17:54 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Bài viết của Lê Hữu Thăng » Suy ngẫm từ Zoffri

SUY NGẪM TỪ ZOFRI

Thứ ba - 10/01/2012 16:15
Những ngày ở Chilê chúng tôi thực sự bất ngờ khi đến thăm các khu thương mại tự do. Trên mênh mông sa mạc, những khu thương mại tự do như những tín hiệu về một nền kinh tế năng động. Khi lập ra các khu thương mại tự do, Chính phủ Chilê muốn tạo ra một sự đột phá cho các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ cho các vùng khó khăn của Chilê. Tuy khó khăn nhưng những khu thương mại tự do này lại có vị trí thuận lợi về địa lý với các quốc gia khác tại Nam Mỹ, có thể luân chuyển hàng hoá đến các nước trong khu vực như Brazil, Argentina, Peru, Bolivia, Paraguay và Uruguay, tạo cho Chilê thành quốc gia có vị thế đặc biệt tại Nam bán cầu. Ngay từ năm 1975, Chilê đã ban hành Luật (số 18.846) về hình thành Khu thương mại tự do Zofri. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc Zofri vừa kỷ niệm 32 năm ngày thành lập.
Đoàn cán bộ đi nghiên cứu Khu thương mại tự do Zofri - Chilê

Đoàn cán bộ đi nghiên cứu Khu thương mại tự do Zofri - Chilê

Ấn tượng Zofri
Giữa một vùng mênh mông hoang mạc phía bắc Chilê. Khu thương mại tự do Zofri, với những chính sách thông thoáng, luật lệ rõ ràng, đang trở thành một miền đất hứa của các nhà đầu tư. Từ khi có khu thương mại tự do, hạ tầng cơ sở được xây dựng, các công trình bắt đầu mọc lên với sân bay, cảng biển, đường bộ. Từ Zofri, hàng hóa nhập vào Chilê rồi tỏa đi muôn phương. Thật thú vị là tại đây chúng tôi được biết trong các mặt hàng nhập khẩu vào Khu thương mại tự do để luân chuyển đi các quốc gia Nam Mỹ, có một số mặt hàng của Việt Nam như giày dép các loại, hàng may mặc, thực phẩm đóng hộp, đồ thể thao và sản phẩm hàng công nghiệp.
Vì sao một khu thương mại tự do xa xôi, ở một miền đất không mấy thuận lợi về điều kiện tự nhiên và khí hậu lại thu hút các nhà đầu tư tìm đến? Câu hỏi ấy đã được giải đáp trong những cuộc tiếp xúc với các giới chức Chilê và những gì chúng tôi tận mắt nhìn thấy.
Tại tỉnh Iquique, đoàn đã làm việc với Công ty Zofri S.A là một công ty cổ phần, trong đó Chính phủ nắm 72% về vốn. Tổng Giám đốc Zofri S.A, ông Eugenio Cortes đã tiếp và trình bày với đoàn về các hoạt động hệ thống điều hành của Khu thương mại tự do. Và sau đó, trong buổi làm việc với Thống đốc tỉnh Iquique – bà Mirian Escoba Alaniz, trao đổi một số vấn đề về chính sách, các vấn đề liên quan đến công tác quản lý và điều hành tại Khu thương mại tự do và khu công nghiệp của Chilê, chúng tôi hiểu rằng chính phủ Chilê đã coi những khu thương mại tự do thực sự là “đột phá khẩu” trong kinh tế, thoát khỏi tình trạng “độc canh” khai thác... khoáng sản đồng. Cũng như các thí dụ thành công về “cá hồi và rượu vang”, các khu thương mại tự do góp phần tạo cho Chilê có nền kinh tế ổn định.
Trước hết, cũng như Việt Nam, việc xây dựng các khu thương mại tự do của Chilê đều tập trung ở các vùng biên giới, vùng kinh tế chậm phát triển, cùng với sự hình thành các khu thương mại tự do, nhà nước luôn có các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng. Sau 32 năm hình thành, ngày nay Zofri được coi là khu thương mại tự do lớn nhất và thành công nhất ở Nam Mỹ. Chỉ trên một diện tích 200 ha, Zofri dành 80 ha cho thương mại với 400 điểm bán hàng sỉ và lẻ, giá trị hàng hóa bán trong năm 2006 là 115 triệu USD. Diện tích dành cho các khu công nghiệp là 128 ha, có 500 kho dự trữ hàng hóa. Tại đây 1.600 công ty trong và ngoài nước hoạt động từ sản xuất đến kinh doanh thương mại, dịch vụ kho tàng, dịch vụ logistics.
Thật ra diện tích 200 ha không lớn, nhưng đây thực sự là một khu thương mại tự do đúng nghĩa bởi 200 ha này nằm trong vùng “hàng rào cứng”. Hàng hóa vào đây không bị một hạn chế nào, trừ hàng cấm. Tại đây chúng tôi nhìn thấy những bãi ô tô hàng ngàn chiếc của các nước mà không chịu bất cứ loại thuế gì. Ngoài phạm vi 200 ha (vòng 1) có một vùng đệm (vòng 2) chiếm khoảng 20 % diện tích của Chilê với khoảng 40 vạn dân sinh sống, dân trong “vùng đệm” này được hưởng chính sách ưu đãi như: chỉ chịu 1,1% thuế nhập khẩu, trong khi đó hàng hóa nếu nhập vào nội địa (vùng 3) phải chịu 25% thuế (gồm 6% thuế nhập khẩu và 19% VAT). Chính những hàng rào “cứng” và “mềm” này cho thấy sự năng động và linh hoạt trong chính sách dành cho khu thương mại tự do tại Chilê. Cũng ở đây, hàng các nước khác đưa vào lắp ráp, gia công đều được lấy xuất xứ (C/O) của nước đó. Đặc biệt hàng hóa các nước có thể nhập khẩu vào, thuê kho, ký gửi, chờ cơ hội bán hàng, chuyển đổi, hoàn thiện hoặc thương mại hóa mà không có sự hạn chế nào... Rất nhiều chính sách tích cực khác mà nếu “đối chứng” với một số khu thương mại tự do, khu kinh tế mở, khu kinh tế thương mại đặc biệt (gọi chung là khu kinh tế mở) của chúng ta sẽ còn nhiều vấn đề... Nhưng vấn đề lớn nhất là luật về khu thương mại tự do. Ở Chilê đã có luật về khu thương mại tự do cùng lúc với khu thương mại tự do đầu tiên ra đời. Ở ta, các khu kinh tế mở ra đời đã gần 10 năm nhưng vẫn chưa có luật, chính vì chưa có luật nên khi hướng dẫn thực hiện quyết định của Chính phủ, các bộ, ngành thường bị vướng bởi các ràng buộc của luật, và sợ trách nhiệm về công tác chống buôn lậu nên đã có những hạn chế nhất định.
Vì vậy điều cần nhất ở ta là phải sớm có Luật về khu thương mại tự do. Tuy nhiên không thể một sớm một chiều có ngay các luật về khu thương mại tự do được, bởi thế trước mắt đề nghị Chính phủ sớm có một nghị định về khu thương mại tự do và cho thí điểm một số chính sách “tự do thương mại” để phát triển.
Nhìn sự phát triển như vũ bão của vùng đất cực bắc Chilê từ khi có các khu thương mại tự do, nhìn những dãy núi ở Iquique trùm một màu cát bụi nhưng có tốc độ phát triển kinh tế với doanh số hàng tỷ USD mỗi năm, tôi lại nghĩ về các khu kinh tế mở ở nước ta...
 

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: khu thương, mại tự