14:41 ICT Thứ ba, 23/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện

Ky niem ngay giai phong Mien nam

Thứ tư - 30/04/2014 15:38
Nhân kỷ niệm 39 năm ngày MN hoàn toàn giải phóng. Xin trích đăng HK của LHT về chiến dịch GPMN  .
 
 
 
Nhân kỷ niệm 39 năm ngày MN hoàn toàn giải phóng. Xin trích đăng HK của LHT về chiến dịch GPMN mà mình có tham gia.
 
Tình hình chiến trường miền Nam diễn biến rất khẩn trương, nhất là sau khi quân ta đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 10-3-1975, Bộ Chính trị kết luận: Thời cơ chiến lược 20 năm chống Mỹ cứu nước đã bước sang giai đoạn nhảy vọt và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam. Đêm 18 rạng ngày 19-3, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên khắp chiến trường Quảng Trị, địch tháo chạy vào Huế. Hồi 3 giờ sáng ngày 19-3, Tiểu đoàn 14 cắm lá cờ chiến thắng ở Thành cổ Quảng Trị và đến 18 giờ cùng ngày Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương phải tham gia truy kích địch, giải phóng tỉnh Thừa Thiên và tìm gặp dân để giải thích, vận động, tổ chức cho dân ra vùng giải phóng. Tôi nhớ hôm ấy, bọn thủy quân lục chiến của địch vẫn còn đang cố thủ tại nam sông Mỹ Chánh. Vì không biết địch còn bám giữ, anh Mầu, Trưởng ban An ninh thị xã Đông Hà cùng một số đồng chí từ ngoài vào chạy băng băng qua cầu Mỹ Chánh, bị địch bắn ra, anh Mầu hy sinh. Tối 23 tháng 3, chúng tôi cùng cánh quân phía Nam do đồng chí Nguyễn Minh Kỳ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Quảng Hà trực tiếp chỉ huy tập kết về xã Hải Tân (Hải Lăng), đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp giao nhiệm vụ. Cánh quân phía Nam gồm cán bộ của thị xã Quảng Hà, một số cán bộ huyện Hải Lăng và cán bộ của một số xã thuộc huyện Hải lăng, trong đó có tôi và anh Văn Ngọc Bồn (Hải Thượng). Đêm đó chúng tôi vượt sông Ô Lâu qua đất huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, tiếp tục thọc sâu vào địa bàn của tỉnh Thừa Thiên. Biết được, chiều hôm đó tuyến phòng thủ của địch ở Mỹ Chánh bị vỡ, Tiểu đoàn 8 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị cùng lực lượng vũ trang huyện Phong Điền tiến công quận lỵ Phong Điền ở Phò Trạch, sau đó tiến đánh giải phóng quận lỵ Hương Trà rồi tiến thẳng vào Huế - là đơn vị đầu tiên cắm cờ trên đỉnh Phu Văn Lâu lúc 10 giờ sáng ngày 25-3-1975, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã gửi lẵng hoa thưởng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8. Cùng ngày, Tiểu đoàn 14 của Tỉnh đội Quảng Trị vượt sông Ô Lâu đánh địch ở Phong Hòa, Phong Bình và truy kích địch xuống Sịa rồi tiến thẳng vào Bao Vinh, đến 5 giờ sáng ngày 25-3 đánh địch tại đồn Mang Cá 2 nội thành Huế. Trước đó, ngày 22-3, Tiểu đoàn 3 phát triển theo trục đường 68 đánh thẳng vào Thanh Hương sau đó phát triển vào Thuận An. Bị thất thủ địch rút chạy vào Đà Nẵng, một số tàn binh trở về trình diện với chính quyền cách mạng. Đúng 15 giờ chiều ngày 25-3-1975, chúng tôi có mặt tại cầu Trường Tiền. Đi ngang thấy lá cờ Mặt trận đã xuất hiện trên cột cờ Phu Văn Lâu nhưng thực tế vẫn còn tiếng súng địch cố thủ ở một số vị trí. Anh Nguyễn Minh Kỳ lấy chiếc Honda 67, anh Nguyễn Xuân Thành (Hựu) lái chở anh Kỳ chạy về hướng Thuận An. Trời chập choạng tối, tưởng là Quân giải phóng đang hành quân, nào ngờ quân địch đang tháo chạy về hướng Thuận An, may nhờ địch đang hoang mang, tranh nhau chạy thoát nên chẳng chú ý gì, không thì chưa biết số phận anh Kỳ, anh Thành hôm ấy ra sao.
Tối hôm đó, anh em chúng tôi về phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, chia nhau ở tại nhiều nhà dân. Một nửa thì canh gác, số còn lại tranh thủ ngủ. Dân quanh khu phố đến xem, trong số đó có thể có ngụy quyền, ngụy quân bỏ súng về nhà, nhưng cũng chẳng làm gì được vì sự sụp đổ của chúng đã đến hồi kết. Một số cháu thiếu niên đến nhìn chúng tôi, vừa ngơ ngác, vừa sợ sệt, vì địch tuyên truyền rằng “Việt cộng có đuôi”, “Việt cộng tàn ác” và “7 tên Việt cộng đeo cành đu đủ không gãy”(!). Nhưng nhìn các chú, chú nào cũng trắng trẻo (do ở dưới hầm bí mật mới lên), khi nghe các chú hỏi chuyện một cách vui vẻ, cởi mở, các cháu nói: “Thưa chú, cháu nghe nói Việt cộng gầy gò lắm, 7 người đeo cành đu đủ không gãy, ác lắm, sao mà mấy chú đẹp trai và vui vẻ thế ?”.
 Hôm sau, Ủy ban quân quản thành phố Huế được thiết lập, bộ đội tổ chức canh gác, chúng tôi qua lại cầu Mới (cầu Phú Xuân), cầu Tràng Tiền, bộ đội không cho đi, tôi về báo cáo anh Nguyễn Minh Kỳ, anh Kỳ lấy tờ giấy trắng ra viết tay mấy chữ giới thiệu và ký tên: Bí thư Thị ủy Quảng Hà Nguyễn Minh Kỳ. Không đánh máy, không có dấu, thế mà với tờ giấy giới thiệu ấy, chúng tôi đi lại bất kỳ nơi đâu trong thành phố một cách dễ dàng. Chuyện thật là hiếm, bởi ngày đó tất cả là ở lòng tin.

                                         
                                                                 Hn ngang tren TP Hue ( anh chup ngay 27.3.1975)
 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn