09:39 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hồi ký "Chuyện kể về một thời"

SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI

Thứ ba - 10/01/2012 15:25
Những ngày đầu tái lập tỉnh Quảng Trị
“Tỉnh dài, huyện rộng, hợp tác xã to,
 Đảng lo việc Đảng, mình lo việc mình”
Đó là câu thơ dân gian than phiền “huyện rộng, tỉnh to” lúc bấy giờ. Ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất lại thành tỉnh Bình Trị Thiên có chiều dài hơn 300 cây số chạy từ đèo Ngang đến Hải Vân, tỉnh lỵ lại đóng tại thành phố Huế. Hạ tầng và phương tiện giao thông hồi ấy chưa được như bây giờ, nếu như cán bộ huyện ở vùng Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) về Huế họp có khi phải đi mất hai ngày tàu xe mới đến nơi. Huyện cũng thế, hầu hết nhập hai, ba huyện làm một, ví như huyện Bến Hải bao gồm huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Đông Hà; huyện Triệu Hải bao gồm: huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và hai xã Ba Lòng, Triệu Nguyên của huyện Đak Rông hiện nay. Tỉnh rộng, huyện to khiến việc điều hành, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn, tất nhiên còn thêm nhiều lý do khác nữa, nên từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, liên tiếp có những cuộc “tái lập tỉnh”, để các tỉnh, thành trở về với địa giới hành chính cũ được hình thành từ thời thuộc Pháp.
Ngày 1-7-1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, sau hơn 13 năm sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với tên gọi là Bình Trị Thiên. Khi chia tỉnh, tỉnh ủy viên là người Quảng Trị có đến 17 đồng chí. Anh Nguyễn Đức Hoan, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên được cử làm triệu tập viên; Tỉnh ủy họp phiên thứ nhất ngày 26-6 thống nhất đề nghị Trung ương chỉ định anh Nguyễn Đức Hoan làm Bí thư Tỉnh ủy, anh Phan Chung làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, anh Nguyễn Bường làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Để chuẩn bị cho ngày di chuyển bộ máy của tỉnh về làm việc tại thị xã Đông Hà, Tỉnh ủy cử anh Nguyễn Minh Kỳ, Tỉnh ủy viên, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, anh Võ Duy Chất - cán bộ Ban Kinh tế Tỉnh ủy, anh Nguyễn Xuyến, cán bộ Sở Xây dựng và tôi ra khảo sát, tìm địa điểm để sắp xếp, bố trí cho các cơ quan cấp tỉnh tạm có chỗ làm việc tại tỉnh nhà.
Đông Hà lúc đó đã là thị xã nhưng không có mét vuông đường nhựa nào (trừ quốc lộ 1 và quốc lộ 9 đi ngang qua giữa lòng đô thị). Cả thị xã chỉ có hai ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ, nhưng do chiến tranh bị hư hỏng nặng, được sửa chữa lại sau ngày Hiệp định Pari được ký kết năm 1973. Đó là ngôi nhà làm việc cũ của Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hà và Nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh ở 68 Trần Hưng Đạo hiện nay. Ngoài ra có thêm một ngôi nhà 2 tầng mới được xây cách đó vài năm là trụ sở của Công ty Cung ứng vật liệu xây dựng Bình Trị Thiên, nay là vị trí của Trường Chính trị Lê Duẩn.
 Ủy ban nhân dân tỉnh phải mượn ngôi nhà cấp 4 của Xí nghiệp 8 để làm việc, Tỉnh ủy thì mua lại ngôi nhà 2 tầng của Công ty Cung ứng vật liệu xây dựng Bình Trị Thiên, còn các cơ quan khác thì dựa vào cơ quan cấp dưới của thị xã Đông Hà hoặc mượn nhà dân để tạm có chỗ làm việc. Cán bộ tỉnh ra Quảng Trị làm việc phải đi xin nhà dân để ở hoặc mượn kho tàng, cửa hàng của các công ty hoặc mượn nhà của bộ đội để ở. Điện, nước máy không đủ dùng, không có lưới điện quốc gia, cả tỉnh lúc đó chỉ trông chờ vào 6 tổ máy GE - 66 của Liên Xô (cũ) của Nhà máy điện Đông Hà xây dựng từ năm 1973.
Từ điều kiện, phương tiện làm việc đến nơi ăn chốn ở vô cùng vất vả và thiếu thốn nhưng cán bộ công nhân viên chức và công nhân lao động rất phấn khởi vì Quảng Trị - tỉnh nhà đã được trở lại với tên gọi của chính mình. Khi tái lập tỉnh, tôi được cử làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị. Làm công tác tư tưởng lúc này có những khó khăn riêng, bởi tình hình Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu có những dấu hiệu, khủng hoảng. Hầu hết cán bộ, đảng viên băn khoăn lo lắng, trong đó có một bộ phận hoài nghi, dao động. Trước tình hình đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp giao cho tôi dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về những biện pháp tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác tư tưởng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa VI) của Đảng.
Nghị quyết ban hành không được bao lâu thì Đông Đức rồi đến Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ, công tác tư tưởng lại càng khó khăn hơn, nhất là đường lối đổi mới, vì có người sợ như “cải tổ” của Liên Xô. Thế nhưng Đảng ta đã vận dụng khéo léo đường lối đổi mới của mình và đã thành công.
“Tiếng kêu đúng và dũng cảm”
Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị (Quatimex) được chia ra từ Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Bình Trị Thiên (Unimex Bình Trị Thiên). Liên hiệp Công ty lúc đó ngang cấp sở và quan trọng không kém gì các sở, nếu không nói là chức năng rộng hơn các sở, vì nó vừa có chức năng quản lý nhà nước về ngoại thương (ở mỗi huyện, thị lúc đó đều có một công ty ngoại thương), vừa có chức năng kinh doanh tạo nguồn thu ngân sách lớn của tỉnh lúc bấy giờ, như năm 1990, cả tỉnh Quảng Trị nguồn thu từ nội địa chỉ được 11,9 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh tế nhà nước 2,8 tỷ đồng. Nhưng riêng nguồn thu từ Liên hiệp Công ty xuất nhập khẩu tỉnh đã gần 1 tỷ đồng. Vì vậy mà đến đầu năm 1990, khi Liên hiệp Công ty bị “sự cố”, Thường vụ Tỉnh ủy bắt đầu tìm người thay thế. Thấy tôi đã từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách tài mậu và thấy thời kỳ ở Tỉnh đoàn, dù là một cơ quan đoàn thể nhưng tôi cũng biết tổ chức làm kinh tế, có tư duy kinh tế nên Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định cử tôi qua làm Tổng Giám đốc Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh.
Nói sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ khi có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), nhưng phải đến năm 1990 công cuộc đổi mới mới thực sự chuyển động mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của các công ty nhà nước. Từ chỗ độc quyền kinh doanh, kinh doanh theo kế hoạch (mua và bán đều theo kế hoạch) chuyển sang cơ chế cạnh tranh, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi thị trường Liên Xô và Đông Âu mất, thị trường mới chưa nắm bắt kịp, hẫng hụt, chơi vơi giữa dòng xoáy đầy nghiệt ngã, cán bộ kinh doanh lúc đó như đứng trước ngã 5, ngã 7 mà thị trường thì như một thảo nguyên mênh mông, không biết nơi nào là bến đậu..., và bao nhiêu điều mới lạ khác[1]. Nhưng vừa làm, vừa học, như việc xuất nhập khẩu trực tiếp (vì trước đó chỉ được xuất nhập khẩu qua các Tổng công ty Trung ương) phải vượt qua trung gian, phải đúng thông lệ quốc tế...
Việc vượt qua trung gian lúc bấy giờ như đi tắt qua mê lộ, đòi hỏi phải có thủ thuật, phải thật khôn khéo, có thể nói cuộc qua lại này như một con thoi hết sức sinh động và đầy sinh khí của thời mở cửa2,... Tôi đã coi đây như một cuộc thử thách rất lớn của bản thân, vì khi mà luật lệ chưa rõ ràng, quan điểm đổi mới của Đảng thì có, nhưng luật chưa ra kịp, nên giữa cái đúng và cái sai có khi chỉ do thái độ của người thanh tra, kiểm tra của các cơ quan công quyền.
Mặt khác cán bộ ngoại thương lúc đó như một tầng lớp xã hội khác, vì có thu nhập cao hơn bất kỳ ngành nào. Khách nhiều, tiếp khách nhiều lúc hơi quá đà, bia bọt thì uống “vô tư” lại là bia ngoại (bia Heineken, vì lúc đó trong nước chỉ có hai nhà máy bia ở Hà Nội, Sài Gòn nên không đủ cung cấp cho khu vực) vì vậy dư luận thường chê bai và nhìn cán bộ ngoại thương với con mắt khác biệt, từ đó mọi sự chú ý tập trung đổ dồn vào các công ty ngoại thương.
Tình thế đó buộc phải có rất nhiều biện pháp để chèo lái con thuyền vượt qua khó khăn, xây dựng lại sự thiện cảm của xã hội đối với ngành ngoại thương. Thế là tôi đã cố gắng vượt qua tất cả. Chín năm làm Tổng Giám đốc Liên hiệp Công ty rồi làm Giám đốc theo mô hình chuyển đổi, tôi đã luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch Nhà nước giao, nhất là kế hoạch nộp ngân sách (nộp ngân sách bình quân hằng năm tăng 65,42%). Đặc biệt công ty luôn là đơn vị mở đầu cho phong trào tham gia công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa và xã hội như: xây nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đưa Bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thăm Thủ đô, vào lăng viếng Bác (lúc đó chưa có ai làm) cũng như việc trao Quỹ học bổng Lương Thế Vinh hằng năm cho học sinh giỏi Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, lập quỹ khuyến học để trao cho học sinh giỏi và học sinh thi đỗ đại học của công ty, thăm đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn. Chính nhờ vào kết quả sản xuất kinh doanh luôn tăng trưởng, nộp ngân sách luôn vượt mức và luôn là đơn vị tích cực đi đầu trong các phong trào xã hội, từ thiện nên năm 1996 công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
“Nghề buôn, nước mắt, nụ cười”
Nhớ lại đầu những năm 1990 nhận thức xã hội đối với doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân không phải như bây giờ. Nên năm 1997, Thủ tướng Chính phủ tổ chức cuộc tiếp xúc doanh nghiệp đầu tiên tại Đà Nẵng - mở đầu cho sự nhận thức và đánh giá lại doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân - tôi đã mạnh dạn phát biểu trước diễn đàn rằng: Giám đốc (vì lúc đó chưa gọi là doanh nhân) là người đứng đầu một doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển thì đất nước mới phát triển, nhưng hiện nay công luận, báo chí với những bài viết, những bức tranh biếm hoạ luôn chỉ trích, chê bai giám đốc. Họ coi giám đốc đồng nghĩa với ăn chơi trác đáng, tham ô, tham nhũng... nghĩa là mọi thứ xấu xa nhất trong xã hội đều đổ cho giám đốc, tại sao vậy? Sau đó có rất nhiều bài báo viết trích đăng bài phát biểu của tôi và nói rằng đó là một “tiếng kêu đúng và dũng cảm”.
 Năm 1994, khi đất nước ta đang bị bao vây, cấm vận, Việt Nam chưa bang giao với Hoa Kỳ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do đồng chí Đoàn Duy Thành làm Chủ tịch đã dẫn gần 200 doanh nghiệp Việt Nam sang tổ chức Hội chợ Viet Expo 94 để tìm cơ hội hợp tác kinh doanh, tìm thị trường xuất khẩu tại San Francisco thuộc bang California - Mỹ, sau đó đoàn đi tham quan Washington D.C, New York, Las Vegas... và một số bang khác. Là đoàn doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ, chỉ sau đoàn của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương, mà đi Mỹ lúc đó rất khó khăn, vì phải qua Bangkok (Thái Lan) chờ Đại sứ quán của Mỹ tại Bangkok phỏng vấn, cấp visa rồi từ Bangkok bay ngược qua Đài Bắc (Đài Loan) rồi từ Đài Bắc mới bay sang Mỹ. Tôi được đi trong đoàn đó và có những cảm nhận chân thực về nước Mỹ qua một tháng sống trên đất Mỹ.
Do không có phương tiện thông tin như bây giờ nên sau chuyến công tác, nhiều nơi mời tôi đi nói chuyện, kể về nước Mỹ. Sau đó tôi đã viết bài “Một thoáng nước Mỹ” được báo Quảng Trị, tạp chí Cửa Việt đăng phục vụ bạn đọc, mà nói hay viết lúc bấy giờ khó lắm, vì chỉ một sơ suất là bị “chụp” ngay cho một cái “mũ” thì cũng đủ “đi đời” luôn.
Tháng năm còn lại ân tình...
Vì sự thành công trong sự nghiệp kinh doanh, kết hợp với quá trình công tác và những cương vị đã trải qua, nên Tỉnh ủy khóa XI đã giới thiệu tôi sẽ ứng cử Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, khóa XII (1996 – 2001). Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông qua. Nhưng “vận may” đã không đến với tôi. Dù trước đó không lâu, anh Phan Sáu, bạn thân của tôi công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam có gửi thư cho tôi: “Anh Thăng ơi! Anh nhớ rằng, xưa nay các anh hùng hảo hán mấy ai chết vì xông pha trận mạc mà thường hay chết vì mấy viên đạn bắn lén... Ở một đoạn khác anh có dặn tôi: “Anh nhớ rằng không phải nụ cười nào cũng là nụ cười vui, không phải giọt nước mắt nào cũng là giọt nước mắt buồn...”.
 Sau Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có tổ chức cuộc họp gặp mặt những người không tái cử và không trúng cử. Lúc đó cả gia đình tôi đang đi nghỉ mát tại Đà Lạt đã về đến Nha Trang. Anh Nguyễn Đức Hoan, Bí thư Tỉnh ủy gọi điện trực tiếp cho tôi và động viên tôi cố gắng về dự buổi gặp mặt. Tuy nhiên anh không quên động viên tôi vì sợ tôi “bức xúc” khi phát biểu. Nhưng không, tôi đã từ tốn, nhẹ nhàng nói rằng: “Từ khi tôi bước sang sự nghiệp kinh doanh, tôi không hề nghĩ rồi mình sẽ tiến thân theo con đường chính trị. Nhưng do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến cử tôi, dù không trúng cử nhưng tôi không có lỗi, không có khuyết điểm”... Sau đó tôi hứa với Ban Thường vụ là tôi sẽ làm tốt, sẽ phấn đấu để công ty có bước phát triển cao hơn, toàn diện hơn để đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Có lẽ vì tính cách tôi vậy, nên trong một email con gái tôi viết từ Bangkok (tháng 5-2011) khi tôi chuẩn bị thôi làm cương vị lãnh đạo tỉnh, có nhận xét mà cũng có thể là lời động viên với tôi: “Ba làm chính trị, ba đều bình tĩnh trong mọi tình huống. Đó là hình ảnh của con thường thấy ở ba...”.
Vì lời hứa cộng với nhiệt huyết vốn có, tôi đã cố gắng cùng với tập thể lãnh đạo, đưa công ty có bước tăng trưởng cao hơn nhiều so với những năm trước đó. Như năm 1998, vốn đã tăng đến 10 lần so với khi giao, doanh thu lên đến 269 tỷ đồng tương đương 30 triệu đôla Mỹ; nộp ngân sách nhà nước đến 57 tỷ đồng, tương đương hơn 6 triệu đôla Mỹ và năm ấy, tôi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Cũng có lẽ vì vậy, nên lãnh đạo tỉnh tiếp tục cân nhắc và quyết định đưa tôi lên làm Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch từ cuối năm 1998 và lên làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cuối năm 1999, nhiệm kỳ IV (1999– 2004) và nhiệm kỳ V (2004 – 2011). (Nhiệm kỳ V kéo dài thêm 2 năm - theo Nghị quyết Quốc hội số 25/2008/QH12 ngày 14-11-2008).
Tròn 9 năm làm giám đốc, buổi chia tay anh chị em Công ty Xuất nhập khẩu thật sự xúc động. Trong rất nhiều ý kiến phát biểu, nhiều bài hát chúc mừng, nhiều bài thơ do anh chị em sáng tác để tặng tôi, tuy không phải nhà thơ hay nhà văn, nhưng họ có một tình cảm sâu sắc hoá thành thơ. Trong rất nhiều bài, tôi nhớ có bài thơ của bác Trần Cao Vân, một cán bộ đã trải qua hai cuộc kháng chiến với nhan đề: Năm mới, sự nghiệp mới
Chín mùa xuân ấy - một quãng đời,
Buồn vui chất chứa những đầy vơi.
Gian lao vất vã bao nghiệt ngã,
Vẫn sáng niền tin, rạng nụ cười.
Mừng anh xuân đến trọn chín xuân,
Đất dày rễ chặt lá cành xanh.
Dân tình thuận ý tôn kế nghiệp,
Quân tử xin đừng phụ lòng dân.
Chúc anh năm mới rạng công danh,
Vì Đảng, vì dân trọn nghĩa tình.
Dày công vun đắp cao ý chí,
Trí - Đức tương đồng đủ hoá công.
 
Anh Trần Khắc Quýnh, quê ở Hà Tĩnh, một sĩ quan quân đội thời kháng chiến, chuyển ngành về công tác tại công ty vào những năm 80 cũng có bài thơ: Chín năm, ba ngàn ba trăm ngày
Chẳng thể nào nói hết,
Về những ngày đã qua.
Ngày chia tay tiễn biệt,
Nhớ nhung bao thiết tha.
Có thể nào nói hết,
Những con đường đã đi.
Tinh thần đầy trách nhiệm,
Thương trường như chiến trường.
Có bao giờ nói hết,
Nỗi lo lắng đầy vơi.
Tuổi trẻ và ước vọng,
Ngôi sao sáng trên trời.
Có bao đêm không ngủ,
Tính ngược rồi tính xuôi.
Tự tin ở chính mình,
Bạn bè và chiến sĩ.
Có ai vui bằng anh,
Tìm ra bài giải tốt.
Ba ngàn ba trăm ngày,
Đời đẹp bởi tình người.
Có bao giờ nói hết,
Nước mắt và nụ cười.
Tình yêu là tất cả,
Hát bài ca cuộc đời.
 
Giờ đây, đi qua bao nhiêu sóng gió đời người, trải nghiệm bao nhiêu buồn vui trong sự nghiệp, tôi nhận ra cuối cùng và còn lại vẫn là những ân tình mà người thân, bạn bè, đồng đội và người đời trao cho mình. Bởi thế “sự cố” năm 1996 có thể đã khiến tôi buồn một chút, tuy nhiên cùng với thời gian tôi nhận ra thử thách ấy không làm mình nhụt chí mà càng khiến mình nỗ lực hơn, là cơ hội để thể hiện được bản chất con người và năng lực chính mình.
 “Đặc khu kinh tế”
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào thăm Khu thương mại Lao Bảo
 
Lên nhận công tác tại Ủy ban nhân dân tỉnh, được phân công phụ trách khối kinh tế (tài chính, ngân hàng, kho bạc, hải quan, thuế, thương mại - du lịch, quản lý thị trường...) và phụ trách Khu thương mại Lao Bảo, đến năm 2005, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm kiêm Trưởng ban quản lý Khu thương mại Lao Bảo.
Khu thương mại Lao Bảo, khi mới thành lập (11-1998) các nhà tham mưu hoạch định chính sách định đặt tên là “Khu thương mại tự do Lao Bảo”. Nhưng không được trên chấp thuận vì lo chữ “tự do”, nên đặt là “Khu vực khuyến khích và phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo”, gọi tắt là “Khu thương mại Lao Bảo”. Với những chính sách thông thoáng, ưu đãi cao nhất, nhưng quá trình thực hiện vướng phải các điều khoản luật pháp quy định nên các bộ ngành Trung ương không ra được các văn bản hướng dẫn thực hiện, chính sách ưu đãi bị “teo dần”, không có hiệu lực thi hành, không đi vào cuộc sống.
Tỉnh Quảng Trị quyết liệt đi “gõ cửa” Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Thương mại kết hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị thành lập đoàn đi nghiên cứu Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc do Thứ trưởng Trần Đức Minh làm trưởng đoàn, tôi làm phó đoàn. Thành phần tham gia đoàn có Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan. Quá trình của chuyến đi cũng là dịp tốt để đoàn Quảng Trị thuyết trình cho cán bộ các ngành của Trung ương hiểu từ thực tiễn và “vận động” sự ủng hộ. Cuối cùng thì Bộ Thương mại và đoàn cũng đạt được một sự thỏa thuận là đề nghị Chính phủ cho lập “đặc khu”. Nhưng phải nói rằng, trong nước lúc này, Chính phủ đang rất “dị ứng” với chữ “đặc khu”. Thành phố Vũng Tàu có lần đã đề nghị lập “đặc khu” mà không được huống gì Lao Bảo. Vậy nên lách như thế nào để nội hàm nó phải là “đặc khu” cho dù không được gọi tên là “đặc khu”? Thế là tên “Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo” xuất hiện (tên hiện nay). Nói tắt cũng có nghĩa là đặc khu kinh tế - thương mại với các chính sách ưu đãi kèm theo, như chính sách một khu thương mại tự do.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm
Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, năm 2009

 
Mặc dù chính sách như một “khu thương mại tự do”, nhưng vì chưa có luật cho khu thương mại tự do nên vẫn “vướng”, phải thường xuyên “mang cặp” đi các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ. Việc đi tháo gỡ ngoài việc có kiến thức pháp luật, hiểu biết chính sách còn phải có nhiệt huyết để đi xin “tháo gỡ”, nếu không thì đã “buông tay”. Theo kinh nghiệm như các nước, muốn có khu thương mại tự do phải có luật về khu thương mại tự do và luật đó ghi rõ: Các luật pháp khác trái với luật khu thương mại tự do thì không chịu sự điều chỉnh trong khu thương mại tự do. Từ Thâm Quyến - Trung Quốc, từ khu thương mại tự do Zofri của tỉnh Iquique – Chilê, tháng 6-2004 tôi đã viết bài “Từ Thâm Quyến, nghĩ về Lao Bảo” và tháng 8-2007 bài “Chilê – xa mà gần”, “Suy ngẫm từ Zofriđăng trên tạp chí Thương mại, báo Thương mại và tạp chí Cửa Việt, báo Quảng Trị để chứng minh sự thành công của họ và kiến nghị phải sớm có luật cho khu thương mại tự do.
Ngoài những khó khăn về chính sách cho Khu kinh tế  - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tôi nhớ anh Vũ Khoan, Phó Thủ tướng Chính phủ khi vào thăm Lao Bảo có nói rằng: Khu kinh tế “mở” nó thực sự có ý nghĩa khi cả nước còn “đóng” (như Thâm Quyến của Trung Quốc). Lao Bảo dù nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nhưng xa sân bay, hải cảng nên giảm đi tính ưu đãi rất nhiều, do vậy việc thu hút đầu tư, xây dựng thành khu kinh tế phát triển sẽ là rất khó. Đúng vậy, dù chưa như mong muốn, nhưng dù sao cũng từ một vùng nghèo khó, có hơn 61% hộ đói nghèo nay Lao Bảo đã là một “đô thị vàng”, một khu kinh tế cửa khẩu phát triển bậc nhất so với tất cả các khu kinh tế cửa khẩu phía tây khác.
Hiểu lẽ đời
Con người và quy luật cuộc đời, rồi ai cũng sẽ trải qua, vì vậy mà tôi đã chuẩn bị cho mình một tinh thần sẵn sàng khi trở về với đời thường. Dù còn hơn 10 ngày nữa mới họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI, kỳ họp lần thứ nhất, bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban nhân dân tỉnh mới, tôi đã chủ động tổ chức gặp những người cộng sự với mình trong quá trình làm việc tại Ủy ban để cảm ơn và nói lời “chia tay” sắp đến. Tại buổi gặp đó, tôi có phát biểu như sau:
Tôi tham gia cách mạng từ năm 1967, đến nay đã trải qua 44 năm công tác, đã gần 40 tuổi đảng (tôi được vào Đảng năm 1972), quá trình công tác của tôi từ xã lên đến huyện và tỉnh, từ công tác đoàn thể đến công tác đảng; từ công tác kinh doanh đến công tác quản lý nhà nước. Ở đâu tôi cũng tạo cho mình niềm vui và sự đam mê trong công việc. Ngay cả lĩnh vực kinh doanh, lĩnh vực rất mới lạ đối với tôi, hơn nữa là tại thời điểm khó khăn nhất - thời điểm chuyển đổi cơ chế - từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, sang cơ chế thị trường, cạnh tranh nhưng doanh nghiệp vẫn đứng vững và có tốc độ tăng trưởng cao. Chắc vì lẽ đó, cộng với quá trình công tác của tôi, nên cấp ủy khóa XI (1991 – 1995) đã giới thiệu tôi để đảm nhận một trọng trách cao hơn, nhưng “vận may” đã không đến với tôi.
Từ “sự kiện” đó, người ta tưởng rằng tôi sẽ rẽ theo một hướng khác. Nhưng không, tôi đã chứng minh bản lĩnh của một người đã được tôi luyện trong ngục tù đế quốc và tay sai. Công ty phát triển ngày càng toàn diện hơn, tăng trưởng còn cao hơn, nên tôi được tiếp tục cân nhắc và quyết định chuyển qua làm công tác quản lý nhà nước, làm Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch và sau đó lên làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tôi làm Phó Chủ tịch,  nói theo “ngôn ngữ” của tổ chức thì đây là một sự phân công, vì lẽ đó mà tôi luôn biết tôn trọng những người cộng sự của mình, luôn biết ơn những người đã dẫn dắt mình.
Ngoài công việc nhà nước tôi còn luôn quan tâm đến quê hương, đến đồng chí của thời gian khổ, những bạn đồng cảnh thời bị tù đày và tri ân những người đã hy sinh. Cho đến bây giờ tôi không hề một chút hổ thẹn với lương tâm, trái lại còn tự hào với những gì mình đã làm được và thanh thản, hạnh phúc trong cuộc sống với gia đình.
Tôi luôn quan niệm rằng cuộc sống phải là quá trình hoàn thiện mình, vì trong mỗi con người, giữa và cái cũ và cái mới, cái tốt và cái xấu, cái tích cực và cái tiêu cực, luôn đan xen và đấu tranh. Tôi cũng đã tự thấy mình luôn đấu tranh cho cái mới, cái tốt, cái tích cực và luôn hướng thiện. Dù rất cố gắng nhưng chắc chắn không thể không có thiếu sót. Tôi muốn nói lời này, thay cho lời cảm thông.


[1], 2. Diễn văn trong buổi lễ Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn