15:30 ICT Thứ bảy, 20/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện » Sự kiện

Ngày doanh nhân Việt Nam ( vao day)

Thứ hai - 13/10/2014 13:50
                              
                                                                     Ngày 12.10.2014 UBND tỉnh QT tổ chức gặp mặt DN
                                       “Tiếng kêu đúng và dũng cảm”
Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị (Quatimex) được chia ra từ Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Bình Trị Thiên (Unimex Bình Trị Thiên). Liên hiệp Công ty lúc đó ngang cấp sở và quan trọng không kém gì các sở, nếu không nói là chức năng rộng hơn các sở, vì nó vừa có chức năng quản lý nhà nước về ngoại thương (ở mỗi huyện, thị lúc đó đều có một công ty ngoại thương), vừa có chức năng kinh doanh tạo nguồn thu ngân sách lớn của tỉnh lúc bấy giờ, như năm 1990, cả tỉnh Quảng Trị nguồn thu từ nội địa chỉ được 11,9 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh tế nhà nước 2,8 tỷ đồng. Nhưng riêng nguồn thu từ Liên hiệp Công ty xuất nhập khẩu tỉnh đã gần 1 tỷ đồng. Vì vậy mà đến đầu năm 1990, khi Liên hiệp Công ty bị “sự cố”, Thường vụ Tỉnh ủy bắt đầu tìm người thay thế. Thấy tôi đã từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách tài mậu và thấy thời kỳ ở Tỉnh đoàn, dù là một cơ quan đoàn thể nhưng tôi cũng biết tổ chức làm kinh tế, có tư duy kinh tế nên Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định cử tôi qua làm Tổng Giám đốc Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh.

Nói sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ khi có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), nhưng phải đến năm 1990 công cuộc đổi mới mới thực sự chuyển động mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của các công ty nhà nước. Từ chỗ độc quyền kinh doanh, kinh doanh theo kế hoạch (mua và bán đều theo kế hoạch) chuyển sang cơ chế cạnh tranh, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi thị trường Liên Xô và Đông Âu mất, thị trường mới chưa nắm bắt kịp, hẫng hụt, chơi vơi giữa dòng xoáy đầy nghiệt ngã, cán bộ kinh doanh lúc đó như đứng trước ngã 5, ngã 7 mà thị trường thì như một thảo nguyên mênh mông, không biết nơi nào là bến đậu..., và bao nhiêu điều mới lạ khác[1]. Nhưng vừa làm, vừa học, như việc xuất nhập khẩu trực tiếp (vì trước đó chỉ được xuất nhập khẩu qua các Tổng công ty Trung ương) phải vượt qua trung gian, phải đúng thông lệ quốc tế...
Việc vượt qua trung gian lúc bấy giờ như đi tắt qua mê lộ, đòi hỏi phải có thủ thuật, phải thật khôn khéo, có thể nói cuộc qua lại này như một con thoi hết sức sinh động và đầy sinh khí của thời mở cửa2,... Tôi đã coi đây như một cuộc thử thách rất lớn của bản thân, vì khi mà luật lệ chưa rõ ràng, quan điểm đổi mới của Đảng thì có, nhưng luật chưa ra kịp, nên giữa cái đúng và cái sai có khi chỉ do thái độ của người thanh tra, kiểm tra của các cơ quan công quyền.
Mặt khác cán bộ ngoại thương lúc đó như một tầng lớp xã hội khác, vì có thu nhập cao hơn bất kỳ ngành nào. Khách nhiều, tiếp khách nhiều lúc hơi quá đà, bia bọt thì uống “vô tư” lại là bia ngoại (bia Heineken, vì lúc đó trong nước chỉ có hai nhà máy bia ở Hà Nội, Sài Gòn nên không đủ cung cấp cho khu vực) vì vậy dư luận thường chê bai và nhìn cán bộ ngoại thương với con mắt khác biệt, từ đó mọi sự chú ý tập trung đổ dồn vào các công ty ngoại thương.
Tình thế đó buộc phải có rất nhiều biện pháp để chèo lái con thuyền vượt qua khó khăn, xây dựng lại sự thiện cảm của xã hội đối với ngành ngoại thương. Thế là tôi đã cố gắng vượt qua tất cả. Chín năm làm Tổng Giám đốc Liên hiệp Công ty rồi làm Giám đốc theo mô hình chuyển đổi, tôi đã luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch Nhà nước giao, nhất là kế hoạch nộp ngân sách (nộp ngân sách bình quân hằng năm tăng 65,42%). Đặc biệt công ty luôn là đơn vị mở đầu cho phong trào tham gia công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa và xã hội như: xây nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đưa Bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thăm Thủ đô, vào lăng viếng Bác (lúc đó chưa có ai làm) cũng như việc trao Quỹ học bổng Lương Thế Vinh hằng năm cho học sinh giỏi Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, lập quỹ khuyến học để trao cho học sinh giỏi và học sinh thi đỗ đại học của công ty, thăm đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn. Chính nhờ vào kết quả sản xuất kinh doanh luôn tăng trưởng, nộp ngân sách luôn vượt mức và luôn là đơn vị tích cực đi đầu trong các phong trào xã hội, từ thiện nên năm 1996 công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

“Nghề buôn, nước mắt, nụ cười
Nhớ lại đầu những năm 1990 nhận thức xã hội đối với doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân không phải như bây giờ. Nên năm 1997, Thủ tướng Chính phủ tổ chức cuộc tiếp xúc doanh nghiệp đầu tiên tại Đà Nẵng - mở đầu cho sự nhận thức và đánh giá lại doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân - tôi đã mạnh dạn phát biểu trước diễn đàn rằng: Giám đốc (vì lúc đó chưa gọi là doanh nhân) là người đứng đầu một doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển thì đất nước mới phát triển, nhưng hiện nay công luận, báo chí với những bài viết, những bức tranh biếm hoạ luôn chỉ trích, chê bai giám đốc. Họ coi giám đốc đồng nghĩa với ăn chơi trác đáng, tham ô, tham nhũng... nghĩa là mọi thứ xấu xa nhất trong xã hội đều đổ cho giám đốc, tại sao vậy? Sau đó có rất nhiều bài báo viết trích đăng bài phát biểu của tôi và nói rằng đó là một “tiếng kêu đúng và dũng cảm”.....


Tròn 9 năm làm giám đốc, buổi chia tay anh chị em Công ty Xuất nhập khẩu thật sự xúc động. Trong rất nhiều ý kiến phát biểu, nhiều bài hát chúc mừng, nhiều bài thơ do anh chị em sáng tác để tặng tôi, tuy không phải nhà thơ hay nhà văn, nhưng họ có một tình cảm sâu sắc hoá thành thơ. Trong rất nhiều bài, tôi nhớ có bài thơ của bác Trần Cao Vân, một cán bộ đã trải qua hai cuộc kháng chiến với nhan đề: Năm mới, sự nghiệp mới
Chín mùa xuân ấy - một quãng đời,
Buồn vui chất chứa những đầy vơi.
Gian lao vất vã bao nghiệt ngã,
Vẫn sáng niền tin, rạng nụ cười.
Mừng anh xuân đến trọn chín xuân,
Đất dày rễ chặt lá cành xanh.
Dân tình thuận ý tôn kế nghiệp,
Quân tử xin đừng phụ lòng dân.
Chúc anh năm mới rạng công danh,
Vì Đảng, vì dân trọn nghĩa tình.
Dày công vun đắp cao ý chí,
Trí - Đức tương đồng đủ hoá công.
 
Anh Trần Khắc Quýnh, quê ở Hà Tĩnh, một sĩ quan quân đội thời kháng chiến, chuyển ngành về công tác tại công ty vào những năm 80 cũng có bài thơ: Chín năm, ba ngàn ba trăm ngày
Chẳng thể nào nói hết,
Về những ngày đã qua.
Ngày chia tay tiễn biệt,
Nhớ nhung bao thiết tha.
Có thể nào nói hết,
Những con đường đã đi.
Tinh thần đầy trách nhiệm,
Thương trường như chiến trường.
Có bao giờ nói hết,
Nỗi lo lắng đầy vơi.
Tuổi trẻ và ước vọng,
Ngôi sao sáng trên trời.
Có bao đêm không ngủ,
Tính ngược rồi tính xuôi.
Tự tin ở chính mình,
Bạn bè và chiến sĩ.
Có ai vui bằng anh,
Tìm ra bài giải tốt.
Ba ngàn ba trăm ngày,
Đời đẹp bởi tình người.
Có bao giờ nói hết,
Nước mắt và nụ cười.
Tình yêu là tất cả,
Hát bài ca cuộc đời.
 
Giờ đây, đi qua bao nhiêu sóng gió đời người, trải nghiệm bao nhiêu buồn vui trong sự nghiệp, tôi nhận ra cuối cùng và còn lại vẫn là những ân tình mà người thân, bạn bè, đồng đội và người đời trao cho mình. Bởi thế “sự cố” năm 1996 có thể đã khiến tôi buồn một chút, tuy nhiên cùng với thời gian tôi nhận ra thử thách ấy không làm mình nhụt chí mà càng khiến mình nỗ lực hơn, là cơ hội để thể hiện được bản chất con người và năng lực chính mình.

[1], 2. Diễn văn trong buổi lễ Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nbsp nbsp

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn