09:33 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Ra mắt hồi ký

“Chuyện kể về một thời” - Cuốn sách của một đời người - Nguyễn Hoàn

Thứ năm - 16/02/2012 16:31
Quảng Trị là một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Truyền thống đó là tài sản tinh thần vô giá đã và đang được khai thác, phát huy để biến thành nguồn lực cho sự phát triển. Có lịch sử của cả một vùng đất, một miền quê và có lịch sử của mỗi đời người, rất phong phú, đa dạng và có thể kể nhiều hơn “nghìn lẻ một đêm”. Trong một đời có thể thấy được những biểu hiện của một thời và ngược lại, một thời thường in dấu vết lên mỗi cuộc đời. Vì lẽ đó mà anh Lê Hữu Thăng khi viết cuốn hồi ký về đời mình và không chỉ về đời mình đã đặt tên là “Chuyện kể về một thời” (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012).
Mục đích mà các tác giả viết hồi ký thường hướng đến là nhằm lưu lại, gửi lại, để lại cho mọi người một điều gì đó có ý nghĩa xã hội và nhân sinh sâu sắc. Đấy cũng chính là mục đích mà bạn đọc đòi hỏi rất cao đối với thể loại hồi ký. Có những cuốn hồi ký, tự truyện gây xôn xao dư luận, thậm chí trở thành sách best seller nhưng rút cuộc đã chìm vào quên lãng vì tác giả viết ra chỉ để thể hiện hoặc nặng về thể hiện cái tôi cá nhân, cái tôi duy ngã, đó là chưa nói có khi còn gây tổn thương đến tinh thần người khác. Với tác giả Lê Hữu Thăng, qua “Lời nói đầu” của cuốn sách, tác giả đã thể hiện một cách khiêm nhường, giản dị mà đầy ý nghĩa về mục đích viết hồi ký của mình: “Năm tháng vẫn hằn dấu lên cuộc đời mà ta vẫn gọi là ký ức. Những miền ký ức ấy, rồi một ngày kia tôi cũng mang theo về cát bụi. Nhưng câu chuyện quê hương, câu chuyện đời mình tôi muốn được lưu giữ lại qua những trang hồi ức, không nhằm để lưu danh hay công trạng, một điều giản dị là chỉ để kể với thế hệ mai sau biết rằng đất nước, quê hương, gia đình đã đi qua những tháng năm như thế”. Mục đích viết hồi ký như vậy không chỉ để lưu giữ ký ức mà điều thiết cốt hơn là để truyền lại cái “biết” về một thời, cái “biết” của sự trải nghiệm, tức là mục đích mang lại nhận thức và truyền lại sự trải nghiệm, để cho người đi sau được sống tiếp cái phần đời nhiều bão giông nhưng đầy hào quang của người đi trước, được tiếp thêm sức mạnh từ quá khứ để gánh vác tương lai. Điều đáng chú ý trong “Chuyện kể về một thời” đó là, bản thân người truyền lại câu chuyện kể vừa có cái để truyền, lại vừa được trao truyền những truyền kỳ lịch sử, những tài sản tinh thần từ quá khứ. Trao truyền và truyền, và nhân lên, lịch sử chính là một dòng sống bất tận tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác với bao giá trị hương hỏa, bao tài sản tinh thần được tích lũy, thừa kế, bao giá trị chân thiện mỹ được vun bồi.
           Với mục đích đó, “Chuyện kể về một thời” đã triển khai câu chuyện bằng cách “bổ dọc” thời gian theo trục lịch đại từ thời xưa đến thời nay, từ việc lần theo “Những dấu chân tiền nhân”, những “Trang gia phả thắm máu đào” đến “Quê hương, những ngày đầu giải phóng”, đến “Sự nghiệp đổi mới”. Do bám chắc vào trục lịch đại này, “Chuyện kể về một thời” thật ra không chỉ kể về “một thời” mà đã kể về “nhiều thời”: thời dựng làng, mở nước, thời đánh giặc giữ nước và thời đổi mới, dựng nước. “Nhiều thời” chất chứa và nén chặt trong cuốn hồi ký, cho thấy nội hàm cuốn sách rộng lớn hơn tên sách, hay nói cách khác, ở đây, nội hàm cuốn sách đã có sự “xé rào” ngoạn mục so với tên sách khiêm nhường. Cảm hứng lịch sử chất ngất trong từng trang viết về truyền thống quê hương, dòng tộc. Đó là truyền thống vượt qua gian khó, khổ ải để lập làng, mở cõi, truyền thống hiếu học, cầu tiến và truyền thống đánh giặc kiên cường, bất khuất. Quê hương Hải Thượng và tộc họ Lê Đại của tác giả đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở Hải Thượng, bình quân 4,8 người dân có một thương binh, liệt sĩ hoặc 8 người dân có một liệt sĩ, một tỷ lệ rất cao so với các nơi khác trong cả nước. Các hộ trong họ Lê Đại của tác giả (18 hộ) đều có người đi theo kháng chiến, hoặc tập kết ra Bắc, hoặc thoát ly tham gia cách mạng, số người hy sinh trong kháng chiến chiếm tới 23% dân số họ lúc bấy giờ, tất cả các hộ (trừ những hộ mới chia tách sau năm 1975) đều có huân, huy chương kháng chiến. Trên nền truyền thống cách mạng của quê hương, dòng tộc được thể hiện đậm nét, đầy bi tráng, đau thương mà hào sảng, tác giả đã lần giở và đặc tả với tất cả niềm rưng rưng và cảm khái về từng trang gia phả thắm máu đào của đại gia đình mình, cả bên nội và bên ngoại, với bao thế hệ luôn giữ trọn lòng son sống chết vì cách mạng: ông nội vượt qua đòn roi tra tấn của địch để bảo vệ cán bộ cách mạng; ông ngoại bị địch bắt giam, đánh đập dã man và chết trong lao Thừa Phủ; hai ông bác ruột  bị giặc Pháp bắt, chôn sống; cậu ruột, hy sinh bị giặc vứt xác, gì ruột và anh hy sinh; mẹ và con đều bị địch giam cầm tại lao xá Quảng Trị; các o, dì đều vượt qua đau thương, dâng hiến đời mình, đời con mình cho cách mạng. Lý giải về cội nguồn hun đúc nên truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của quê hương, tác giả đã ngược dòng thời gian theo trục lịch đại, tìm thấy nguồn gốc của sức mạnh truyền thống ở chí khí dựng nước của cha ông tự ngàn xưa: “Bởi khởi thủy của làng là những người dân đã mang khát vọng chinh phục miền đất mới, từ buổi đầu đến khai phá, chống lại thú dữ, rừng thiêng nước độc gây dựng sự nghiệp nên trong huyết quản của người dân đã mang sẵn dòng máu dũng cảm. Những thế hệ con dân sau này tiếp nối tinh thần đó, không khuất phục bạo cường, áp bức, bởi thế khi cách mạng ra đời, làng có nhiều người tham gia rất sớm”.
          Trên nền truyền thống quê hương, dòng tộc, gia đình được tác giả tô đậm nổi bật ở bình diện thứ nhất, từ đó tác giả bắt đầu kể về chuyện đời của mình ở bình diện thứ hai, như một kiến trúc sư khi thiết kế một công trình phải vẽ nền móng cho chắc vững trước đã, sau đó mới vẽ đến các phòng ốc của tòa nhà, lâu đài. Bút pháp của tác giả ở đây là đi từ xa đến gần, từ diện đến điểm, từ gốc đến ngọn. Một nét đáng chú ý về mặt bút pháp nữa là tác giả đã có những dụng công trong khắc họa nhân vật, không bằng cách trực tiếp mà là gián tiếp: thể hiện nhân vật này thông qua sự nhận xét, đánh giá của nhân vật khác (người ta thực sự sống là sống trong lòng người khác). Diễn tả tinh thần kiên gan của ông nội trước đòn roi tra tấn của địch để bảo vệ cán bộ cách mạng, tác giả không tả trực tiếp mà tả qua cảm nhận, qua trải nghiệm sâu sắc, thấm thía của ông Nguyễn Văn Lương, nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Hà, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên: “Địch bắt ông nội và bác Vui ra bên gốc cây rơm ở góc sân để tra tấn, nhưng ông và bác nhất quyết không khai. Ông Lương bấy giờ nấp trong hầm bí mật ở ngay trong cây rơm, nghe rõ mồn một từng trận đòn roi quất tan nát thịt da của địch tra tấn ông nội và bác tôi. Mãi sau ngày thống nhất nước nhà, ông Lương khi ấy làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên thường hay về thăm và lần nào cũng không nén nỗi xúc động. Ông Lương kể: “Tôi nghe rõ từng lời, nó đánh và hỏi: “Hầm bí mật nuôi Việt cộng ở đâu?”. Ông và chị Vui một mực trả lời: “Không có, Không biết”. Chúng thét: “Ngoan cố, ngoan cố, đánh để bắt nó khai ra!”. Chúng đánh suốt cả buổi nhưng ông và chị Vui vẫn không khai. Chúng đòi bắn, ông nói: “Bắn chết thì tôi cũng chịu, chứ không có lấy chi mà khai! Chúng đòi bẻ răng ông thì ông nói: “Neng (răng) tôi để tôi ăn”. Không lần nào ông Lương về thăm, kể lại câu chuyện trên mà ông không khóc, vì ông tôi và bác dâu tôi đã nghiến răng chịu cực hình để ông Lương được sống... gia đình tôi bị tan tác lần thứ tư”. Cũng với bút pháp nói trên, tác giả đã có nhiều lúc không trực tiếp vẽ chân dung mình mà nhờ lời của nhà báo Phan Sáu, nhờ thơ của ông Trần Cao Vân, ông Trần Khắc Quýnh vẽ hộ mình. Đây là một bút pháp đắc dụng với thể loại hồi ký, một thể loại đòi hỏi rất khắt khe tính khách quan và trung thực của nội dung thể hiện. 
          “Chuyện kể về một thời” được viết bằng cảm hứng lịch sử nồng nàn, chan chứa. “Chuyện kể về một thời” còn được viết bằng những cảm nhận, những trải nghiệm sâu sắc của một đời người, từ tuổi học trò đã sớm “nhập môn cách mạng”, từ chiến trường đến thương trường, từ thời bao cấp đến thời đổi mới. Cuốn sách toát lên cái giá của sự trải nghiệm và nêu bật những trải nghiệm đáng giá. Trong thời gian bị địch giam cầm, anh Lê Hữu Thăng và những người bạn tù đã phải chịu đựng bao ngón đòn tra tấn của địch, từ roi điện, dùi cui, đi “tàu bay”, “tàu thủy” đến giam cấm cố, ấy thế mà các anh vẫn “phấn đấu” xuống… xà lim, bằng cách xin tổ chức cho đánh những tay trật tự viên hung hãn của nhà tù, để địch tống giam vào xà lim. Lúc cần kíp, các anh còn sẵn sàng tự nhận trách nhiệm về mình, tự nhận đòn roi và kể cả cái chết cận kề thay cho những người bạn tù để bảo vệ đồng đội, để tránh tổn thất cho tổ chức. Đọc đến đây, tôi nhớ đến lời của triết gia thiên tài người Đức F.Nietzsche từng bảo rằng con người hãy biết sống trong hiểm nguy. Đọc “Chuyện kể về một thời” mới biết, thời chiến tranh cũng có những góc khuất của nó. Do vậy mà các anh Lê Hữu Thăng, Đào Phồn và các bạn tù dù đã lên kế hoạch đào thoát khỏi lao xá Quảng Trị nhưng rút cuộc vẫn phải hủy kế hoạch vì chưa xin được chỉ thị của cấp trên, nếu đào thoát không thành sẽ bị khiển trách, nếu đào thoát thành công cũng có khi bị nghi ngờ, bị coi là địch “thả”. Do hiểu được những góc khuất này mà khi đất nước thống nhất, được giao nhiệm vụ tổ chức cho những người lầm đường lạc lối trong chế độ cũ “cải tà quy chính” và giải quyết những vấn đề “hậu chiến”, tác giả không mắc vào “chủ nghĩa lý lịch” mà đã phân định rõ những trường hợp “đánh trống ghi tên”, những trường hợp địch “bôi lem”, “trắng đen lẫn lộn” để không làm oan người ngay thật, lương thiện. Thời bao cấp, do trải nghiệm qua tham quan, khảo sát thực tế tình hình hợp tác xã ở Nghệ An, Hà Sơn Bình (cũ), nhận thấy những mâu thuẫn, rạn nứt trong cách tổ chức hợp tác xã bậc cao lúc đó, tác giả đã đề nghị Đảng ủy xã Hải Thượng không nên xây dựng hợp tác xã quy mô toàn xã mà nên xây dựng thành hai hợp tác xã cho phù hợp. Tác giả đã bảo vệ thành công phương án không xây dựng hợp tác xã bậc cao, nhưng dĩ nhiên lúc đó phải chấp nhận bị cấp trên phê bình là “trẻ nhưng bảo thủ”. Hoặc khi nghe một chủ nhiệm xin giao đất màu cho xã viên tự làm, tác giả đã đồng ý cho làm nhưng không công khai. Những cán bộ lãnh đạo huyện trong Thường vụ Huyện ủy lúc đó đã yêu cầu tác giả kiểm điểm và sửa sai. Tác giả đã kêu cứu đến đồng chí Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy và đã được “giải cứu” bằng cách cho khoán thử. Việc khoán thử này được duy trì cho đến khi có Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp và Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Cuốn hồi ký còn bộc bạch nhiều trải nghiệm khác của tác giả như: trải nghiệm làm kinh tế lúc phụ trách công tác Đoàn, tạo tiền đề để dấn thân vào thương trường khi làm doanh nhân; trải nghiệm những mò mẫm, vất vả, gian nan nhưng đầy sáng tạo khi xây dựng mô hình thí điểm mới trên toàn quốc: Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo; trải nghiệm những mưa nắng cuộc đời để hiểu lẽ đời… Chính sự trải nghiệm vàng đá này, một sự trải nghiệm biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến sóng gió đời người thành nơi rèn tâm vững, chí bền đã giúp cho tác giả luôn giữ được bản ngã và bản lĩnh của mình, giữ mình luôn được là chính mình và vượt lên mình, cho dẫu có khi “người ta tưởng rằng tôi sẽ rẽ theo một hướng khác”, như tác giả tâm sự.
          Cuốn hồi ký “Chuyện kể về một thời” của anh Lê Hữu Thăng, đọc đến trang cuối, gấp sách rồi nhưng tôi nghĩ rằng, tác giả vẫn muốn gợi mở ra. Là vì tác giả muốn thông qua cuốn sách này để bắc một nhịp cầu giao cảm, thấu hiểu, một nhịp cầu kế tục liền mạch giữa các thế hệ, nhất là với các bạn trẻ. Ở “Lời nói đầu” cũng như ở chương kết cuốn sách, tác giả luôn canh cánh bên lòng một nỗi băn khoăn: liệu thế hệ con cái, thế hệ trẻ có quan tâm nghe những chuyện kể của mình không? Đây không chỉ là nỗi băn khoăn của riêng tác giả mà còn là nỗi băn khoăn của nhiều người, của cả dân tộc, của thời buổi này, khi mà nhiều bạn trẻ chỉ say mê phim Tàu, phim Tây mà không say sưa với cổ tích của dân tộc, “cổ tích” đánh giặc, giữ nước, khi mà nhiều thí sinh đại học bị điểm thấp và điểm không về môn sử đến mức đáng báo động. Ở “Lời nói đầu”, tác giả dẫn lời một người bạn tâm sự rằng: “Mình rất thích kể cho con cái nghe những chuyện trong kháng chiến, nhưng mỗi lần bắt đầu vào câu chuyện kể, thì con tôi lại nói - bố lại nói chuyện xưa rồi”. Ở chương kết, tác giả dẫn một đoạn văn của con gái mình là Lê Na viết: “Trước đây tôi không thích khi phải ngồi nghe bố tôi kể về chiến tranh. Mỗi lần như thế bố tôi chỉ nhìn tôi rồi gỡ nhẹ cặp kính ra và suy nghĩ có vẻ trầm tư lắm. Tôi chẳng để ý làm gì”. Lê Na đã được bố tặng cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi”, nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc với lời chúc và cũng là niềm mong con sớm trưởng thành. Lê Na càng đọc càng yêu quý cuốn nhật ký, từ đó đã không còn thờ ơ với chuyện quá khứ. Trong thời của xa lộ thông tin, Lê Na cũng như bao bạn trẻ khác còn đọc nhiều thứ trên mạng, có khi gây lo lắng cho các bậc cha mẹ, nhưng khi được tiếp lửa từ những cuốn sách của cả đời người như “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Chuyện kể về một thời”, các bạn trẻ sẽ không xa rời với căn cước lịch sử - văn hóa của gia đình, dòng họ, dân tộc, để từ đó hội nhập mà không hòa tan.
          Trên nhịp cầu giao cảm, nhịp cầu kế tục giữa các thế hệ mà anh Lê Hữu Thăng đã bắc đầy thao thiết qua cuốn hồi ký gan ruột của một đời người, tôi xin được gắn vào đó cái cung đường xuyên Á từng kết nối mồ hôi thấm đẫm của hai thế hệ ông nội và cháu: người ông Lê Văn Lần và người cháu Lê Hữu Thăng, nơi mà ngày nay chúng ta hân hoan bắc “Nhịp cầu xuyên Á”. Trên con đường xuyên Á từng in dấu những bước chân nhọc nhằn tha phương cầu thực của ông nội anh Thăng lúc đất nước còn chìm trong tối tăm, nô lệ: ““Đói đầu gối phải bò”, ông nội tôi đã phải qua tận Lào và vùng đông bắc Thái Lan để kiếm kế sinh nhai. Hành trình mưu sinh qua hàng trăm cây số, không xe cộ, chỉ có bàn chân trần của người nông dân quê nghèo khao khát đi tìm một chân trời. Vượt đèo cao thung sâu, đối mặt cùng sốt rét, bệnh tật, thú dữ rừng xanh để mơ ước đổi đời. Những ngỡ trải bao nhọc nhằn như vậy, cuộc sống chốn đất khách quê người sẽ khấm khá hơn, nhưng rồi, cuộc đời cũng như câu ca dao xưa ông bà để lại: “Cây khô xuống nước cũng khô, Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo””. Nay cũng chính trên con đường này, tác giả Lê Hữu Thăng dù có đi học hỏi ở Thẩm Quyến, Trung Quốc hay tận Chi lê, Nam Mỹ xa xôi cũng là để trở về góp sức xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo thành “đô thị vàng”, biến Hành lang Kinh tế Đông - Tây từ hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, hành lang công nghiệp. Những bước chân hân hoan của anh Thăng trở đi trở lại với con đường xuyên Á, dĩ nhiên được nâng bước, được cất nhịp từ dấu chân tủi cực của ông nội ngày xưa. Và giữa hai thế hệ ông cháu Lê Văn Lần - Lê Hữu Thăng, quê hương đất nước đã bắc được nhịp cầu nối quá khứ tủi cực, đau thương, bi tráng với hiện tại bừng sáng và tương lai xán lạn, huy hoàng.
          Nhịp cầu giao cảm, kế tục giữa các thế hệ đã bắc rồi, như “Nhịp cầu xuyên Á” đã bắc từ người ông Lê Văn Lần sang người cháu Lê Hữu Thăng, hẳn rằng bao bạn trẻ sẽ lại biết lắng nghe chuyện cổ tích, nghe “Chuyện kể về một thời”, bởi như cổ nhân từng nói: “Để lại cho con một rương vàng, không bằng một quyển sách”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 68 trong 15 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: lịch sử, một thời

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn