CHILÊ XA MÀ GẦN

Chúng tôi đã có hai tuần (từ ngày 23-6 đến 6-7-2007) tham gia đoàn nghiên cứu các khu thương mại tự do ở Argentina và Chilê của liên bộ Thương mại - Tài chính - Văn phòng chính phủ. Sau những ngày công tác qua miền đất Nam Mỹ, đất nước Chilê đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ.
Tặng quà cho Thống đốc tỉnh Iquyque
Miền đất xa
Chilê, theo tiếng thổ dân bản địa Mapuche, nghĩa là “miền đất xa”.
Mà xa thật!
Từ Việt Nam, để bay đến Chilê chúng tôi phải qua một hành trình 25 giờ bay và 16 giờ chờ ở các sân bay với lộ trình: Việt Nam - Maylaysia - Nam Phi - Argentina - Chilê, vượt qua Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương mới đến được đất nước bên bờ Thái Bình Dương… Nhưng sau tất cả hành trình vất vả ấy, Chilê vẫn rất thân thuộc với chúng tôi khi tình cảm của Chilê và Việt Nam đã được vun xới từ rất lâu rồi.
Giữa những ngày khói lửa chiến tranh ở Việt Nam, tên tuổi của lãnh tụ Agienđê (Salvador Allende) đã rất thân thuộc. Khi còn ở cương vị Chủ tịch Thượng viện, ông đã đến thăm nước ta (năm 1969), mang theo sự ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tình đoàn kết quý báu của nhân dân Chilê từ bên kia bán cầu. Sau này, chính Agienđê lãnh đạo Liên minh đoàn kết nhân dân Chilê giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện cải cách ruộng đất và quốc hữu hóa các công ty tư bản nước ngoài. Ngay sau khi được nhân dân bầu lên làm tổng thống (năm 1970), Agienđê đã lập tức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1971. Hai năm sau, những cải cách xã hội quan trọng của Tổng thống Agienđê đã đụng chạm đến quá nhiều quyền lợi của các công ty độc quyền, các tư bản nước ngoài, chính vì thế tên độc tài Pinôchê với sự tiếp sức của các lực lượng thân Mỹ đã tiến hành đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ của Tổng thống Agienđê. Ông bị sát hại ngay tại dinh tổng thống (dinh Moneda), những người yêu nước Chilê bị đàn áp đẫm máu… Những ngày ấy, Việt Nam treo cờ rủ để tang Tổng thống Agienđê và bài bình luận trên báo Nhân dân: "S.Agienđê sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta"... Mối thâm tình ấy, sau hơn 30 năm vẫn vẹn nguyên trong chúng tôi khi đứng trước bức tượng của Allenđê dựng trước dinh Tổng thống Moneda, dáng vẻ kiên nghị, thân quấn lá cờ như thúc giục nhân dân Chilê cất bước tiến lên.
Chilê không chỉ gần gũi với chúng ta qua hình ảnh của Tổng thống Agienđê, còn có một thần tượng tranh đấu của thanh niên Chilê đã từng làm rung động bao trái tim tuổi trẻ Việt Nam thập niên 70-80 thế kỷ XX  với những bài ca tranh đấu bất tử. Bài hát “Cây đàn guitar" đã từng vang lên với tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ như một đồng cảm vang vọng qua trùng dương ủng hộ cuộc đấu tranh của Chilê với cường quyền bạo tàn.
Và không chỉ gần gũi trong tâm thức, Chilê cũng là mảnh đất tương đồng với Việt Nam, tuy hai nước ở cách nhau đúng nửa vòng trái đất. Đất nước Chilể cũng hẹp và dài, tựa lưng vào dãy núi Andes, hướng mặt ra Thái Bình Dương ở Nam bán cầu, thì Việt Nam cũng là dải đất tựa lưng vào dãy Trường Sơn, cũng hẹp và dài hướng mặt ra Thái Bình Dương ở Bắc bán cầu. Không chỉ có thế, Chilê là một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ nhờ vào những chính sách kinh tế năng động. Sự thành công của các khu thương mại tự do ở đây là một trong những mục đích tìm hiểu của đoàn nghiên cứu chúng tôi.
Chilê - những ấn tượng thú vị
Với diện tích gấp đôi Việt Nam (756.945 km2), dân số 15,9 triệu người trải dài theo bờ tây Thái Bình Dương với gần 5.000 km bờ biển, Chilê hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, nhưng cũng có những khó khăn tương đồng như Việt Nam.
Chilê giàu tài nguyên khoáng sản như đồng, sắt, than... Là nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới (chiếm 40% trữ lượng đồng của thế giới, mỗi năm bán ra 5,5 triệu tấn đồng, khoảng 30% lượng đồng bán ra của thế giới, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của nước này). Có những điều Chilê phải học tập từ nước ngoài nhưng nay đang vươn lên, qua mặt các quốc gia mình đã “học hỏi”. Ví như nghề nuôi cá hồi, Chilê đã học từ Na Uy, nay hằng năm xuất khẩu cá hồi của Chilê đã vượt Na Uy. Chilê cũng là nước đứng đầu thế giới về sản xuất bột cá (sản phẩm thức ăn cho gia súc, nuôi trồng thủy hải sản).
Rượu vang Chilê nay cũng nổi tiếng hơn cả vang Pháp, trong khi Pháp vốn là quê hương của rượu vang. Với đất đai mầu mỡ, khí hậu thuận lợi cho việc trồng nho, mỗi hecta nho của Chilê chăm sóc mất 2.000 USD trong khi đó chi phí tương tự ở Pháp là 12.000 USD, nhờ vậy kim ngạch xuất khẩu rượu vang của Chilê đạt 1,2 tỷ USD/năm… Điều lạ kỳ là đất nước sản xuất rượu nhiều như thế nhưng ít thấy người dân Chilê say rượu! Với tổng GDP năm 2006 lên đến 149 tỷ USD, bình quân đạt gần 10.000 USD/người/năm (5 năm trước bình quân GDP của Chilê mới đạt 5.000 USD/người). Giàu có như vậy nhưng trên đường phố thủ đô Santiago của Chilê chúng tôi ít thấy bóng dáng những chiếc xe hơi sang trọng của các nhãn hiệu như Lexus, Mercedes, Toyota... (trong khi ở Việt Nam những chiếc xe sang như vậy không ít dù thu nhập của ta ít hơn họ gần 20 lần). Có những đường phố trồng đầy cam chín vàng mọng nhưng không ai hái, những cây cam để làm đẹp cho phố xá. Ngay kiến trúc ở đây cũng vậy, thiên nhiên luôn được tôn trọng và dung hòa, các hàng rào nhà riêng giữa Thủ đô Santiago đều được trồng bằng cây xanh ngăn cách (như giậu chè tàu ở ta), còn chúng ta thì… tường rào nào cũng bằng sắt và bê tông, bê tông cho đến tận các ngõ làng nông thôn!
Nhiều câu chuyện chứng kiến trong chuyến đi đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng thú vị như khi đoàn tặng quà cho các quan chức, hầu như ai cũng khéo léo và tế nhị xin xem quà tại chỗ. Thống đốc tỉnh Iquique – bà Mirian Escoba Alaniz khi nhận quà tặng từ đoàn Việt Nam cũng vậy, bà xin được xem món quà (thực ra là để công khai giá trị món quà). ”Văn hóa quà tặng” của Chilê xem ra cũng là điều nên học. Đại sứ Việt Nam tại Chilê kể rằng khi đi cắt tóc (cắt tóc ở Chilê rất đắt, khoảng 18 USD) ông không lấy hóa đơn, thấy vậy ông thợ cắt tóc chạy theo “năn nỉ”: Ngài làm ơn cầm giúp tôi hóa đơn, nếu không, lỡ có ai hỏi thì tôi mất toi việc làm.
Và không thể không nhắc tới câu khẩu hiệu kêu gọi người dân nộp thuế mà chúng tôi đã gặp ở Chilê. Nếu khẩu hiệu ở Việt Nam mà ngành thuế thường kẻ rất to ở khắp nơi: “Nộp thuế là nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm…”, thì ở Chilê khẩu hiệu của họ rất thiết thực: “Thuế là trường học của bạn”, “Thuế là bệnh viện của bạn”, “Thuế là đường giao thông của bạn”… Chỉ riêng ý thức đóng thuế của người dân đã đủ nói lên câu chuyện phát triển của Chilê.
Nhưng không chỉ có ngần ấy, những kinh nghiệm phát triển của Chilê trong việc xây dựng và phát triển các khu thương mại tự do còn hấp dẫn chúng tôi nhiều hơn trong chuyến đi này.
 

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng