư Thái Văn Toản, người làng Quy Thiện (Hải Quy) cho xây để giữ nước tưới cho đồng ruộng gọi là Bara Quy Thiện đã bị bom đạn làm hư hỏng. Xe đạp nước cũng không đủ, máy bơm của bà con đưa vào công hữu chỉ được mấy cái nhưng không cái nào chạy tốt, nguy cơ đói là cầm chắc. Lúc ấy buộc chúng tôi phải nghĩ đến phương án lấy nước tưới từ sông Thạch Hãn. Một hành động táo bạo bắt đầu, đó là làm kênh mương từ sông Thạch Hãn về đến cánh đồng Hải Thượng (sau này mở rộng thành tuyến kênh N2 của hệ thống đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn). Thời đó việc thi công cũng thật đơn giản, dù tuyến kênh đi qua xã Hải Trí (thị xã Quảng Trị ngày nay) nhưng không phải kiểm kê, đền bù để giải phóng mặt bằng như bây giờ. Vừa làm vừa xin huyện, cũng may được huyện ủng hộ và bổ sung cho hai máy bơm (lúc đó xã cũng có hai máy bơm nhưng công suất nhỏ) và bơm nước từ sông Thạch Hãn. Máy bơm cũng cọc cạch, dầu thiếu, phụ tùng không có thay thế, có khi máy hư hỏng, ruộng bị khô cháy, tôi bèn nghĩ ra cách động viên để anh em chạy máy ngày đêm. Có lần máy hỏng, tôi bàn với Đảng ủy mua hai con vịt ra cho anh em nấu cháo bồi dưỡng lấy sức mà sửa máy, nhưng bác Lê Phan, Đảng ủy viên không đồng ý, bác nói: “Đó là trách nhiệm của giai cấp công nhân, đây là vấn đề liên minh công nông” nên không được làm như vậy”. Bác là lớp người trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã về hưu, làm Bí thư Chi bộ và tham gia Đảng ủy xã. Không trách gì bác Lê Phan cả, vì thế hệ như bác trách nhiệm là trên hết, vấn đề liên minh công nông đã trở thành máu thịt của các bác thời bấy giờ.
Năng suất lúa thì không tăng, năng suất lao động thì kém dần vì “của chung”, đến mùa thu hoạch năm nào cũng phải nhờ bộ đội, nhờ lực lượng thanh niên đang lao động xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn về gặt giúp. “Nghĩa vụ” lương thực đối với Nhà nước thì không giảm. Đến mùa cán bộ thống kê huyện về “gặt thống kê” rồi tính theo lý thuyết: sản lượng thu được trên bình quân m2 của từng loại ruộng, từ đó nhân lên với tổng diện tích để có con số tổng sản lượng về báo cáo với huyện. Huyện lấy đó làm căn cứ để “ấn” xuống xã, xã “ấn” xuống hợp tác xã các khoản nghĩa vụ bao gồm thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí (nếu có) và lương thực bán “nghĩa vụ” cho Nhà nước theo giá quy định. Dân không đủ lương thực ăn nhưng hợp tác xã vẫn phải làm “nghĩa vụ”, nên có hợp tác xã ngày công lao động chỉ còn 0,7kg thóc, xã viên chán nản không muốn ra đồng nên có câu vè dân gian:
“6 giờ kẻng đánh mõ la (gọi ra đồng)
7 giờ thủng thẳng mới ra đến đồng
8 giờ đội trưởng phân công
10 giờ thủng thẳng trên đồng về thôn”.
Nghĩa là mỗi buổi xã viên chỉ làm 2 giờ đồng hồ, về nhà cũng không có việc làm vì tư liệu sản xuất (ruộng đất) đều là của tập thể (trừ một ít đất 5%).
Trước tình hình như vậy, ông Nguyễn Quả, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại An Khê báo cáo với tôi nên giao đất màu cho xã viên tự làm, đóng nghĩa vụ cho hợp tác xã để đóng nghĩa vụ cho Nhà nước, tôi đồng ý nhưng không công khai. Huyện ủy biết được, gọi tôi lên. Đêm ấy, đối mặt với tập thể Thường vụ Huyện ủy, tôi trình bày: Vì ruộng đất hợp tác xã Đại An Khê quá nhiều, lao động thiếu nên khoán cho xã viên để bà con tranh thủ làm đêm. Các đồng chí Thường vụ Huyện uỷ hỏi tôi có biết ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị kỷ luật vì cho khoán chui không? Rồi yêu cầu tôi về kiểm điểm và “sửa sai”. Rất may gặp bác Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy đi học Trường Nguyễn Ái Quốc về nghỉ Tết Mậu Ngọ 1978, tôi đến kêu cứu bác. Sau khi nghe tôi trình bày, bác Lê Văn Hoan ra gặp Thường vụ Huyện ủy và nói: Đất ruộng làng tôi, tôi hiểu, nhiều lắm không làm kịp, cứ cho nó khoán thử xem rồi có gì sẽ điều chỉnh sau. Thế là tôi “tai qua nạn khỏi”. Việc khoán đó vẫn duy trì cho đến khi có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tháng 1-1981) về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp - gọi là Khoán 100, sau đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tháng 4-1988) - gọi là Khoán 10. Nhờ vậy hai hợp tác xã Đại An Khê và Thượng Xá không bị tách ra, nhập vào như nhiều nơi khác và đến nay vẫn tồn tại, đứng vững và phát triển.

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a