21:37 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hồi ký "Chuyện kể về một thời"

QUÊ HƯƠNG, NHỮNG NGÀY ĐẦU GIẢI PHÓNG

Thứ ba - 10/01/2012 14:58
Được giải thoát, chúng tôi chạy lên rừng tạm trú tại các cơ quan của huyện Hải Lăng, gọi là cơ quan nhưng chỉ là những lán trại đơn sơ và không cố định. Anh chị em người ngoại tỉnh và các huyện thì được giao liên dẫn lên căn cứ tỉnh để về bổ sung cho các đơn vị hoặc về các huyện. Một số chị em phụ nữ sức khỏe ốm yếu cũng được chuyển lên miền Tây để an dưỡng (miền Tây là danh từ dùng để chỉ vùng căn cứ của tỉnh, của khu ở rừng sâu), sau này tôi mới biết là Tà Rụt và Pa Nang thuộc huyện Đak Rông và có khi chuyển sang phía bên nước bạn Lào (tỉnh Salavan), trong đó có mẹ tôi. 
Quyết định điều động viết bằng tay
Tạm biệt mẹ, tạm biệt anh em đồng cảnh ngộ, tôi hăng hái đăng ký xin về Huyện đội Hải Lăng để được đi đánh giặc. Qua cơ quan huyện đội được hai ngày thì đơn vị cử về đồng bằng công tác. Tôi cùng với một số đồng chí được cử về công tác tại địa bàn xã Hải Thượng để truy quét địch.
Ngay tối hôm đó, dù trời đã về khuya, máy bay phản lực địch gầm thét và ném bom suốt đêm, pháo từ hạm đội bắn vào dữ dội nhưng tôi cố về thăm ông nội, thăm ngôi nhà mà mình đã được sinh ra và lớn lên ở đó với bao kỷ niệm thiêng liêng.
Sau gần ba năm bị tù, xa nhà nhưng cũng chỉ được thăm nhà, thăm ông nội khoảng 30 phút. Tôi gặp ông nội đang sống một mình trong ngôi nhà hiu quạnh giữa cánh đồng. Ông mừng quá, ôm tôi vào lòng và hỏi:
- Cháu có đi nữa không ?
- Dạ có, vì giặc đang còn
- Mẹ cháu còn sống không?
- Dạ còn sống và đã lên “miền Tây”
- Cháu bị chúng nó đánh có đau không ?
- Dạ có, nhưng cháu không khai gì ảnh hưởng cho cách mạng...
Ông nội tôi đã không hề có một lời than thở nào cả khi tôi tiếp tục vác súng ra đi.  Thương ông sống một mình đã gần 3 năm, nay lại phải tiếp tục sống một mình, nhưng vì nhiệm vụ nên tôi không thể ở nhà chăm nom ông được. Ông cứ dõi nhìn theo khi tôi ra ngõ. Dáng hình gầy gò của ông in trên khoảng sân nghèo trước ngôi nhà tranh xơ xác khiến lòng tôi nghẹn thắt.
Tôi tìm đến liên hệ công tác với xã, gặp anh Lê Hữu Quang - Bí thư, anh Nguyễn Tuấn Hưng - Phó bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng. Sau khi hỏi han anh em tù chính trị được giải thoát, anh Quang thông báo tình hình địch, ta rồi bảo tôi đợi một lát, anh viết một bức thư gửi tôi chuyển lên cho Huyện ủy. Lên đến cơ quan Huyện uỷ, tôi chuyển trực tiếp cho đồng chí Hoàng Khương, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, không ngờ đó là bức thư anh Quang xin Thường vụ điều động tôi về công tác ở xã vì trong quá trình ở tù, anh em tôi được tổ chức biết rõ nên khi gặp, anh Quang nảy ý định xin chúng tôi về lại xã nhà ngay. Đồng chí Hoàng Khương chỉ nói cho tôi biết là xã ghi thư lên xin đồng chí về tăng cường cho xã, rồi lấy từ chiếc xắc cốt đeo bên hông ra tờ giấy pơluya trắng, trải lên mặt túi, lập tức viết ngay quyết định điều động tôi về nhận công tác ở xã, nhiệm vụ do xã phân công. Không có cơ quan tham mưu trình bày, không bàn bạc tập thể, không đánh máy, không có dấu đỏ, cứ thế mà chấp hành. Thời chiến là vậy, nhưng hiệu lực lại rất cao, rất triệt để. Tiếc rằng sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời tôi không còn lưu giữ quyết định là trang giấy pơluya mỏng mảnh ấy để làm kỷ niệm.
Chính quyền cách mạng lâm thời
Điều động về công tác ở xã Hải Thượng, tôi được cử làm Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam của xã, phụ trách an ninh, sau đó là Ủy viên Thường trực ngay từ những ngày đầu mới giải phóng Quảng Trị năm 1972.
Tuy vào thời điểm năm 1972 tôi chỉ mới 18 tuổi, nhưng hào khí chiến thắng và tinh thần cách mạng sôi nổi đã tiếp thêm cho tôi sự tự tin và cả can đảm để dám đứng diễn thuyết trước cả trăm người dân. Nhân dân vui vẻ chào đón chúng tôi là những người chiến thắng trở về. Ai cũng phấn khởi vì lần đầu tiên quê hương sạch bóng quân thù. Người dân không tiếc bất cứ thứ gì khi chúng tôi cần. Tình quân dân ngày đó mặn nồng khó có gì sánh được.
Công việc của chính quyền cách mạng lâm thời trên vùng đất vừa giải phóng thật bộn bề: Vừa lo xây dựng bộ máy chính quyền, từ chỗ chỉ biết đánh giặc, gây dựng cơ sở, nay chuyển sang bộ máy vừa lo công việc hành chính, vừa lo sản xuất ổn định đời sống nhân dân, vừa nắm vững diễn biến tình hình của chiến trường. Rồi lo công tác truy quét địch còn ẩn náu, nắm danh sách những tên tay sai, mạng lưới cộng tác viên, mật báo viên của địch còn lại để quản lý và lo công tác bảo mật phòng gian. Một số tù binh ta bắt được không có chỗ giữ phải mượn tạm nhà dân (những nhà khá chắc chắn, kiên cố) rồi khoá lại, các hôm sau lần lượt chuyển tù binh lên rừng, một số bị thương cũng phải lo chữa trị thuốc men vì tính chất nhân đạo…
Những ngày tháng ấy đúng vào mùa lúa chín và đấy là một năm được mùa. Chúng tôi vận động nhân dân tranh thủ thu hoạch để có cái ăn, cán bộ, du kích cũng đi tham gia thu hoạch lúa. Quân cũng như dân đều phải lo đào hầm trú ẩn (loại hầm tròn) ngay giữa cánh đồng để tránh bom, pháo mỗi khi địch bắn phá. Thế mà Lê Thị Lân (cô em họ của tôi) hy sinh, Hồ Xuân Thịnh bị thương phải cáng về trạm phẫu tại xã Hải Quy.
Dù địch còn bắn phá, cuộc sống chưa được yên bình nhưng bầu không khí chung của khắp xóm thôn đều vô cùng phấn khởi. Cán bộ, du kích quên ăn quên ngủ, hăng say với công việc của mình và nghĩ rằng mãi mãi quê hương sẽ không còn bóng quân thù. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, ngày 13-6-1972, được sự chi viện máy bay B52 và pháo hạm của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu (Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn bấy giờ) đã mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị gọi là “Lam Sơn 72”. Mỹ - nguỵ dốc sức cho cuộc hành quân này vì chúng cho rằng tái chiếm được Quảng Trị sẽ xoay chuyển được tình hình, phá tan được cuộc tấn công sắp tới của ta, đồng thời sẽ là lợi thế của chúng, gây sức ép trên bàn Hội nghị Pari. Có ngày chúng dùng đến 33 lần chiếc máy bay B52, hơn 100 lần chiếc máy bay phản lực để ném bom. Chỉ riêng 10 ngày cuối tháng 6 (từ ngày 20 đến 30-6) đã có 217 lần máy bay B52, 365 lần chiếc máy bay phản lực, 658.000 lần pháo hạm đội bắn phá.
Trước tình hình đó, ngày 20-6-1972, Tỉnh uỷ ra chỉ thị phải tổ chức nhân dân đi sơ tán ra phía bắc. Đấy là cuộc hành quân lớn nhất với hơn ba vạn người dân Hải Lăng trong đó xã Hải Thượng có đến 3.280 người. Mỗi gia đình chỉ một đôi quang gánh trên vai. Đêm xuống, đoàn người đi dưới làn bom đạn, nhưng có bóng tối chở che nên an toàn hơn. Vào ban ngày, tránh di chuyển, khi không đi thì ai ai cũng lo đào hầm để trú ẩn, không khác gì bộ đội đi hành quân. Những ngày đi sơ tán ấy, không ngày nào, đêm nào không có người bị chết và bị thương. Đó là những tháng ngày thử thách khủng khiếp và khốc liệt với những người dân và chính quyền vùng đất vừa mới giải phóng.
Vùng giải phóng
Chúng tôi đưa nhân dân từ Hải Thượng tập kết về xã Hải Quy rồi qua xã Triệu Thành về đến Triệu Long (Triệu Phong). Một số người dân khác thì chèo thuyền vượt sông Hiếu Giang qua xã Cam Giang rồi lên trú tại Cam Thanh, Cam Thủy (Cam Lộ), một số khác thì vượt qua sông Thạch Hãn đến thôn Lập Thạch rồi tiếp tục vượt sông Hiếu qua Cam Giang, Cam Thanh.
Vì nhân dân Hải Thượng đông quá, không đủ chỗ ở tại nhà dân trên địa bàn sơ tán nên chúng tôi buộc phải tiếp tục chuyển dân thôn Thượng Xá, Long Hưng lên tạm trú tại thôn Nghĩa Hy, Ba Thung, Bắc Bình, Vĩnh An, Thạch Đâu, Bích Giang thuộc các xã Cam Mỹ, Cam Thuỷ thuộc huyện Cam Lộ.
Nhân dân ba thôn Đại Nại, An Thái, Ba Khê chuyển ra tạm trú tại thôn Hà Thanh và Hà Trung thuộc xã Gio Lễ (nay là xã Gio Châu). Từ đây xã Hải Thượng có hai vùng: vùng A ở Cam Lộ, vùng B ở Gio Linh cách nhau hơn 20 cây số. Lãnh đạo rất vất vả vì không có phương tiện thông tin liên lạc, chỉ duy nhất là con đường giao liên chạy bộ. Hằng ngày, hằng tuần cán bộ giữa hai vùng cũng phải cuốc bộ từ vùng này đến vùng kia. Nhưng vất vả nhất vẫn là chuyện lo cho hàng ngàn dân có chỗ ở. Vì không đủ nhà cho dân tá túc nên hai, ba nhà ở chung một, hoặc làm tạm lán trại để ở. Để cho dân có ăn, đêm đêm chúng tôi phải tổ chức tiếp nhận lương thực, thực phẩm của miền Bắc chi viện vào hoặc phải ra miền Bắc để gùi vào phân phát cho dân, theo tiêu chuẩn mỗi người 10kg lương thực/tháng. Thực phẩm chủ yếu là muối, bột nêm, nắm và một ít nhu yếu phẩm. Khổ cực như vậy mà nhân dân vẫn theo Đảng, theo cách mạng với một niềm tin tất thắng.
Ông nội tôi cũng sơ tán ra Gio Linh, ở chung nhà với gia đình chú Lê Con và chú Lê Nậu. Ba gia đình ở chung một ngôi nhà ba gian tại thôn Hà Trung xã Gio Lễ. Mẹ tôi lúc đó cũng từ “miền Tây” trở về, mang theo căn bệnh sốt rét của núi rừng, ốm đau vậy nhưng chẳng có gì để bồi dưỡng. Máy bay Mỹ ngày đêm vẫn tiếp tục đánh phá vùng giải phóng. Nhiều vụ rải thảm bom B52 gây ra cái chết của nhiều người dân vô tội, nhưng đẫm máu nhất là vụ B52 rải thảm bom vào thôn Vĩnh An, Thạch Đâu, Bắc Bình ngày 3-8-1972, làm hơn một trăm người dân Hải Thượng ở vùng A bị chết.
Máy bay B57 của Mỹ - ngụy thì rải bom tọa độ thường xuyên, pháo hạm đội ngoài biển liên tục bắn vào rất ác liệt. Ta phải vận động nhân dân tranh thủ sản xuất để sớm tự túc được lương thực vì cấp trên tuyên bố chỉ trợ cấp trong vòng 6 tháng. Cũng may, mới chỉ hơn 6 tháng, Hiệp định Pari được ký kết, hoà bình lập lại, nhân dân hồ hởi phấn khởi, thi đua tăng gia sản xuất, thành lập các tổ, đội sản xuất. Tổ sản xuất là để đổi công làm vàn với nhau trong tổ, đội sản xuất là một hình thức làm ăn tập thể, một loại hình hợp tác xã bậc thấp, vì không một ai có tư liệu sản xuất riêng cả. Ruộng đất đang bị bom mìn vây bủa và hoang hoá nên cần phải có sức mạnh của tập thể để khai hoang phục hoá, rà phá bom mìn, chính quyền thì lo giống sản xuất. Dạo ấy, phải ra tận Vĩnh Linh, Quảng Bình để xin chi viện giống lúa, giống khoai, giống sắn, nhờ vậy nên đến hết năm 1974 có khoảng 90% dân đã tự túc được lương thực.
Cũng năm ấy, năm 1973, vào ngày 6-6, một sự kiện làm nức lòng nhân dân cả nước, nhất là nhân dân vùng giải phóng Quảng Trị, đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam mít tinh ra mắt (sau bốn năm thành lập, ngày 6-6-1969) tại thủ phủ, đặt ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, nay là thị trấn Cam Lộ. Buổi lễ có nhiều đại sứ của các nước đến trình quốc thư và tham dự. Chúng tôi huy động nhân dân suốt đêm đi mít tinh chào mừng. Thật ra chúng tôi lúc đó chỉ biết huy động nhân nhân đi dự mít tinh chứ không biết nội dung bởi phải bảo đảm bí mật, hơn nữa vì địch đóng quân tại thị xã Quảng Trị chỉ cách nơi mít tinh chưa đầy 10 km (tính đường chim bay). Tuy nguy hiểm vậy nhưng nhân dân rất hồ hởi phấn khởi, mang cơm vắt, nước uống và đi suốt đêm, đến khoảng 5 giờ sáng mới đến điểm tập kết. Biết lễ ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam mọi người càng hồ hởi phấn khởi. Kết thúc mít tinh muôn người như một đồng thanh hô to khẩu hiệu: “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam muôn năm”,”Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”... Đây cũng là lần đầu tiên nhân dân được tận mắt thấy Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cùng các thành viên Chính phủ. Sự kiện đó đánh dấu thêm một lần nữa mảnh đất Quảng Trị vinh dự được “lịch sử chọn làm điểm tựa” chọn làm “thủ đô kháng chiến” của cách mạng miền Nam.
Trước đó, năm 1885, khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cũng đã chọn vùng Cùa của đất Cam Lộ này để ban chiếu Cần Vương kháng Pháp, Quảng Trị được coi là “thủ đô kháng chiến” lần thứ nhất.
Đi “phía trước”
       Chuẩn bị đi “phía trước”, tác giả thứ 2 từ bên phải vào tháng 10-1972

Đi phía trước là danh từ thường gọi đối với cán bộ, du kích xã từ vùng giải phóng (Gio Linh, Cam Lộ) vào bám trụ tại địa bàn, nơi địch đã tái chiếm. Sau khi tái chiếm một phần đất Quảng Trị, địch bố trí lực lượng dày đặc theo hình vòng cung từ thôn Thánh Hội (Triệu Phong) qua Thành cổ Quảng Trị cho đến động Ông Do, cao điểm 367 Hải Lăng, gồm 5 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến, 3 lữ đoàn bộ binh, 3 chi đoàn thiết giáp, 6 trận địa pháo và số đông lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát dã chiến...
Sau khi tạm ổn định nhân dân ở vùng giải phóng, tháng 8-1972, một số cán bộ, du kích xã được cử quay trở lại bám trụ tại địa bàn xã Hải Thượng và đi theo hai hướng. Hướng tây từ huyện Cam Lộ, vào phía rừng núi rồi về địa bàn hoạt động do anh Nguyễn Tuấn Hưng, Phó bí thư Đảng ủy xã phụ trách, nhưng hướng này bị chốt chặn quá dày đặc, không thể về được. Hướng đông từ xã Triệu Phước, đêm đến chọc thẳng vào xã Hải Ba, qua Hải Vĩnh và lên Hải Thượng. Năm ấy tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một cột mốc đáng nhớ nhất của cuộc đời. Tuy mới là Ủy viên Thường trực Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của xã ở vùng A nhưng gần như tôi được toàn quyền quyết định, vì lúc này các cán bộ chủ chốt như anh Lê Hữu Quang, Lê Anh Tuấn (vùng A) cũng đã đi phía trước. Vì thế, khi nhận được lệnh cấp trên yêu cầu tăng cường ngay một cán bộ chủ chốt vào lại tuyến trước Hải Thượng (đi hướng đông), tôi tự nhận và giao nhiệm vụ cho đồng chí khác thay tôi. Biết vào vùng bám trụ chắc chắn sẽ đối mặt với muôn vàn gian khổ và hiểm nguy nhưng tuổi thanh niên thời ấy là như thế, thích xông pha nơi khó khăn, gian khổ, càng khốc liệt, càng muốn tiến vào. Đấy là những ngày đầu tháng 11-1972. Thời điểm này chiến trường đang rất ác liệt, máy bay B52 rải thảm bom tại xã Triệu Phước (Triệu Phong) làm chết hơn 100 cán bộ, chiến sĩ. Ngay chiều tối hôm đó tôi vào đến ngã ba Gia Độ (ngã ba sông Thạch Hãn và sông Hiếu hợp dòng và cùng xuôi về cửa Việt) thì gặp đồng chí Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng cùng mấy anh cận vệ đi ra. Gặp tôi bên bến đò, đồng chí Lê Văn Hoan nói ngay: “Cháu quay trở lại để chỉ đạo phong trào và xây dựng lực lượng để tăng cường phía trước...”. Tôi ngậm ngùi cùng ông Hoan quay ra thôn Hà Thanh (Gio Lễ, Gio Linh). Sau bữa cơm đạm bạc cùng ông Hoan, chia tay ông đi ra miền Bắc chữa bệnh, tôi một mình bách bộ vào vùng A. Ông Hoan đi rồi, tôi lại tự mình quyết định vào chiến trường lần thứ hai. Mãi sau này tôi mới nghĩ ra, ngày ấy chiến tranh ác liệt, mất mát hy sinh quá nhiều, không ai nghĩ tới chuyện nay mai, từ chuyện kế thừa nối dõi của gia đình dòng tộc, vì ông Hoan biết rất rõ hoàn cảnh của gia đình tôi, thời điểm ấy, nói theo cách ví von dân gian thì tôi được coi như  “hũ mắm đầu giàn” của dòng tộc bởi các bác, các anh đều đã hy sinh, hay xa hơn, chuyện đào tạo đội ngũ kế cận cho công tác cách mạng. Kể cả bản thân tôi ngày ấy cũng chỉ xác định “lứa tuổi mình sinh ra để hy sinh cho Tổ quốc”. Thế mà, giữa đạn bom khốc liệt ấy, đồng chí Lê Văn Hoan đã tính đến chuyện ngày mai, khi chiến tranh kết thúc cần lực lượng để xây dựng lại quê nhà.
Vào tại thôn Lưỡng Kim xã Triệu Phước được hai ngày, nắm bắt tình hình, được nghe đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hải Lăng triệu tập lên quán triệt tình hình, giao nhiệm vụ và cử chúng tôi vào xã Hải Vĩnh gặp đồng chí Lê Văn Tĩnh, Huyện uỷ viên trực tiếp chỉ đạo tại vùng địch tạm chiếm.
Một buổi chiều mưa phùn gió bấc, tôi và anh Lê Lự (người làng Thượng Xá), cùng với một số đồng chí ở các xã Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Quế, Hải Quy theo đồng chí Phan Thống, trinh sát Huyện đội Hải Lăng bắt đầu tiến bước về quê. Vai mang ba lô chỉ vỏn vẹn một bộ áo quần Tô Châu, một tấm vải dù rằn ri vừa dùng quàng cổ vừa để nguỵ trang, 5 kilôgam lương khô loại 701 (là loại lương khô của Trung Quốc gồm lương khô 701 và 702, loại 702 dành cho cán bộ cấp cao), một nắp hầm bí mật và một cái xẻng để đào hầm. Năm đó mùa đông rét buốt xương, nhưng không có áo ấm, không có giày, không có dép cũng không có đồng hồ, không la bàn… qua đến thôn Lệ Xuyên (Triệu Trạch) trời bắt đầu nhá nhem tối, rồi theo chân trinh sát vào đến Hải Ba, lúc ấy đã khoảng 4 giờ sáng, không thể qua kịp xã Hải Vĩnh nữa nên anh em được ngồi nghỉ, chờ đến gần sáng tìm xuống vùng trằm xã Hải Ba để trốn. Lội mãi giữa trằm mới tìm được mô đất để ngồi nhưng nước vẫn lấp xấp ngang mắt cá chân, cây cối thì không đủ cao và rậm để che kín ngụy trang nên anh em phải cúi đầu xuống suốt cả ngày vì sợ địch phát hiện. Những con đỉa đói thấy hơi người bu đến bám vào bắp chân. Suốt cả ngày ai cũng rét run cầm cập, mãi đến tối mới tập hợp anh em lại để qua Hải Vĩnh.
Địa điểm liên lạc với người trực tiếp chỉ đạo đêm hôm ấy tại một ngôi mộ giữa đồng ruộng mênh mông của xã Hải Vĩnh. Chúng tôi phải lội nước lõm bõm giữa ban đêm trong màn trời tối đen như mực để tìm được ngôi mộ. Gặp đồng chí Lê Văn Tĩnh, đồng chí Tĩnh giao nhiệm vụ cho tôi và anh Lê Lự phải tự tìm lên địa bàn Hải Thượng để hoạt động. Nếu như hôm ấy không gặp đồng chí Tĩnh, đêm hôm sau có thể phải chuyển sang địa điểm liên lạc khác, dễ bị mất đường dây chỉ đạo của cấp trên. Cả hai anh em, tôi và anh Lê Lự từ bé đến lớn chưa một lần đến xã Hải Vĩnh, thế mà từ Hải Vĩnh tự tìm đường lên Hải Thượng. Quãng đường đi không xa nhưng phải đi qua động cát, vì không có kinh nghiệm nên hai anh em đi cứ loanh quanh, lạc vào đến tận thôn Cu Hoan (Hải Thiện) rồi lạc về thôn Thi Ông (Hải Vĩnh), ăn lương khô, uống nước lã, đêm tìm hướng đi về Hải Thượng, ngày tìm chỗ ẩn náu, có khi mệt quá liều ngồi trong bụi dứa dại chỉ vài cây lưa thưa đợi trời sáng để định hướng. Đến đêm thứ ba mới tìm ra được địa bàn xã nhà để hoạt động.
Lại những ngày hoạt động bí mật
Về lại Hải Thượng, xóm làng vắng hoe vì nhân dân hầu hết đã đi sơ tán ra vùng giải phóng theo chủ trương của ta, một số ít còn lại chạy vào các tỉnh phía Nam vì bom đạn ác liệt. Mỗi làng chỉ còn lại vài ông bà lão không đi được, như làng Ba Khê chỉ còn sáu người, làng An Thái tám người, làng Long Hưng bảy người, phía hạ làng Thượng Xá một người. Hoạt động bí mật mà không có dân thật khó khăn, gian khổ vì sẽ không có ai cho ăn, không có ai che giấu, tự đi kiếm ăn mà hoạt động.
Mãi sau này khi có dịp, tôi đã chất vấn các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, rằng vì sao phải sơ tán dân? Nếu để dân ở lại, ta trở vào hoạt động có phải dễ dàng hơn không? Các đồng chí ấy trả lời: Vì dân Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà… đã bị địch lùa đi vào phía Nam cả rồi. Là vùng giải phóng có chính quyền mà không có dân thì không có lợi về mặt ngoại giao. Nhờ có đất, có dân mà ta đã chọn vùng giải phóng Quảng Trị làm thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ngày đầu tiên vào hoạt động tại Đại An Khê (làng Đại Nại, An Thái, Ba Khê), tôi và anh Lê Lự tìm chỗ bất ngờ nhất để trốn. Sống nhờ ăn lương khô, uống nước lã. Trời rét trên dưới 100C, suốt ngày ẩn trong bụi cây. Không ai có áo ấm, chỉ một tấm ni lông trùm người. Tuy là sức vóc trai trẻ nhưng vẫn thấy rét không chịu được.
Mấy hôm sau có một số đồng chí được trên tăng cường vào nên Lê Lự lên hoạt động ở địa bàn làng Thượng Xá, các anh Nguyễn Thể, Đào Chiến về ở với tôi. Mấy anh em tôi quyết định tìm chỗ đào hầm bí mật để vừa bảo đảm an toàn, vừa đỡ rét. Chúng tôi tìm chọn một lùm cây, gọi là lùm Khúc Đập của làng Ba Khê để đào hầm bí mật. Ngày chui vào hầm bí mật, tối lên hoạt động và tìm cái ăn. Mấy cân lương khô mang theo đã gần hết nên phải đi tìm sắn. Khi ấy vì dân đã đi sơ tán nên các vườn còn rất nhiều sắn, nhưng nhổ sắn làm sao cho khỏi bị lộ là cả một vấn đề. Làng xóm đêm đêm không ánh đèn, không biết ai còn ai không. Thế rồi một buổi chiều, tầm khoảng 16 giờ, biết địch không về nữa, anh em bật nắp hầm và leo lên cây cao quan sát, nhìn ra cánh đồng thấy có bà già đang đi bắt đam (cua đồng), mấy anh em mừng lắm. Tối đến tìm cách mò vào. Đó là nhà ông Bùi Tri và bà Võ Thị Lượm (cậu mợ ruột của ba tôi) ở làng Ba Khê. Trong nhà có ba người, hai ông bà già và o Bùi Thị Thảnh, con gái đầu của ông bà nhưng cũng rất ốm yếu. Gặp chúng tôi, ông Tri nói ngay: “Hôm qua thằng lính thám báo mới nghỉ lại đây”(vì chúng nghĩ vùng này không còn Việt cộng nữa nên nó rất tự do). Như vậy là may cho tên thám báo, cũng là may cho chúng tôi và cho cả gia đình nữa, bởi nếu không thì sẽ xảy ra cuộc bắn nhau tại nhà ông bà. Sau ba ngày ăn lương khô uống nước lã, được ông bà cho bát cơm nguội còn trong xoong và ít thức ăn cùng ca nước nóng mà thấy ngon lạ thường. Qua câu chuyện với ông bà, chúng tôi nắm được trong thôn Ba Khê còn ba ông bà già nữa (bà Chánh bị mù, ông bà Dàn bị bệnh) cũng như một số ông bà ở làng An Thái. Thế rồi lần lượt ngày này qua tháng khác, mấy anh em chúng tôi ngày ẩn nấp, đêm đêm tìm cách tiếp cận với các gia đình đang bám trụ ở làng, trước là để có cái ăn, tiếp bám trụ địa bàn. Nhưng hầu hết các ông bà cụ già ở lại đều không ai còn sức tăng gia sản xuất thì lấy đâu mà cho ăn, may lắm cũng chỉ được vài bao gạo sấy (là loại cơm đã luộc rồi sấy khô, chỉ cần đổ nước lã vào sau 5 phút là ăn được). Riêng ở làng Long Hưng chưa nắm được tình hình (Long Hưng lúc ấy thuộc xã Hải Thượng). Đêm tối, chúng tôi tìm lên xóm ngoài làng An Thái, nhìn băng qua cánh đồng thấy có ngọn đèn le lói ở xóm Nương Cao của làng Long Hưng hay còn gọi là xóm Ông Ú nhưng không biết đèn của nhà dân ở hay nhà địch. Đêm hôm sau chúng tôi bò vào quan sát, nghe ngóng động tĩnh. Có thể nói lúc ấy các giác quan trên cơ thể đều được huy động để tiếp cận. Không chỉ dùng thị giác (để quan sát), thính giác (để nghe tiếng động) mà cả khứu giác (ngửi mùi), vì bọn lính ngụy thường hay có mùi đặc trưng, như mùi thuốc chống muỗi chẳng hạn. Bò trườn từng mét một, vào đến thềm nhà, nhìn qua khe cửa thấy hai bà già đang ngồi ăn cháo, đó là vợ ông Trần Ú và một bà hàng xóm đến ngủ. Không thấy địch, chúng tôi quyết định gõ cửa. Bà mở cửa cho chúng tôi vào nhưng bà không biết chúng tôi là Việt cộng hay “quốc gia”, vì sợ địch có thể đóng vai Việt cộng để thử dân.
Thuyết phục mãi bà vẫn không tin, tôi phải nhắc lại chuyện cũ, khi con trai bà là anh Trần Vi, du kích xã, sau ngày giải phóng 1-5-1972, anh Vi lái xe ra thị xã Quảng Trị để chở hàng về cho đơn vị bị máy bay phản lực địch oanh tạc, anh Vi hy sinh cùng lúc với anh Trần Kim Hán, và nhắc thêm bao nhiêu tình tiết khác nhưng bà vẫn sợ. Rồi bà nói: Tui không biết ai với ai, mấy chú có đói thì ăn với tôi bát cháo bánh canh. Đang đói lại thèm nên chúng tôi ăn ngay. Ăn xong, hỏi han tình hình trong làng còn ai, có ai… cứ vậy mà hôm sau tiếp tục đến “thăm” hết ông bà này đến ông bà khác trong các làng. Chào bà ra đi, bà hỏi mấy chú có hút thuốc không? Rồi bà cho một xấp thuốc lá (thuốc bọ) hút cho đỡ rét trong những ngày mùa đông năm 1972 đáng nhớ ấy.
 Cắm cờ giành đất
Cứ mải miết với công việc, nắm tình hình địa bàn, đêm đêm lại vào làng tìm dân, không ai nhớ ngày nhớ tháng vì khi ấy chúng tôi không ai có đồng hồ, không có rađiô, cũng không biết ngày giờ lẫn tình hình chiến cuộc. Mãi đến những ngày giáp tết Quý Sửu năm 1973, một số anh em đi từ cánh phía đông vào, gồm anh Nguyễn Thanh Năm, Đảng ủy viên, Xã đội trưởng; các anh: Đào Toại (Xã đội phó), Lê Xuân Hòa, Hồ Xuân, Văn Ngọc Bồn, Nguyễn Thiết và chị Nguyễn Thị Thìn, Nguyễn Thị Tuyến về địa bàn Đại An Khê, một số khác về địa bàn Thượng Xá, anh chị em mang cờ Mặt trận vào và thông tin cho biết: Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được đồng chí Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ký tắt ngày 12-1-1973. Ngày 27-1 tới đây hiệp định sẽ được ký chính thức. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào 7 giờ sáng ngày 28-1 (theo giờ Việt Nam). Chúng tôi vô cùng sung sướng khi nghe chiến tranh sắp kết thúc, được nối liên lạc với sự chỉ đạo của cấp trên sau bao ngày độc lập tác chiến và được chi viện thêm một ít lương khô. Anh Năm hỏi han tình hình ở địa bàn rồi phổ biến nhiệm vụ của tất cả anh em chúng tôi là chuẩn bị khi có lệnh sẽ triển khai đi cắm cờ Mặt trận, tức là cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để Tổ chức giám sát quốc tế vào công nhận. Thế là anh em hăng hái đi nắm tình hình, chuẩn bị để cắm cờ giành đất.
Tôi thường hay đi địa bàn quen thuộc, hôm ấy anh Nguyễn Thanh Năm bị ốm, tôi phải nhận nhiệm vụ thay anh Năm dẫn một tổ đi qua làng Long Hưng, anh Đào Toại thay tôi dẫn một tổ đi ra xóm ngoài của làng An Thái gồm: anh Đào Toại, Nguyễn Thể, Đào Chiến và chị Nguyễn Thị Thìn. Chúng tôi lên tập trung tại nhà ông Đào Hiến rồi chia làm hai tổ đi hai hướng. Từ nhà ông Hiến, anh em vừa mới đi ra chưa được 200m thì bị địch phục kích. Anh Chiến, anh Thể hy sinh tại chỗ. Vì công việc khẩn trương nên tổ tôi phải tiếp tục đi (cũng không nghĩ hai anh đã hy sinh), khi về điểm tập kết thì mới biết nên chúng tôi bàn với nhau tìm cách lên lấy thi hài hai anh. Bò vào tới nơi thì trời đã rạng sáng. Không thể lấy thi hài được nên chỉ lấy được hai khẩu súng rồi chạy về, lòng quặn đau khi hai đồng chí mình nằm lại vĩnh viễn trên đất quê hương.
Đêm hôm đó, nếu anh Năm không bị ốm đột ngột, chắc chắn tôi sẽ chỉ huy tổ đi về xóm ngoài làng An Thái và đã rơi vào ổ phục kích của địch, không biết tính mạng mình sẽ ra sao. Thời chiến tranh, sự sống và cái chết vẫn thường có những ngẫu nhiên kỳ lạ như thế. Về sau này, khi đọc hồi ký của ông Lê Văn Hoan, tôi phát hiện ra những năm tháng hoạt động của ông cũng có những may mắn ngẫu nhiên như vậy, nhiều khi cái chết ngỡ như cầm chắc trong tay, rồi bằng một sự kỳ diệu nào đó của số phận, ông may mắn thoát được, cái đó cũng có thể người đời thường gọi là số mệnh. Tình hình trở nên căng thẳng hơn, hầm bí mật không đủ cho mọi người ở nên tối hôm sau chúng tôi phải rút lên làng Thượng Xá để tránh sự truy lùng của địch.
Đêm 27-1-1973, nhận được thông tin Hiệp định Pari đã chính thức được kí kết, anh em chia nhau đi cắm cờ, cắm càng nhiều, càng rộng càng tốt. Chúng tôi lên cắm đến chùa xóm Bợc Đốôc, làng Long Hưng (gần thị xã Quảng Trị) để khẳng định đất của ta. Sáng hôm sau địch đi nhổ cờ ta, cắm cờ địch. Tối đến ta đi nhổ cờ địch, cắm lại cờ ta… Anh em mang vào 160 lá cờ, cứ cắm nhổ, nhổ cắm mấy ngày như thế đã gần hết nên bàn nhau: Cần phải ra mặt đấu tranh chính trị trực diện với địch bằng khẩu hiệu “Nhà em em ở, cờ em em treo” để yêu cầu thi hành Hiệp định Pari. Cũng may tối đó, phiên trực tại Hải Vĩnh thông tin có một số nơi cán bộ ta đấu tranh chính trị trực diện với địch bị địch bắt, nên chúng tôi đã không ra mặt đấu tranh trực diện nữa.
Sau này chúng tôi mới biết, chủ trương đấu tranh với khẩu hiệu “Nhà em em ở, cờ em em treo” là hữu khuynh, lạc quan tếu, đánh giá sai về địch. Sau mấy ngày thực hiện Hiệp định Pari, địch bắt đầu lộ rõ bản chất. Hằng ngày chúng nổ súng để lấn đất của ta. Được lệnh cấp trên, chúng tôi phải rút về Hải Vĩnh để triển khai các lực lượng quyết giữ đất ba xã Hải Xuân, Hải Ba, Hải Vĩnh để làm vùng đất của chính quyền cách mạng lâm thời huyện Hải Lăng. Nhưng cũng không bao lâu sau, tình hình tranh chấp ngày càng căng thẳng. Địch nổ súng để nống vào vùng đất của ta, bao vây cắt đứt đường tiếp tế từ vùng giải phóng vào, cuối cùng quân ta buộc phải mở đường rút ra vùng giải phóng.
Với một lực lượng khá đông, gồm tiểu đoàn 14 của Tỉnh đội, lực lượng vũ trang huyện, cán bộ huyện, cán bộ, du kích của các xã thuộc huyện Hải Lăng, trong đoàn quân rút ra có đồng chí Nguyễn Thư, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, người trực tiếp chỉ đạo cánh quân phía đông, đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hải Lăng. Đoàn xếp hàng dọc, men theo vùng cát dãy chữ nhất đến thôn Long Quang xã Triệu Trạch thì bị lọt ngay giữa vòng vây của trung đoàn thủy quân lục chiến ngụy. Ba quả mìn của địch nổ, trời cũng bắt đầu tờ mờ sáng, xe tăng địch đồng loạt nổ máy, quay nòng súng vào quân ta, nhưng chúng không bắn vì đây là đội quân vừa bị thất trận khi đánh chiếm Cửa Việt trước ngày ký kết Hiệp định. Mặt khác do Trung đoàn 27, Sư đoàn 320b đóng quân kềm sát bên chúng, uy hiếp và ra điều kiện không được bắn, nếu khi ấy chúng bắn thì chắc chẳng còn ai vì giữa bãi cát trắng mênh mông không hề có hầm hào, công sự. Đội hình có vẻ nhốn nháo, người thì chuẩn bị chiến đấu, người thì nhổ cờ địch, cắm cờ ta, có người còn lấy thông nòng súng căng cờ ta để đấu tranh. Trong thời điểm rất mong manh về một trận chiến có nguy cơ xảy ra ấy, lãnh đạo rất sáng suốt quyết định phải cử người vào đấu tranh với địch, yêu cầu mở đường cho mọi người ra vùng giải phóng, với lý do: “Chấp hành Hiệp định nên chúng tôi - Quân giải phóng rút ra vùng giải phóng”. Anh Trần Thông, quê ở Long Hưng, chỉ là một cán bộ của Phòng Văn hoá thông tin huyện Hải Lăng, nhận nhiệm vụ vào. Viên đại úy ngụy ôm khẩu súng AR15 nhảy ra và nói: “Giơ tay lên”, anh Thông bình tĩnh trả lời: “Không, tôi vào để bàn với các ông việc thi hành Hiệp định Pari”. Viên đại úy hỏi: “Ông có vũ khí không”? Anh Thông trả lời: “Có hai quả lựu đạn”, rồi anh mở ra và bỏ xuống cát (vì trước lúc vào gặp địch, anh Thông có giấu 2 quả lựu đạn trong người để đề phòng bất trắc). Viên đại úy hỏi tiếp: “Ông ở đơn vị nào”? Anh Thông nhanh trí trả lời: “Đơn vị chủ lực, trực thuộc bộ”. Địch nghe đơn vị chủ lực thì rất sợ nhưng vẫn gặng hỏi: “Chủ lực sao có nhiều nữ?” Vì trong đoàn có chị em cán bộ, du kích khá đông, anh Thông trả lời: “Đó là một số nữ quân y sĩ và nữ diễn viên vào diễn cho chúng tôi xem trong dịp Tết”, rồi anh Thông nói tiếp: “Chúng tôi là Quân giải phóng, yêu cầu các ông mở đường cho chúng tôi ra vùng giải phóng, để tránh đổ máu cho cả hai bên”. Viên đại úy chấp nhận ra lệnh mở đường. Chúng tôi sắp thành hàng dọc, cách nhau 2 mét để đề phòng tình huống xấu nhất. Quân địch sắp hàng đứng hai bên nhìn, chúng tôi hiên ngang bước đi  với lòng kiêu hãnh bởi mình là người chiến thắng.
Cả đoàn quân tổng hợp đi từ 7 giờ đến 9 giờ 30 sáng mới ra khỏi vòng vây của địch. Đồng chí Hồ Sỹ Thản, Bí thư Tỉnh ủy mừng quá trực tiếp đón chúng tôi tại thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch - đây đã là vùng giải phóng giáp ranh - và nói chuyện cho cán bộ, chiến sĩ. Kết thúc buổi nói chuyện, anh em phấn khởi xả súng bắn chỉ thiên và reo mừng rồi tiếp tục đi ra vùng giải phóng tuyến sau.
Truy kích địch­
Tham gia giải phóng Huế, năm 1975
 
Cuối năm 1973 tôi được bầu bổ sung vào Đảng uỷ xã Hải Thượng, giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời kiêm Trưởng ban An ninh xã, được phân công công tác ở tuyến sau, chuẩn bị lực lượng để tăng cường cho tuyến trước. Tháng 3-1974, quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương: nhận thức sâu sắc con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường cách mạng bạo lực nên cán bộ, du kích được điều động vào tuyến trước ngày càng nhiều. Nhưng lần này thì chỉ vào theo hướng tây, vì hướng đông bị địch chốt chặn hoàn toàn, không vào được. Anh em cứ thế vào sống ở rừng núi rồi lần lượt tìm cách về hoạt động ở đồng bằng. Lúc này một số người dân sơ tán vào Nam năm 1972 đã trở về quê cũ, nên anh em vào hoạt động có phần thuận lợi hơn. Nhưng nhân dân hầu hết sống trong các khu tập trung, phải tìm cách móc nối, vận động nhân dân đấu tranh với địch, buộc địch phải cho về sống tại làng. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân khu Trị Thiên phát lệnh tấn công trên toàn bộ chiến trường lúc 0 giờ ngày 8-3-1975. Ở Hải Lăng, các lực lượng cách mạng đã nổ súng tấn công địch vùng giáp ranh huyện, cũng trong đêm 8-3, tiểu đoàn bộ đội đặc công K10 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị đánh chiếm Chi khu Mai Lĩnh (Hải Lăng) gây tiếng vang lớn ở đồng bằng. Địch bắt đầu dồn ép dân di tản vào Huế, Đà Nẵng…
Tình hình chiến trường miền Nam diễn biến rất khẩn trương, nhất là sau khi quân ta đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 10-3-1975, Bộ Chính trị kết luận: Thời cơ chiến lược 20 năm chống Mỹ cứu nước đã bước sang giai đoạn nhảy vọt và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam. Đêm 18 rạng ngày 19-3, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên khắp chiến trường Quảng Trị, địch tháo chạy vào Huế. Hồi 3 giờ sáng ngày 19-3, Tiểu đoàn 14 cắm lá cờ chiến thắng ở Thành cổ Quảng Trị và đến 18 giờ cùng ngày Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương phải tham gia truy kích địch, giải phóng tỉnh Thừa Thiên và tìm gặp dân để giải thích, vận động, tổ chức cho dân ra vùng giải phóng. Tôi nhớ hôm ấy, bọn thủy quân lục chiến của địch vẫn còn đang cố thủ tại nam sông Mỹ Chánh. Vì không biết địch còn bám giữ, anh Mầu, Trưởng ban An ninh thị xã Đông Hà cùng một số đồng chí từ ngoài vào chạy băng băng qua cầu Mỹ Chánh, bị địch bắn ra, anh Mầu hy sinh. Tối 23 tháng 3, chúng tôi cùng cánh quân phía Nam do đồng chí Nguyễn Minh Kỳ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Quảng Hà trực tiếp chỉ huy tập kết về xã Hải Tân (Hải Lăng), đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp giao nhiệm vụ. Cánh quân phía Nam gồm cán bộ của thị xã Quảng Hà, một số cán bộ huyện Hải Lăng và cán bộ của một số xã thuộc huyện Hải lăng, trong đó có tôi và anh Văn Ngọc Bồn (Hải Thượng). Đêm đó chúng tôi vượt sông Ô Lâu qua đất huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, tiếp tục thọc sâu vào địa bàn của tỉnh Thừa Thiên. Biết được, chiều hôm đó tuyến phòng thủ của địch ở Mỹ Chánh bị vỡ, Tiểu đoàn 8 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị cùng lực lượng vũ trang huyện Phong Điền tiến công quận lỵ Phong Điền ở Phò Trạch, sau đó tiến đánh giải phóng quận lỵ Hương Trà rồi tiến thẳng vào Huế - là đơn vị đầu tiên cắm cờ trên đỉnh Phu Văn Lâu lúc 10 giờ sáng ngày 25-3-1975, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã gửi lẵng hoa thưởng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8. Cùng ngày, Tiểu đoàn 14 của Tỉnh đội Quảng Trị vượt sông Ô Lâu đánh địch ở Phong Hòa, Phong Bình và truy kích địch xuống Sịa rồi tiến thẳng vào Bao Vinh, đến 5 giờ sáng ngày 25-3 đánh địch tại đồn Mang Cá 2 nội thành Huế. Trước đó, ngày 22-3, Tiểu đoàn 3 phát triển theo trục đường 68 đánh thẳng vào Thanh Hương sau đó phát triển vào Thuận An. Bị thất thủ địch rút chạy vào Đà Nẵng, một số tàn binh trở về trình diện với chính quyền cách mạng. Đúng 15 giờ chiều ngày 25-3-1975, chúng tôi có mặt tại cầu Trường Tiền. Đi ngang thấy lá cờ Mặt trận đã xuất hiện trên cột cờ Phu Văn Lâu nhưng thực tế vẫn còn tiếng súng địch cố thủ ở một số vị trí. Anh Nguyễn Minh Kỳ lấy chiếc Honda 67, anh Nguyễn Xuân Thành (Hựu) lái chở anh Kỳ chạy về hướng Thuận An. Trời chập choạng tối, tưởng là Quân giải phóng đang hành quân, nào ngờ quân địch đang tháo chạy về hướng Thuận An, may nhờ địch đang hoang mang, tranh nhau chạy thoát nên chẳng chú ý gì, không thì chưa biết số phận anh Kỳ, anh Thành hôm ấy ra sao.
Tối hôm đó, anh em chúng tôi về phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, chia nhau ở tại nhiều nhà dân. Một nửa thì canh gác, số còn lại tranh thủ ngủ. Dân quanh khu phố đến xem, trong số đó có thể có ngụy quyền, ngụy quân bỏ súng về nhà, nhưng cũng chẳng làm gì được vì sự sụp đổ của chúng đã đến hồi kết. Một số cháu thiếu niên đến nhìn chúng tôi, vừa ngơ ngác, vừa sợ sệt, vì địch tuyên truyền rằng “Việt cộng có đuôi”, “Việt cộng tàn ác” và “7 tên Việt cộng đeo cành đu đủ không gãy”(!). Nhưng nhìn các chú, chú nào cũng trắng trẻo (do ở dưới hầm bí mật mới lên), khi nghe các chú hỏi chuyện một cách vui vẻ, cởi mở, các cháu nói: “Thưa chú, cháu nghe nói Việt cộng gầy gò lắm, 7 người đeo cành đu đủ không gãy, ác lắm, sao mà mấy chú đẹp trai và vui vẻ thế ?”.

Hiên ngang trên thành phố Huế, ngày 27-3-1975.
Tác giả với xã đội phó
Văn Ngọc Bồn

 
Hôm sau, Ủy ban quân quản thành phố Huế được thiết lập, bộ đội tổ chức canh gác, chúng tôi qua lại cầu Mới (cầu Phú Xuân), cầu Tràng Tiền, bộ đội không cho đi, tôi về báo cáo anh Nguyễn Minh Kỳ, anh Kỳ lấy tờ giấy trắng ra viết tay mấy chữ giới thiệu và ký tên: Bí thư Thị ủy Quảng Hà Nguyễn Minh Kỳ. Không đánh máy, không có dấu, thế mà với tờ giấy giới thiệu ấy, chúng tôi đi lại bất kỳ nơi đâu trong thành phố một cách dễ dàng. Chuyện thật là hiếm, bởi ngày đó tất cả là ở lòng tin.
Giữa lằn ranh sống - chết!
Hôm mới vào hoạt động tại quê nhà, tôi và Lê Lự chưa đào được hầm bí mật nên tìm một bụi hóp khá rậm ở một địa danh gọi là Xe Am, nơi đó như một hòn đảo vì sông, bàu và đầm vây bọc xung quanh. Thấy vị trí này cũng an toàn và tạm ổn nên chúng tôi bỏ một số thứ không cần thiết trong túi nilông tại đó để đi công tác cho nhẹ. Hôm sau đi công tác về mệt quá và ngại lội xuống nước vì trời quá rét nên liều trốn một nơi khác cách đó 500 mét, tầm khoảng 10 giờ trưa, hai tên lính ngụy về bắn chim thấy một con chim đậu ngay vị trí ngày hôm trước hai anh em tôi ở. Khi chúng bắn được con chim và lội qua lấy thì phát hiện ra cái túi nilông chúng tôi để lại hôm trước và lấy luôn. Cũng là một sự may mắn, nếu không thì sẽ xảy ra bắn nhau và chắc chắn là nó chết trước. Nhưng giữa ban ngày, trong vùng địch mình cũng khó thoát. Vì trong túi đó có thư từ nên chúng đoán biết đã có Việt cộng vào hoạt động và biết đích danh có tôi. Biết bị lộ địch sẽ truy tìm, hầm bí mật thì chưa đào kịp liền nghĩ ra cách lên sát nách địch để trốn. Đúng như suy đoán, ngay ngày hôm sau địch về truy càn hướng ta thì ta đã ở sau lưng địch, nhưng suốt cả ngày pháo Quân giải phóng bắn vào nổ ầm ầm, có những quả nổ quá gần chỗ chúng tôi trốn, suýt nữa thì chết vì pháo của ta. Rồi một hôm bị địch phục kích, đồng chí Đào Chiến, Nguyễn Thể hy sinh, địch phao tin Lê Hữu Thăng là một trong hai người đó. Vì dân làng chỉ còn có ông già, bà lão, không ai đến được chỗ hai anh hy sinh nên nghĩ là trong đó có tôi thật, hơn nữa vì hôm nào tôi cũng đi đường ấy để ra xóm ngoài hoạt động, chỉ một hôm đó thôi, tôi đi hướng khác thì địch phục kích. Tin loan truyền đến một số bà con của tôi chạy vào phía Nam. Sau giải phóng năm 1975 trở về, dượng Nguyễn Quả (bạn ở tù với tôi) ôm tôi rơm rớm nước mắt khi biết tôi còn sống. Cũng sự kiện ấy được loan truyền ra đến vùng giải phóng, ba tôi ở miền Bắc, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, ông vào thăm ông nội tôi và mẹ tôi, được tin “dữ” cả nhà cũng đã khóc. Bất ngờ tôi vai mang khẩu súng, không có mũ, đi chân đất xuất hiện, cả nhà còn khóc to hơn, khóc vì mừng quá.
Năm 1972, vùng giải phóng Quảng Trị thường xuất hiện máy bay B52 trên bầu trời, loại máy bay ném bom hiện đại nhất lúc bấy giờ, còn gọi là “pháo đài bay B52” xuất hiện và ném bom nhiều đến mức chúng tôi quá quen thuộc. Chỉ cần quan sát đường bay của chúng là biết bom sẽ rơi vào hướng nào để tránh. Cứ một tốp bay có ba chiếc, mỗi chiếc có ba luồng khói trắng: một luồng khói sau đuôi, hai luồng khói hai bên cánh. Chúng bắt đầu nghiêng cánh về hướng nào thì y chang bom rơi vào hướng đó. Ngày 3-8-1972 tôi đi bộ từ Gio Linh vào Cam Lộ cùng hai đồng chí du kích đang đứng chờ thuyền qua chở, bất ngờ nhìn lên trời thấy có tốp máy bay B52 bắt đầu nghiêng cánh (vì máy bay B52 bay ở độ cao 12.000 m nên không nghe tiếng động cơ), biết bom sẽ rơi vào hướng mình đang đứng. Vì bờ sông cao, không chui vào đâu được, bí quá chúng tôi lao xuống sông và lặn xuống đáy sông, nhưng vẫn nghe tiếng bom nổ. May mà không có quả bom nào rơi xuống sông, nếu rơi chắc không còn mạng sống. Trận bom hôm đó làm hơn 100 dân thường vùng A Hải Thượng chết, hai bên bờ sông nơi chúng tôi đứng cũng bị chết hơn 20 người.
Có lần tại thôn Nghĩa Hy xã Cam Mỹ, giữa ban ngày ba anh em (tôi và Cường, Tánh du kích xã) ra tắm ở giếng nước, chiếc máy bay do thám OV10 lượn trên bầu trời phát hiện ra liền gọi máy bay phản lực F105 đến ném bom. Khi OV10 ném một quả lựu đạn khói xuống để chỉ địa điểm lập tức chúng tôi chạy, chiếc phản lực xuất hiện lượn một vòng rồi bom dội xuống thì chúng tôi đã chạy xa. Phát hiện chúng tôi chạy OV10 ném tiếp để chỉ dẫn nhưng máy bay phản lực chưa kịp oanh tạc thì chúng tôi đã chạy xa hơn...
Một lần khác, từ Cam Lộ (vùng A) ra Gio Linh (vùng B) đến đoạn Quán Ngang, tôi đang đi thì nghe tiếng động cơ máy bay quen thuộc. Biết ngay là máy bay ném bom tọa độ B57, lập tức lao xuống nằm ngay bên mép bờ ruộng. Bom nổ ầm ầm, đất đá tung tóe, phủ lên người, khi bom hết nổ, biết mình đã thoát chết, đứng dậy nhìn người cũng không bị thương, thật là may!
Không chỉ máy bay ném bom, mà Mỹ - nguỵ còn rải bom từ trường, ở các cửa biển, dòng sông nơi quân ta hay qua lại. Tôi cùng một số đồng chí đến đêm phải ra sông Bến Hải, dùng bọc bơi để bơi qua sông, đến kho Tăng Âm (Vĩnh Thành, Vĩnh Linh) lấy gạo. Đêm 19-8-1972, tôi cùng một số đồng chí đến sông Bến Hải thì trời đã gần sáng, ngồi trong bụi cây bên bờ đợi tối đến mới vượt sông. Chúng tôi chưa kịp vượt sông thì các đồng chí cán bộ, du kích xã Hải Vĩnh đã xuống sông trước, ra giữa sông bị bom từ trường nổ hy sinh, trong đó có chú Nguyễn Đăng Kiền, bạn ở tù cùng phòng với tôi. Số phận may mắn với tôi lần nữa, nếu không thì đã ra đi... Trong số bạn bè cùng trang lứa hoạt động tại chiến trường ai cũng có nhiều lần thoát chết nên hay nói đùa với nhau: sống được đến hôm nay anh em ta đã “lãi ròng” gần 40 năm.

                                                        
                                                                                       ( Kỷ vật thời bị tù đày và đi kháng chiến)

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn