10:48 ICT Thứ năm, 18/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện

Đón danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng ( vào đây)

Thứ hai - 21/12/2015 20:58
Đón danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng ( vào đây)

Đón danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng ( vào đây)

Ngày 20.12.2015 gia đình tổ chức đón danh hiệu BMVNAH cho bà nội chúng tôi - bà Bùi Thị Nẩm.  Tại buổi lễ , cháu đích tôn của bà Lê Hữu Thăng đọc bài truyền thống CM của gia đình và công lao đóng góp cho sự nghiệp CM của bà. Xin giới thiệu một số hình ảnh tại lễ đón và toàn văn bài diển văn truyền thống.
                                              

                                             \

                                            

                                           
                                                                                   Bà con, bạn bè, lãnh đạo địa phương và thắp hương tưởng nhớ bà

                                          
                                                                          Cháu đích tôn Lê Hữu Thăng phát biểu 

                                        
                                                         Ông Đào Duy Hợp, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, CTHĐND xã phát biểu

                                        
             Ông Nguyễn Hữu Dũng, UVTV tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh trao bằng BMVNAH của Chủ tịch nước truy tặng cho bà

                                       
                                            Nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung đọc câu đối của GS-Ts Lê Văn Tự chúc tặng cho bà:
                                                                                                   "Tri ân bà mẹ Anh hùng sinh thành ba người con trung hiếu, 
                                                                                                    Cảm tạ người cha nghĩa khí dưởng dục hai thế hệ hùng anh"
                                                                                                                   Bút pháp thể hiện - Hoàng Tấn Trung
                                                                                        


                                               Kính thưa hương hồn mệ ! 
        Kính thưa lãnh đạo Đảng, Chính quyền địa phương xã Hải thượng!
        Kính thưa quý vị khách quý!
        Kính thưa bà con nội ngoại, bạn bè thân thích và thông gia của đại gia đình chúng tôi!
        Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc  vĩ đại của dân tộc, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đã chịu bao sự hy sinh và mất mát, bà nội tôi là một trong những bà mẹ đã chịu nỗi đau tột cùng của sự đau thương & mất mát ấy. Hôm nay được nhà nước vinh danh BMVNAH cho bà nội của chúng tôi, nhân dịp này, cho phép tôi được ôn lại vài nét về truyền thống CM của gia đình và công lao của bà tôi trong sự nghiệp CM.
        Kính thưa quý vị !
·                                  Có lẻ, ba từ “bần cố nông”, dù trong từ điển tiếng Việt có nhưng lớp con cháu sau này không biết vì ít ai nhắc đến. Bần cố nông là lớp người nông dân nhưng không có ruộng đất, phải đi làm thuê, làm rẻ. Hoa lợi thu được phải chia đôi hoặc chia ba cho nhà có ruộng. Mỗi năm, đến mùa thu hoạch, gia đình bần cố nông không đủ thóc để nộp sưu thuế; Đàn ông từ 18 đến 60 tuổi còn phải nộp thuế thân nên cả cuộc đời, quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng không đủ sống. Vì tận cùng của nghèo khó, đói rách, nên từ đó những người nông dân thuộc lớp “bần cố nông” ấy sẳn lòng đi theo cách mạng, đi làm cách mạng để thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời. Gia đình nội tôi thuộc thành phần như vậy. 
         Bà nội tôi người làng Ba Khê, cũng thuộc gia đình bần cố nông, bà là người nghiêm khắc trong việc giữ gìn nền nếp gia phong, đặc biệt bà hết sức thành tâm thờ tự tổ tiên, ông bà. Bà hết mực thương con, thương cháu. Ông nội tôi kể lại, hai ông bà đã có đến năm người con rồi mà vẫn không một “tấc đất cắm dùi”, phải xin đất vườn của nhà thờ họ Lê Đại để làm nhà ở và đóng “tô” cho họ. Ngày ngày ông vác cuốc xách rựa đi dọc sông Nhùng tìm đất hai bên bờ sông để vỡ hoang, làm ruộng. Rời mảnh ruộng cằn lại lầm lũi lên rừng hái củi, xuống sông đánh bắt tôm cá, quần quật ngày này qua tháng nọ “lam lũ cù đày” đến vậy nhưng vẫn không có đồng xu dính túi, ông tôi phải đi “ở đợ” cho nhà giàu để có tiền mua thuốc chửa bệnh cho bà nội tôi. Không đủ ăn, Bác cả tôi – bác Lê Hồi cũng phải “bán” cho nhà giàu, nay gọi là “nô lệ” cho đến khi đi hỏi vợ rồi mà chưa hết hạn, phải trốn về để đi hỏi vợ. Bác kế tôi – bác Lê Chước cũng phải đi “ở đợ” cho một nhà giàu trong làng.  Ông nội tôi đã phải qua tận Lào và vùng đông bắc Thái Lan để kiếm kế sinh nhai. Hành trình mưu sinh qua hàng trăm cây số, không xe cộ, chỉ có bàn chân trần của người nông dân quê nghèo khao khát đi tìm một chân trời mới. Vượt đèo cao thung sâu, đối mặt cùng sốt rét, bệnh tật, thú dữ nơi rừng xanh để mơ ước đổiđời.
Đất lạ thuở sơ khai, chốn rừng thiêng nước độc, ông nội tôi trải mấy bận ốm đau thừa sống thiếu chết vì bị sốt rét ... không có thuốc chữa trị. Đi cúng giỗ bói toán, thầy bói phán rằng tổ tiên không muốn ông ly hương, bắt ốm đau để quay về quê nhà. Và thế ông tôi hồi hương..
      Suốt một đời lam lũ tảo tần, ông bà nội tôi mới mua được mảnh đất để lập vườn, nhưng cũng chỉ đủ sức mua lại mảnh đất, vùng thấp lũ, nằm heo hút giữa cánh đồng, cách đây hơn hai cây số. Không ai ngờ rằng chính nơi đây đã trở thành “trụ sở” buổi đầu của cách mạng ở quê tôi và suốt trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
       Cũng chính vì sự nghèo khổ đó nên ông bà tôi đã sớm giác ngộ cách mạng để đánh đuổi đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc, để đạt ước mơ đơn sơ “người cày có ruộng”. Cũng nhờ vào vị thế “bần cố nông” điển hình ấy mà nhà ông bà nội tôi dễ dàng trở thành nơi hội họp của cán bộ cách mạng, nhất là chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Cách mạng vừa thành công, quê tôi đã cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không chỉ nhờ “thành phần cơ bản” của gia đình, mà còn nhờ vào vị trí hẻo lánh giữa đồng xa nên nhà của ông bà nội tôi luôn là nơi ở, làm việc và hội họp như là một trụ sở của Việt Minh trong vùng. Đi qua chín năm kháng chiến, đến sau Hiệp định Giơnevơ, khi cả miền Nam chuẩn bị bước vào một cuộc kháng chiến mới thì nhà ông bà nội tôi vẫn là “trụ sở” của cách mạng, kể cả những năm cam go nhất. Chính nhờ công lao và sự đóng góp tận tụy cho cách mạng nên sau này ông nội tôi đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, bà nội tôi được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.
Hai người bác ruột tôi: bác Lê Hồi và bác Lê Chước tham gia dân quân ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào một ngày đầu tháng 8-1948, giặc Pháp kéo quân đi càn quét, bác Lê Chước là dân quân kháng chiến, bị giặc bắt ngay trong nhà nội tôi và đưa đi chôn sống. Nỗi đau trong gia đình chưa nguôi thì chỉ chưa đầy một tháng sau, tháng 9-1948, bác cả của tôi - bác Lê Hồi, trung đội trưởng dân quân cũng bị giặc Pháp bắt và cũng bị giặc chôn sống. Cả hai bác đều chịu một cái chết vô cùng thảm thương là bị địch chôn sống. Cả gia đình tôi ngỡ như không thể nào chịu đựng nỗi đau thương khôn xiết này. Bà nội tôi héo mòn vì thương con, sinh bệnh và mất sớm. Ông nội tôi phải chống chèo cả gia đình qua cơn sóng gió. Bác Lê Hồi hy sinh khi anh tôi là Lê Thịnh mới một tuổi. Anh lớn lên với bác dâu tôi, là bác Đào Thị Vui. Bác Vui cố lo cho anh Thịnh, đứa con duy nhất của bác ăn học. Anh vừa đi học vừa làm cơ sở cho cách mạng, bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Ngày ra tù , anh thoát ly tham gia cách mạng,  và hy sinh vào ngày 28 Tết Canh Tuất 1970,  bác được Nhà nước vinh danh BMVNAH trong đợt đầu tiên, nay bác đã 94 tuổi.
Hai người bác ruột tôi hy sinh, gia đình chỉ còn lại một mình bố tôi là con trai,   Năm 1954 ông đi tập kết ra miền Bắc.  
Hiệp định Pari được ký kết, hoà bình được lập lại năm 1973 ông  trở về công tác ở tỉnh nhà, được về hưu năm 1992 và mất năm 2004 - được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Hai người o (cô) của tôi. O Lê Thị Dự, chồng o bị bệnh mất sớm, o vừa nuôi 6 người con khôn lớn vừa nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, o được mạnh danh là  “ bà mẹ huyện đội Hải lăng ” và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
  Người con gái út của ông bà nội tôi là o Lê Thị Cước cũng là cơ sở cách mạng, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Nói về nỗi đau chiến tranh bom đạn, gây đau thương mất mát cho người dân lành trong chiến tranh thì nỗi đau với gia đình o tôi là nỗi đau tận cùng của nỗi đau chiến tranh. O Cước lấy chồng và sinh được 7 người con.
Người con trai đầu bị pháo địch bắn chết và dịp tết Mậu Thân 1968.  Năm 1972, sau khi quê hương đã được giải phóng, máy bay B52 của Mỹ ra ném bom, o tôi và 4 em bị chết trong hầm chữ A, tháng sau trên đường đi sơ tán, bị máy bay dội bom, thêm một em nữa bị trúng bom chết, dượng Trần Hữu Chi, chồng o bị thương nặng. Một gia đình 9 người mà có 7 mẹ con đã chết vì bom, vì pháo, người cha bị thương nặng – thật là oan nghiệt.  .
           Những năm tháng đen tối nhất, khi phong trào cách mạng bị thử thách cam go nhất, kẻ thù không từ một thủ đoạn gian ác nào để chống phá, tiêu diệt cán bộ. Nếu không may bị lộ thì gia đình phải chịu sự hành hạ, tra tấn và có thể bị bắn chết. Mối hiểm nguy luôn rình rập, thế mà suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ nhà tôi luôn là địa chỉ liên lạc, một cơ sở và là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng cho đến ngày thắng lợi.
Cũng có những lúc hiểm nguy cận kề như năm 1955, khi chiến dịch “tố cộng” của Mỹ - Diệm lan rộng khắp miền Nam, địch không từ một thủ đoạn nào để truy tìm và triệt hạ cán bộ cách mạng. Nhà tôi khi đó nuôi giấu ông Đào Tỷ, một cán bộ được Đảng cử ở lại hoạt động. Khi ông Tỷ đang ăn cơm trong nhà thì bị địch bất ngờ vây bắt. Nhờ mưu trí, ông Tỷ chạy thoát được. Ông nội tôi và bác Đào Thị Vui bị bắt, bà nội và mẹ tôi bị tra khảo, lúa gạo bị niêm phong, gia đình tan nát lần này là lần thứ hai.
             Ba tôi đi tập kết năm 1954, khi tôi chưa đầy 1 tuổi, mẹ tôi, mẹ - Bùi Thị Nga khi ấy cũng mới ở tuổi 22. Biết bao sự cám dỗ và đe dọa để buộc bà “ly khai” với cộng sản, nhưng mẹ tôi vẫn một mực “nuôi con chờ chồng”, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bà làm nhiều hầm bí mật và nuôi nhiều cán bộ cao cấp thời ấy như ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Thị uỷ Quảng Hà; ông Vĩnh Thành, Phó ty An ninh Quảng Trị… bà được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Năm 1968, anh Lê Thiềm và Lê Đẳng cán bộ đội biệt động thị Quảng Hà vào nhà tôi thì bị địch tập kích, anh Lê Thiềm hy sinh ngay trong nhà. Mẹ tôi bị bắt, cả nhà bị tra khảo, gia đình tôi tan nát lần ấy là lần thứ ba.
      Cuối năm 1969, cơ sở cách mạng xã Hải Thượng bị tan vỡ, hai mẹ con tôi và chị dâu tôi bị địch bắt giam. Ông nội tôi và bác dâu tôi ở nhà vẫn nuôi ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Thị ủy trong nhà. Cán bộ ta có người bị địch bắt, tra tấn, không chịu nổi đòn tra khảo tàn bạo, đã khai gia đình tôi có hầm bí mật. Địch bắt ông nội và bác Vui ra bên gốc cây rơm ở góc sân để tra tấn, nhưng ông và bác nhất quyết không khai. Ông Lương bấy giờ nấp trong hầm bí mật ở ngay trong cây rơm, nghe rõ mồn một từng trận đòn roi quất tan nát thịt da của địch tra tấn ông nội và bác tôi. Mãi sau ngày thống nhất nước nhà, ông Lương khi ấy làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên thường hay về thăm và lần nào cũng không nén nỗi xúc động. Ông Lương kể: “Tôi nghe rõ từng lời, nó đánh và hỏi: “Hầm bí mật nuôi Việt cộng ở đâu?”. Ông và chị Vui một mực trả lời: “Không có, Không biết”. Chúng thét: “Ngoan cố, ngoan cố, đánh để bắt nó khai ra!”. Chúng đánh suốt cả buổi nhưng ông và chị Vui vẫn không khai.  Không lần nào ông Lương về thăm, kể lại câu chuyện trên mà ông không khóc, vì ông tôi và bác dâu tôi đã nghiến răng chịu cực hình để ông Lương được sống... gia đình tôi bị tan nát lần ấy là lần thứ tư.
   Kính thưa quý vi!
              Cũng là cái chung của đất nước, của quê hương. Nhưng một gia đình có 3 liệt sĩ mà trong đó có hai người bị địch bắt và bị chôn sống trong vòng một tháng; Có hai thế hệ ( mẹ và con dâu) đều là bà mẹ Việt Nam anh hùng; Một gia đình mà bị tan nát bốn lần trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ( chưa kể biến cố 1972). Một gia đình mà tất cả những người sống trong miền nam đều phải nếm trải trong nhà tù Đế quốc và tất cả đều có huân chương kháng chiến là tương đối đặc biệt.   
             Truyền thống CM của gia đình đã hun đúc chúng tôi, là động lực thúc đẩy đến quá trình công tác, học tập của anh chị em và con cháu trong gia đình. Tố Hữu nói “ Khổ đau nhiều nên yêu thương lắm”, sự khổ đau đến tột cùng của gia đình trong những năm kháng chiến đã thấm sâu vào trong huyết quản mỗi một chúng tôi để rồi thương yêu nhau, đoàn kết với nhau và luôn phấn đấu cho hạnh phúc của mỗi gia đình nhỏ và cho ĐẠI GIA ĐÌNH, đó cũng là sự báo đáp với ông bà, tổ tiên của chúng tôi nơi chín suối.
             Xin kính cẩn nghiêng mình trước ân linh của mệ,
             Xin cám ơn lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã; cám ơn các anh chị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các cấp, các cơ quan của anh chị em chúng tôi đang công tác; Cám ơn bà con nội ngoại, thông gia;  Cám ơn bạn bè thân hữu của anh chị em chúng tôi đã về dự và chia vui với gia đình hôm nay .,.
 
 
 
                                    
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn