17:44 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Chính trị - xã hội

Dân chủ, trước hết là dân chủ trong Đảng, trong bầu cử ( vào đây)

Thứ năm - 29/10/2015 14:17
             
      

Ông Võ Viết Thanh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, vào thẳng ngay vấn đề khi góp ý kiến vào văn kiện trình đại hội Đảng.
 Tôi muốn trong văn kiện đại hội lần này phải nêu thật rõ ràng: thực hiện thể chế dân chủ trong Đảng một cách thực chất, từ đó tiến tới hoàn thiện hơn thể chế dân chủ, tự do trong xã hội. Nếu trong Đảng không có dân chủ, không tôn trọng tự do của đảng viên thì xã hội còn rất lâu mới có dân chủ. Đảng nhất định phải đi tiên phong trong vấn đề này.
Thể chế chính trị của chúng ta hiện nay từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành, trung ương đều có hệ thống Đảng và chính quyền song hành, mỗi cấp quản lý hàng ngàn, vạn, triệu dân.Thế nhưng, người dân lại chưa được quyền chọn lựa những cán bộ quản lý họ, chỉ một số người được biết và được bầu ở mỗi cấp. Đường lối cán bộ như vậy không còn phù hợp, khiến cho dân chủ bó hẹp trong một tổ chức, một nhóm người. Cứ tiếp tục như vậy, ngay những người tài đức trong Đảng cũng khó được phát huy, phát triển, số người tài ngoài Đảng ít có cơ hội.
Lâu nay cơ chế ấy đã sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền và sau khi có chức, quyền rồi thì sinh ra nạn tham nhũng mà các cấp lãnh đạo cao nhất đã phải gọi là “quốc nạn, nội xâm”, tức là không còn từ gì nặng hơn nữa nhưng bệnh lại vẫn không chữa được.Tôi cho rằng bầu cử từ cấp thấp đến cấp cao cần phải tổ chức thật dân chủ, tranh cử nhiều người, thực hiện phổ thông đầu phiếu. Chưa thể làm ngay tất cả thì cũng phải để ứng viên tranh cử, người dân bầu cử trực tiếp ở một cấp nào đó, quận huyện, tỉnh thành chẳng hạn. Và tổng bí thư thì đại hội trực tiếp bầu, thủ tướng được bầu tại Quốc hội...
Không cần nói nữa về những tiêu chuẩn “tài, tâm, đức” mà đã có hàng vạn, hàng triệu người dân đòi hỏi. Tôi muốn thêm vào một tiêu chuẩn: nên lựa chọn người có dũng khí, quyết đoán để trong lúc cần sự quyết liệt họ sẽ có được quyết định có lợi cho quốc gia, dân tộc. Và không nên chọn những người bảo thủ, giáo điều, nói nhiều làm ít, không dám đột phá. Những cán bộ như vậy không nên bầu, chức quyền của họ càng cao thì tác hại cho dân, cho nước sẽ càng nhiều.
Chỉ có thể nhận ra đúng “họ” trong một cuộc tranh cử thật sự dân chủ. Thể chế bầu cử của chúng ta chưa công nhận các hoạt động vận động bầu cử, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại, diễn ra ngấm ngầm và biến thành tiêu cực.Tôi ủng hộ vận động bầu cử công khai, minh bạch, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Các ứng cử viên trình bày, tranh luận, trả lời chất vấn trước đại hội và trước những ứng viên khác về những quan điểm của họ, tâm huyết của họ, những gì họ đã làm, sẽ làm, thể hiện những thành công họ đã đạt được, những sai lầm họ đã mắc phải...Cử tri sẽ nhận ra và hiểu được tâm, đức, tài của họ trong các cuộc tranh luận ấy, sẽ đánh giá được dũng khí của họ nếu họ dám thừa nhận sai và dám sửa...Cử tri cũng có quyền yêu cầu ứng viên công khai tài sản để kiểm soát. Lúc đó sẽ giảm được tối đa những kẻ cơ hội, bất tài lên làm lãnh đạo, giảm tối đa nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng...
Phải thay “Đảng cử Dân bầu” bằng “Dân bầu Đảng cử”. Trước nay, chúng ta tìm cán bộ trong đội ngũ, lấy quan điểm đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển. Hiện nay phải lấy lòng yêu nước làm động lực phát triển, tạo điều kiện để mọi người Việt Nam dù xuất thân từ đâu, có là đảng viên hay không, nếu có tài, có đức, được dân chúng lựa chọn, tín nhiệm bầu chọn đều có thể trở thành lãnh đạo, cầm quyền ở các cấp của hệ thống chính trị.
Trong lịch sử Đảng ta đã có nhiều sai lầm mà đều xuất phát từ nguyên nhân mất dân chủ, thiếu dân chủ, chỉ một số người biết, một số người quyết. Những bài học đó không bao giờ được quên...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nbsp nbsp

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn