03:01 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện » Sự kiện

HTX Đại An Khê kỷ niệm 40 năm ngày thành lập

Thứ hai - 10/04/2017 08:53
Ngày 13.4.2017 Hợp tác xã Đại An Khê , xã Hải Thượng  KN 40 năm ngày thành lập ( 13.4.21997 - 13.4.2017). Lê Hữu Thăng có bài phát biểu, xin đăng toàn văn:
                                    

                              Kính thưa :
          Trước hết tôi xin cám ơn HTX đã mời về dự KN 40 năm ngày thành lập HTX, Lời đầu tiên xin chúc các bác, các anh chị, các đồng chí lời chúc sức khỏe và an lành trong cuộc sống.
        Chắc ai cũng biết, thời điểm đó tôi làm Bí thư Đảng ủy xã, người tổ chức và chứng kiến quá trình thành lập HTX Đại An Khê nên xin phép cho tôi được nhắc lại những điều mà diễn văn buổi lễ không thể nói hết được và có những câu chuyện kể mang tính kỷ niệm .
                      Kính thưa:
      Kết thúc chiến tranh, “nhân dân chúng ta sơ tán trở về với quê hương trên mảnh đất hoang tàn, đổ nát chỉ một đôi quang gánh trên vai”, đó là câu mô tả gọn gàng nhất nhưng nói lên tất cả.  Vì quá khó, nên những ý tưởng vạch ra cho mai sau, lúc ấy nói ra tưởng chỉ là mơ, nhưng nay đã là thật; những việc tưởng chừng không thể nhưng nay đã có thể. Thành quả đó ông Nguyễn Trung Trực GĐ -HTX đã báo cáo, không ai phủ nhận được; Tuy nhiên chúng ta cũng phải thấy sự đi lên đó nằm trong sự đi lên chung của đất nước, nhờ cơ chế mới, chính sách mới của Đảng và Nhà nước và đương nhiên nhờ cả sự nổ lực vượt bậc của chúng ta.
               Kính thưa
           Tôi nghĩ, kỷ niệm 40 năm cũng là dịp để ôn lại chuyện củ, nói chuyện mới. Khổng Tử nói “ Khả dĩ vi sư hỷ” dịch nghĩa “ Ôn cổ để tri tân”, “ Ôn cổ” không phải để so sánh với trước (vì so sánh như vậy là khập khiểng) mà để nói với ngày hôm nay và để đoán biết tương lai, vì nhiệm vụ ở mỗi giai đoạn CM có sự khác nhau.
           Có thể nói, Sau ngày giải phóng, phong trào của chúng ta vô cùng sôi nổi, vì cuộc sống thường ngày không còn bị đe dọa bởi bom đạn, ai cũng được sống trong hoà bình, độc lập, tự do và tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Chính vì vậy, nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thi đua  “Làm ngày không đủ - tranh thủ làm đêm” và làm được những việc tưởng chừng không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn như vậy, như việc rà phá bom mìn, khai hoang, phục hoá với công cụ lao động hết sức thô sơ .
          Cũng từ phong trào cách mạng đang dâng cao, ruộng đất lại bị hoang hóa lâu ngày và bị nhiễm bom mìn nên việc công hữu hoá ruộng đất theo chủ trương của Đảng và Nhà nước rất thuận lợi.   Nhân dân tự nguyện hiến ruộng đất cho Nhà nước, Nhà nước giao cho tập thể người lao động. Tập thể người lao động được tổ chức dưới hình thức đội sản xuất. Những đội sản xuất tập thể bắt đầu với một phương thức làm ăn mới.  
            Phải khảng định rằng, nếu không công hữu hoá ruộng đất, nếu không có phong trào cách mạng sôi nổi và không tổ chức làm ăn tập thể thì không có được như vậy, đấy là mặt tích cực của kinh tế tập thể.
           Cũng có thể kể thêm rằng, những năm đầu khi mới kết thúc chiến tranh, do Nhà nước chưa có chính sách và nguồn lực nên chưa kịp giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách là những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nhất là những gia đình không còn sức lao động nên hàng năm, đến vụ hợp tác xã phải trích một khoản lương thực để "điều hòa" cho đối tượng chính sách có cái ăn. Đó cũng là mặt tích cực của việc làm ăn tập thể lúc bấy giờ.
          Chúng ta cũng phải hiểu thêm rằng, vì thế giới lúc đó là thế giới hai cực, say sưa giải quyết “vấn đề ai thắng ai”giửa hai con đường XHCN và TBCN và vì quan niệm lúc đó dưới chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, không có kinh tế tư nhân (nay ta không bình luận đúng hay sai, thực tế đã chứng minh) vì quan niệm như vậy nên phải nhanh chóng xây dựng các loại hình hợp tác xã: Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán,  gọi như cách gọi của TQ là “ 3 ngọn cờ hồng ở nông thôn”
            Người dân sản xuất ra lương thực thì hợp tác xã chỉ cân đối “đủ ăn” còn lại phải làm nghĩa vụ cho Nhà nước để có lương thực cung cấp cho bộ đội, bán phân phối cho công chức, viên chức và công nhân lao động phi nông nghiệp. Chăn nuôi được con lợn thì Nhà nước thu mua theo giá quy định, và được bán đối lưu cho một số hàng bách hóa .  
             Do nền kinh tế của nước ta lúc bấy giờ là nền kinh tế kế hoạch và tập trung, Sau này chúng ta phê phán  đó là nền kinh tế “tập trung, quan liêu, bao cấp”, Nghĩa là lúc đó mọi thứ sản xuất và phân phối đều theo kế hoạch, các nhà máy sản xuất ra hàng hóa đều được Nhà nước thu mua và phân phối, hợp tác xã mua bán không có nguồn hàng để khai thác nên nó chỉ mang tính hình thức, còn hợp tác xã tín dụng thì dân có tiền đâu mà góp vốn nên cũng không mấy xã thành lập được. Riêng hợp tác xã nông nghiệp thì đồng loạt được thành lập từ hình thức thấp (tổ, đội sản xuất) đến cao (hợp tác xã, hợp tác xã bậc cao) còn gọi là phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Nhờ tư liệu sản xuất chủ yếu (ruộng đất) đã được công hữu hóa và nhờ đã tổ chức làm ăn tập thể dưới hình thức tổ, đội sản xuất ở vùng giải phóng, nên sau khi sơ tán trở về, Đảng uỷ xã chủ trương lập ngay các đội sản xuất ( tôi nhớ lúc đó toàn xã Hải Thượng lúc đó thành lập 38 đội SX) để kịp sản xuất vụ hè thu năm 1975. Dù đứng trước muôn vàn khó khăn do đất đai bị hoang hoá, công cụ lao động thiếu, đê đập thủy lợi bị hư hỏng,… nhưng bà con xã viên hăng hái tham gia làm ăn tập thể và ra đồng lao động, sản xuất một cách tự nguyện nên đã giành được thắng lợi ngay từ vụ đầu, năm đầu. Tiếp đó Đảng ủy xã quyết định thành lập các tập đoàn sản xuất, toàn xã từ 38 đội sản xuất tiến lên thành lập 12 tập đoàn và thí điểm thành lập hợp tác xã An Thái, lấy nguyên làng An Thái thành lập hợp tác xã  . Vì làng An Thái cũng không đông nên quy mô hợp tác xã cũng vừa phải. Hợp tác xã thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng thực ra không tự nguyện cũng không được vì tư liệu sản xuất chủ yếu đã là của công, hơn nữa phong trào hợp tác hoá đang rất mạnh, còn gọi là cao trào, là cuộc cách mạng quan hệ sản xuất trong ba cuộc cách mạng đồng thời lúc bấy giờ (cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hoá tư tưởng). Ai lúc đó không vào hợp tác xã coi như đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng… nên 100% người trong độ tuổi của dân làng An Thái “tự nguyện” tham gia hợp tác xã, và hợp tác xã tổ chức Đại hội thành lập ngày 23-9-1975. Tiếp đó, hợp tác xã tổ chức Đại hội Đông Xuân, tức là đại hội bàn kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 1975-1976 và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất với khẩu hiệu Đại hội Đông Xuân, ra quân thắng lợi”. Cũng vì là mô hình mới, chưa kịp phát sinh mâu thuẫn, hơn nữa thời đó nghe được Đảng ủy chọn làm “thí điểm” là một vinh dự lớn nên xã viên ai cũng hăng hái “chung lưng đấu cật” xây dựng. Vụ đông xuân 1975-1976 được mùa, hợp tác xã làm tròn nghĩa vụ Nhà nước, ngày công lao động khá cao, xã viên tin tưởng vào đường lối xây dựng hợp tác xã… và do đó hợp tác xã An Thái đã sớm trở thành điển hình của huyện.
        Vì đã có thời gian đi thực tế ở hợp tác xã Quỳnh Hồng (Nghệ An) và nghiên cứu ở hợp tác xã Đan Phượng và xã Song Phượng (Hà Sơn Bình), chúng tôi nhận ra những mâu thuẫn trong công tác quản lý, cũng như những vết rạn nứt ban đầu của nó nên tôi đã đề nghị với Đảng uỷ xã Hải Thượng nên xây dựng hai hợp tác xã (hợp tác xã Đại An Khê và hợp tác xã Thượng Xá). Hợp tác xã Thượng Xá chỉ riêng làng Thượng Xá, hợp tác xã Đại An Khê gồm các làng Đại Nại, An Thái, Ba Khê vì trong lịch sử đã từng có xã Đại An Khê nên cũng dễ thống nhất tên hợp tác xã. Đảng ủy xã nhất trí cao, tuy nhiên cũng có người muốn hợp tác xã quy mô toàn xã vì dạo ấy hợp tác xã toàn xã đang là một “cao trào” của tỉnh Bình Trị Thiên. Tôi bị cấp trên phê bình “trẻ nhưng bảo thủ”, chất vấn tôi tại sao không xây dựng hợp tác xã toàn xã? Tôi trả lời: “Vì xã “cháu” chưa tìm ra ông chủ nhiệm quản lý hợp tác xã toàn xã, xin cho “cháu” thêm một thời gian”… Thế là tôi thành công trong việc bảo vệ phương án xây dựng hai hợp tác xã – tồn tại đến ngày hôm nay. Tuy nhiên vẫn là hợp tác xã khá to nên những bất cập trong công tác quản lý cũng dần lộ rõ, cán bộ thì yếu và thiếu, năng suất lao động lại thấp, đời sống xã viên và nhân dân ngày càng khó khăn hơn. Cũng trong năm đó hạn hán nặng, nước không đủ tưới cho ruộng đồng.  Đập đá  bị bom đạn làm hư hỏng. Xe đạp nước cũng không đủ, máy bơm của bà con đưa vào công hữu chỉ được mấy cái nhưng không cái nào chạy tốt, nguy cơ đói là cầm chắc. Lúc ấy buộc chúng tôi phải nghĩ đến phương án lấy nước tưới từ sông Thạch Hãn. Một hành động táo bạo bắt đầu, đó là làm kênh mương từ sông Thạch Hãn về đến cánh đồng Hải Thượng (Nam). Thời đó việc thi công cũng thật đơn giản, dù tuyến kênh đi qua xã Hải Trí (thị xã Quảng Trị ngày nay) nhưng không phải kiểm kê, đền bù để giải phóng mặt bằng như bây giờ. Vừa làm vừa xin huyện, cũng may được huyện ủng hộ và bổ sung cho hai máy bơm (lúc đó xã cũng có hai máy bơm nhưng công suất nhỏ) và bơm nước từ sông Thạch Hãn. Máy bơm cũng cọc cạch, dầu thiếu, phụ tùng không có thay thế, có khi máy hư hỏng, ruộng bị khô cháy, tôi bèn nghĩ ra cách động viên để anh em chạy máy ngày đêm. Có lần máy hỏng, tôi bàn với Đảng ủy mua hai con vịt ra cho anh em nấu cháo bồi dưỡng lấy sức mà sửa máy, nhưng có bác trong Đảng ủy  không đồng ý, bác nói: “Đó là trách nhiệm của giai cấp công nhân, đây là vấn đề liên minh công nông” nên không được làm như vậy”.  Vì thế hệ như bác trách nhiệm là trên hết ( làm thế là tiêu cực), vấn đề liên minh công nông đã trở thành máu thịt của các bác thời bấy giờ nên bác nói thế.
Năng suất lúa thì không tăng, năng suất lao động thì kém dần vì “của chung”, đến mùa thu hoạch năm nào cũng phải nhờ bộ đội, nhờ lực lượng thanh niên đang lao động xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn về gặt giúp. “Nghĩa vụ” lương thực đối với Nhà nước thì không giảm. Đến mùa cán bộ thống kê huyện về “gặt thống kê” rồi tính theo lý thuyết: sản lượng thu được trên bình quân m2 của từng loại ruộng, từ đó nhân lên với tổng diện tích để có con số tổng sản lượng về báo cáo với huyện. Huyện lấy đó làm căn cứ để “ấn” xuống xã, xã “ấn” xuống hợp tác xã các khoản nghĩa vụ bao gồm thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí (nếu có) và lương thực bán “nghĩa vụ” cho Nhà nước theo giá quy định. Dân không đủ lương thực ăn nhưng hợp tác xã vẫn phải làm “nghĩa vụ”, nên có hợp tác xã ngày công lao động chỉ còn 0,7kg thóc, xã viên chán nản không muốn ra đồng nên có câu vè dân gian:
6 giờ kẻng đánh mõ la (gọi ra đồng)
7 giờ tỏng tẻng mới ra đến đồng
8 giờ đội trưởng phân công
10 giờ thủng thẳng trên đồng về thôn
”.
hoặc có câu châm biếm “ ăn no/ uống đậm/đi chậm/ nghĩ nhiều/ 3 giờ chiều ưa nghĩ
Nghĩa là mỗi buổi xã viên chỉ làm vài giờ đồng hồ cho HTX, về nhà cũng không có việc làm vì tư liệu sản xuất (ruộng đất) đều là của tập thể (trừ một ít đất 5%),
Trước tình hình như vậy, ông Nguyễn Quả, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại An Khê báo cáo với tôi nên giao đất màu cho xã viên tự làm, đóng nghĩa vụ cho hợp tác xã để đóng nghĩa vụ cho Nhà nước, tôi đồng ý nhưng không công khai. Huyện ủy biết được, gọi tôi lên. Đêm ấy, đối mặt với tập thể Thường vụ Huyện ủy, tôi trình bày: Vì ruộng đất hợp tác xã Đại An Khê quá nhiều, lao động thiếu nên khoán cho xã viên để bà con tranh thủ làm đêm. Các đồng chí Thường vụ Huyện uỷ hỏi tôi có biết ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị kỷ luật vì cho khoán chui không? Rồi yêu cầu tôi về kiểm điểm và “sửa sai”. Rất may gặp bác Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy đi học Trường Nguyễn Ái Quốc về nghỉ Tết Mậu Ngọ 1978 ( Phải nói là bác Hoan uy tín rất cao), tôi đến kêu cứu bác. Sau khi nghe tôi trình bày, bác Lê Văn Hoan ra gặp Thường vụ Huyện ủy và nói: Đất ruộng làng tôi, tôi hiểu, nhiều lắm không làm kịp, cứ cho nó khoán thử xem rồi có gì sẽ điều chỉnh sau. Thế là tôi “tai qua nạn khỏi”. Việc khoán đó vẫn duy trì cho đến khi có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tháng 1-1981) về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp - gọi là Khoán 100, sau đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tháng 4-1988) - gọi là Khoán 10. Nhờ vậy hai hợp tác xã Đại An Khê và Thượng Xá không bị tách ra, nhập vào như nhiều nơi khác và đến nay vẫn tồn tại, đứng vững và phát triển.
           Hôm nay HTX đã với tên gọi mới: HTX - SXKD – DVNN, Ban điều hành thì từ CN, PCN sang  GĐ, PGĐ; xã viên thì gọi là Thành viên với tư cách là cổ đông.  Nhiệm vụ cũng không còn như xưa, chức năng dịch vụ là chủ yếu…mà dịch vụ trong cơ chế cạnh tranh đầy khốc liệt này thì vô cùng khó, thế mà vẫn tồn tại và phát triển để kỷ niệm 40 năm không phải là dể, hơn thế nửa được Huyện, tỉnh công nhận nhiều năm liền là điển hình tiên tiến, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 rồi đến hạng hai là điều rất đáng trân trọng. Hy vọng rằng HTX chúng ta vẫn luôn đứng vững và phát triển.
                   Xin cám ơn
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn