06:22 ICT Thứ tư, 24/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hồi ký "Chuyện kể về một thời"

Phan Quang

Thứ ba - 10/01/2012 14:11
Tiếp sau Đất quê hương, hồi ký của Lê Văn Hoan1Chuyện kể về một thời của Lê Hữu Thăng là cuốn hồi ký thứ hai về xã Hải Thượng và vùng đất lửa anh hùng cận kề Thành cổ Quảng Trị, nơi từng diễn ra bao kỳ tích làm thế giới ngạc nhiên và thán phục.
Hai tác giả đều là con cháu họ Lê thôn An Thái, một thôn nhỏ thời trước rất nghèo, cách Thành Cổ chưa tới 2 km theo đường chim bay, tên làng từ đời nhà Mạc đã được chép vào sách Ô châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An (1555). Theo phả hệ họ Lê thôn An Thái, ông Lê Văn Hoan thuộc hệ trên (bác), ông Lê Hữu Thăng thuộc hệ dưới (cháu). Ông bác ra đời vào đầu thập niên 1930, những năm đen tối nhất trong lịch sử dân tộc ta và cũng là những năm ngặt nghèo và đẫm máu của nhân dân thế giới. Ông bác kịp lớn để hòa nhập vào cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945, tham gia kháng chiến, bám trụ vùng đất quê hương trong suốt hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Cậu cháu Thăng ra đời năm dân tộc ta “chín năm làm một Điện Biên” (1954). Cha tập kết ra Bắc, cậu bé được mẹ cùng bà con nội ngoại quê hương nuôi dạy, tôi luyện trong truyền thống Quảng Trị kiên cường để sớm trở thành một “Việt cộng nhí” bị đối phương ráo riết săn lùng. Diễm hạnh của Lê Hữu Thăng là kịp đến tuổi thành niên để khi quê hương giải phóng (1972), được cấp trên giao nhiệm vụ làm một cán bộ lãnh đạo xã Hải Thượng dạn dày kỳ tích, cùng bà con làng xóm thắp nén hương lên mồ các liệt sĩ và bắt tay xây dựng cuộc sống mới từ đống tro tàn. Anh cán bộ trẻ được Đảng, Đoàn và Nhà nước tạo điều kiện cho bổ sung kiến thức, sớm trở thành một cán bộ lãnh đạo năng động của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị từ bấy đến nay.
Hồi ký của ông bác Lê Văn Hoan kết thúc với nỗi lòng đau đáu nghĩ về những bà mẹ, những người chị, những cụ già, những em bé… đã chăm nuôi ông ba chục năm trường cho ông còn sống và có được ngày hôm nay - để giữ bí mật, cán bộ vùng sau lưng địch khi nói về họ thường dùng một từ rất chung là “cơ sở”. Cho dù đất nước rất quan tâm, vẫn chưa sao đền đáp xứng đáng công ơn những người còn sống và những người đã mất; không được những người ấy chí tình đùm bọc, chở che, chỉ dẫn - hành động mà họ cầm chắc sẽ phải trả giá bằng tính mạng của mình nếu bị phát hiện - thì làm sao các cán bộ “nằm vùng” có thể sống còn và hoạt động hiệu quả dưới những chiếc máy chém kéo lê và đạn bom, kìm kẹp. Hồi ký của ông cháu Lê Hữu Thăng, sau khi kể lại những sự tích anh hùng của quê hương, đã dành đến phân nửa cuốn sách nói về những thành tựu mà quê hương đạt được từ ngày hòa bình và trong thời đổi mới, và kết thúc bằng những trang viết về “Hạnh phúc”. Hạnh phúc không riêng của tác giả, của một gia đình thành đạt nhờ chế độ mới. Lớn lao hơn, ấy là hạnh phúc của họ mạc, xóm làng đã nuôi dạy ông cũng như đã góp máu xương và mồ hôi cùng nhân dân cả nước lập nên nhiều thành tựu.
 Hai cuốn hồi ký là là hai mảnh sáng tiếp nối nhau, tạo thành khúc sông lấp lánh trong dòng chảy không ngừng của lịch sử quê hương.
Xin trân trọng giới thiệu và mời bạn đọc cùng xem những trang viết chân tình đầy chi tiết sống động của tác giả Lê Hữu Thăng. Đấy đều là chuyện về người và việc của quê tôi, nơi tôi chào đời. Bản thân tôi nhiều lần được nghe bà con ruột thịt là những người trong cuộc thuật lại, được tự mắt nhìn những thương tích trên thân mình dãi dầu nắng cát của họ, tôi cũng có dịp đọc không ít bài viết của đồng nghiệp và hồi ký của các tướng lĩnh viết về người và đất Quảng Trị, vậy mà xem nhiều trang hồi ký Lê Hữu Thăng, tôi vẫn khó ngăn dòng nước mắt cảm phục tiếc thương, đôi khi lại háo hức như đang tuổi thanh xuân trước những tấm gương bình dị và trang sử gian truân của quê hương thời hậu chiến. Tôi tin rồi bạn đọc sẽ ngỡ ngàng vì những con số thống kê tổng kết cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân riêng một xã, ghi chép rành mạch trong Chuyện kể về một thời, bạn đọc sẽ cảm kích trước những người thật việc thật tưởng chừng có một không hai của xã Hải Thượng cũng như của vùng đất cận kề.
 Viết hồi ký là chép lại dưới cái nhìn của hôm nay hồi ức của mình về những người ta đã gặp, đã cùng ta chia sẻ trên bước đường đời, là thuật lại những việc mình từng chứng kiến, trải qua với vui mừng hay trăn trở… Cái thuận, theo nhận thức của tôi, là ở chỗ đã có độ lùi nhất định về thời gian để cái nhìn của ta qua trải nghiệm, chín chắn hơn so với cảm giác ban đầu; là nhờ có thời gian, ta nhìn lại bối cảnh xưa trọn vẹn và khách quan hơn cái thực tại trong mắt ta buổi ban đầu. Cái không thuận của hồi ký cũng chính là ở chỗ đó. Viết hồi ký rốt cuộc là kể chuyện mình, là từ đôi mắt của mình mà nhìn nhận lại thực tại đã qua, mà bình tĩnh nhớ lại những sự kiện hồi nào nóng hổi, mà cảm nhận con người toàn bích hơn khi ta vừa thoạt gặp... Tuy nhiên, bằng cách nào đi nữa thì mọi sự trước sau đều được lọc qua lăng kính của đôi mắt. Mà mắt con người, cho dù người ấy là vĩ nhân đi nữa, tầm nhìn vẫn có hạn. Thêm vào đó, thời gian trôi qua, hồi ức chúng ta dù muốn hay không rồi cứ lẫn chen nhớ nhớ quên quên, cho dù tư liệu viết ra có được kiểm tra, cân nhắc, chưa thể bảo đảm trăm phần chuẩn xác. Chính vì vậy, xưa nay hồi ký của các nhân vật càng quan trọng, kể về những sự việc càng lớn lao, thì càng dễ gợi lên luận bình, thẩm định đa chiều của người đương thời và cả của mai sau. Cái bù đắp cho những khiếm khuyết tiềm ẩn nơi hồi ký là động cơ trong sáng, tấm lòng trân trọng và thái độ khiêm nhường của người cầm bút. Văn phong của tác giả Lê Hữu Thăng có thể có chỗ còn vụng về, sự chân tình nơi ông, ta có thể tin.
Các tác giả Lê Văn Hoan, Lê Hữu Thăng đều tự cho mình là những người may mắn và hạnh phúc. Chính nhờ những may mắn diệu kỳ, mà các ông nhiều lần thoát chết hay khỏi sa vào tay địch trong gang tấc, trong khi biết bao bạn bè, đồng đội không may đã trở thành người thiên cổ. Hạnh phúc, bởi nhờ còn được sống cho nên các ông mới có điều kiện tiếp tục góp phần mình vào kỳ tích của quê hương. Nhờ còn được sống cho nên mới được chứng kiến những thành tựu tuyệt vời của đất nước sau chiến tranh. Riêng với tác giả Lê Hữu Thăng, hạnh phúc còn ở chỗ ông có môi trường thuận lợi để tiếp tục cống hiến.
Đọc hồi ký của bạn cùng quê viết về làng quê thân yêu, tôi cũng tự cho mình là một con người diễm hạnh. Trước hết bởi tôi là đứa con của quê hương Quảng Trị anh hùng. Cũng như Lê Văn Hoan, Lê Hữu Thăng và nhiều bà con, bạn bè nay kẻ còn người mất, tôi chào đời trên đất xã Hải Thượng. Bản thân tôi không được sinh sống nhiều tại làng quê, song trong suốt cuộc đời, ơn trời, đã vượt quá cái mốc cổ lai hy, cứ mỗi lần đến bất kỳ góc bể chân trời nào, hay do nhu cầu công tác được tạm thời cư trú những nơi cực kỳ sang trọng, đêm khó ngủ tôi vẫn tưởng như nghe vẳng đâu đây tiếng hò đập bắp[1], nam thanh nữ tú ở làng quê đối đáp nghĩa tình qua những câu hò ngẫu hứng; tôi tưởng vẫn nghe vọng giọng hò da diết của chàng trai đơn chiếc cần mẫn dắt trâu đạp lúa[2] thâu đêm trên sân… Làm sao có thể quên ngày tôi cùng cha và chị gái trở về nhà để thu dọn vớt vát chút gì may ra còn sót lại sau khi làng quê bị giặc Pháp thiêu hủy hoàn toàn để mang đi kháng chiến, tôi tưởng như còn nghe tự tâm can vọng lại bước chân mình lạo xạo dẫm lên đống ngói vụn nát của ngôi nhà tổ tiên để lại, giữa mảnh vườn khét lẹt lửa than. Làm sao tôi quên, ngày tôi ghé về làng từ biệt người thân để lên đường công tác xa, cha tôi dặn: “Con yên tâm đi, chớ có lo chi việc nhà”. Chị gái tôi: “Cậu làm việc nước, cần đi đâu cứ đi. Cha già đã có chị”. Người xã Hải Thượng chúng tôi là như thế đó.
Diễm hạnh quá chừng, chúng tôi sống để được nhìn người dân chung tay “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - như niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày đế quốc bắt đầu dội bom chùm, bom thảm xuống Thủ đô Hà Nội, để được chứng kiến nước Việt Nam bắt đầu “rạng rỡ với năm châu” trong quá trình phát triển và hội nhập - như kỳ vọng của Bác Hồ khi Bác ân cần dạy bảo các cháu thiếu nhi đêm trung thu đầu tiên của nước nhà độc lập… Trong hạnh phúc lớn lao ấy, làm sao không thâm tạ quê hương ở đó bởi chiến tranh bao bà con đã vĩnh viễn ra đi mỗi người một cách…
Hà Nội, đầu thu 2011


1. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2009, tái bản năm 2010.
[1]. Dùng gậy tre ngắn, đập những bắp ngô trên dàn cho hạt rơi xuống đất.
[2]. Dắt trâu dẫm lên dàn lúa xếp giữa sân cho hạt lúa rời khỏi bông.

Tác giả bài viết: Phan Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn