Bình luận hồi ký "Chuyện kể về một thời" của ông Lê Văn Tự(vào đây)

Hồi ký là viết về mình theo hồi ức qua năm tháng. Với cương vị công tác lãnh đạo chủ chốt từ Làng, Xã lên Huyện, Tỉnh nên chuyện đời của Lê Hữu Thăng cũng không tách rời với những địa bàn ông quản lý, hoạt động. Bởi thế, nên có đoạn mang nội dung địa chí, sử ký của địa phương từ thuở hồng hoang, thời mà các bậc tiền nhân từ Bắc vào Nam mở mang bờ cõi. Điều này không những không làm loãng nội dung hồi ký mà trái lại càng nâng cao ý nghĩa của " Chuyện Kể Về Một Thời ", nhất là đối với các hậu duệ sau này, nhờ đó mà tránh được sự thất truyền về cội nguồn .
 

"Chuyện Kể Về Một Thời" của Lê Hữu Thăng, qua từng trang viết chứa chan tình cảm sâu đậm với quê hương, đầy ắp tình người, tình đời với đồng bào, đồng chí, đồng đội, với người đang sống, với người đã khuất .
Đọc hết tập hồi ký, gấp sách lại, cảm nhận đầu tiên của tôi là lâng lâng một niềm vui khôn xiết, đồng thời cũng rất đau đáu với nỗi niềm thương nhớ rất sâu lắng về biết bao đồng bào, đồng chí, đồng đội, người thân ruột thịt của mình đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ trong cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt, tàn khóc nhất trong lịch sử nhân loại vào nửa thế kỉ 20.
"Chuyện Kể Về Một Thời" từ chương I với tiêu đề "Quê hương mỗi người chỉ một" đến chương cuối "Hạnh phúc chung riêng" với nội dung người thật việc thật, với lời kể rất chân tình nên cuốn hút người đọc.
       Hồi ký của Lê Hữu Thăng toát lên một tấm lòng nhân hậu, nhân văn, một nhân cách, một lẽ sống ...
Để nói lên phần nào cuộc đời tươi đẹp như Trăng trung thu của anh chị, trong câu đối mà tôi đã kính tặng anh khi được đọc bản thảo, tôi chốt lại 7 chữ cuối mỗi vế đối :
.......Chí thép gan vàng vì Tổ quốc
.......Lòng son dạ sắt với quê hương .
Đầu Xuân Nhâm Thìn (2012), được đọc bản chính, mái ấm nhỏ gia đình tôi rất vui, Tận đáy lòng, tôi xin chúc mừng anh chị, chia vui cùng anh chị và các cháu. Mặc dầu anh đã kể rất đậm về chị ở chương cuối, vậy mà lời chúc của tôi, tôi vẫn ghi lại chị đã kề sát anh, bởi sau mỗi thành công của bất cứ đức ông nào, công lao của vợ hiền cũng tương xứng .

 TP HCM, Xuân Nhâm Thìn - 2012
GS.TS Lê Văn Tự