TRANG GIA PHẢ THẮM MÁU ĐÀO

Bần cố nông                       
Trong bản lý lịch của những người theo cách mạng, hẳn có nhiều người khai thành phần gia đình bằng ba từ: “bần cố nông”. Bởi “bần cố nông” là tận cùng của nghèo khó, đói rách nên từ đó những người dân “bần cố nông” ấy biết đi theo cách mạng, đi làm cách mạng để thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời. Cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, thành phần bần cố nông nay đã không còn và ít ai nhắc đến nữa nên thế hệ mai sau sẽ rất khó biết, nhưng chắc chắn trong từ điển tiếng Việt không thể thiếu từ này.
Bần cố nông là lớp người nông dân nhưng không có ruộng đất. Ruộng đất ngoài phần bị thực dân phong kiến chiếm đoạt, số còn lại chủ yếu là ruộng công. Về danh nghĩa, đàn ông từ 18 tuổi đến 60 tuổi được cấp một suất ruộng có đóng thuế, nhưng trên thực tế phần đông nông dân không có ruộng, hoặc có rất ít ruộng, phải đi thuê hoặc làm “rẽ”, hoa lợi thu được phải chia đôi hoặc chia ba cho nhà có ruộng (nhà có ruộng lấy hai phần, phần còn lại bần cố nông được hưởng). Mỗi năm, đến mùa thu hoạch, gia đình bần cố nông không đủ thóc để nộp sưu thuế, đàn ông từ 18 đến 60 tuổi còn phải nộp thuế thân nên cả cuộc đời, quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm sống.
Gia đình nội tôi thuộc thành phần như vậy. Ông nội tôi là Lê Văn Lần, cưới bà nội tôi là bà Bùi Thị Nẫm, kể từ đời ông nội, nhà tôi đã là một gia đình “bần cố nông” điển hình của làng An Thái.
Ông nội tôi kể lại: Khi ông đã lấy vợ, có đến năm người con rồi mà vẫn không một “tấc đất cắm dùi”, phải xin đất vườn của nhà thờ họ Lê Đại để làm nhà ở và đóng “tô” cho họ. Ngày ngày ông vác cuốc xách rựa đi dọc sông Nhùng tìm đất hai bên bờ sông để vỡ hoang, tháo nước vào để làm ruộng, gọi là ruộng “ché”. Vừa rời dảnh lúa trên mảnh ruộng cằn lại lầm lũi lên rừng hái củi, xuống sông đánh bắt tôm cá, quần quật ngày này qua tháng nọ “lam lũ cù đày” đến vậy nhưng vẫn không thể nào lo cho gia đình đủ ăn. “Đói đầu gối phải bò”, ông nội tôi đã phải qua tận Lào và vùng đông bắc Thái Lan để kiếm kế sinh nhai. Hành trình mưu sinh qua hàng trăm cây số, không xe cộ, chỉ có bàn chân trần của người nông dân quê nghèo khao khát đi tìm một chân trời. Vượt đèo cao thung sâu, đối mặt cùng sốt rét, bệnh tật, thú dữ rừng xanh để mơ ước đổi đời. Những ngỡ trải bao nhọc nhằn như vậy, cuộc sống chốn đất khách quê người sẽ khấm khá hơn, nhưng rồi, cuộc đời cũng như câu ca dao xưa ông bà để lại:
Cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Cụ Lê Văn Lần - ông nội của tác giả (1898 - 1981)
Đất lạ thuở sơ khai, chốn rừng thiêng nước độc, ông nội tôi trải mấy bận ốm đau thừa sống thiếu chết vì bị sốt rét, thương hàn... không có thuốc chữa trị. Đi cúng giỗ bói toán, thầy bói phán rằng tổ tiên không muốn ông ly hương, bắt ốm đau để quay về quê nhà. Và thế ông tôi hồi hương.
Ông tôi là người quắc thước, dù không biết chữ nhưng có tư chất thông minh, ông nhớ vanh vách từ việc lớn đến việc nhỏ. Sau này ông làm trưởng tộc Lê Đại nhiều năm và rất có uy tín với dòng họ. Ông lo toan việc họ như việc nhà, con cháu trong họ ai gặp hoạn nạn ông hết mực quan tâm, ai làm được ngôi nhà mới ông thật sự vui mừng và tìm đến thăm nom.
Bà nội tôi người làng Ba Khê, cũng thuộc gia đình bần cố nông, bà là người nghiêm khắc trong việc giữ gìn nền nếp gia phong, đặc biệt bà hết sức thành tâm thờ tự tổ tiên, ông bà. Con cháu trong nhà không được nói đụng đến tên “húy” của tổ tiên, ông bà và người nhà đã khuất, cho nên phải nói lệch một tý như: Vui thì phải gọi là “Bui”, Sĩ thì phải gọi là “Sỡi”, Chuột thì phải gọi là “Thiêng” (con chuột, con thiêng)..., người còn nhỏ tuổi trong nhà đã mất thì gọi là “Đời Sơ”, không bao giờ gọi tên. Con cháu trong nhà mà nói đụng đến tên “húy” thì bị mắng ngay, có khi còn bị đánh ngay lập tức. Bà hết mực thương con thương cháu. Bà giữ anh em tôi như giữ trứng, tôi lên 6 tuổi mà bà vẫn chưa cho đi học vì sợ xe cộ gây tai nạn, nhà gần bên bờ sông mà bà vẫn không cho đi tập bơi...
Suốt một đời lam lũ tảo tần, ông bà nội tôi mới mua được mảnh đất để lập vườn, nhưng cũng chỉ đủ sức mua lại mảnh đất, vùng thấp lũ, nằm heo hút giữa cánh đồng, cách làng khoảng hai cây số ở Nương Trình. Không ai ngờ rằng chính nơi đây đã trở thành “trụ sở” buổi đầu của cách mạng ở quê tôi và suốt trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Máu hồng trên từng trang gia phả
Cũng chính vì sự nghèo khổ đó nên ông bà tôi đã sớm giác ngộ cách mạng để đánh đuổi đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc, để đạt ước mơ đơn sơ “người cày có ruộng”. Cũng nhờ vào vị thế “bần cố nông” điển hình ấy mà nhà ông bà nội tôi dễ dàng trở thành nơi hội họp của cán bộ cách mạng, nhất là chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Cách mạng vừa thành công, quê tôi đã cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không chỉ nhờ “thành phần cơ bản” của gia đình, mà còn nhờ vào vị trí hẻo lánh giữa đồng xa nên nhà của ông bà nội tôi luôn là nơi ở, làm việc và hội họp như là một trụ sở của Việt Minh trong vùng. Đi qua chín năm kháng chiến, đến sau Hiệp định Giơnevơ, khi cả miền Nam chuẩn bị bước vào một cuộc kháng chiến mới thì nhà ông bà nội tôi vẫn là “trụ sở” của cách mạng, kể cả những năm cam go nhất. Chính nhờ công lao và sự đóng góp tận tụy cho cách mạng nên sau này ông nội tôi đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, bà nội tôi được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.
Hai người bác ruột tôi: bác Lê Hồi và bác Lê Chước tham gia dân quân ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào một ngày đầu tháng 8-1948, giặc Pháp đóng quân ở bốt Qua Lồ (xã Hải Quy) kéo quân càn quét, bác Lê Chước là dân quân kháng chiến, bị quân Pháp vây hãm trong nhà ông bà nội tôi và bị bắt, giặc đem qua động cát gần bốt chôn sống. Bác đã có vợ, là bà Bùi Thị Quán, nhưng chưa có con. Nỗi đau trong gia đình chưa nguôi thì chỉ chưa đầy một tháng sau, tháng 9-1948, bác cả của tôi - bác Lê Hồi, trung đội trưởng dân quân cũng bị giặc Pháp ở bốt Qua Lồ qua càn quét, bắt được và cũng đưa đi chôn sống. Cả hai bác đều chịu một cái chết vô cùng thảm thương là bị địch chôn sống. Khi biết được địa điểm chôn, ông nội tôi và một số ít bà con liều mình tìm đến đào bác tôi lên, dù thân hình còn nóng nhưng tim đã ngừng đập. Cả gia đình tôi ngỡ như không thể nào chịu đựng nỗi đau thương khôn xiết này. Bà nội tôi héo mòn vì thương con, sinh bệnh và mất sớm. Ông nội tôi phải chống chèo cả gia đình qua cơn sóng gió. Bác Lê Hồi hy sinh khi anh tôi là Lê Thịnh mới một tuổi. Anh lớn lên với bác dâu tôi, là bác Đào Thị Vui. Bác Vui cố lo cho anh Thịnh đi học. Anh vừa học vừa làm cơ sở cho cách mạng, bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Ngày ra tù trở về nhà, anh chỉ ngủ lại nhà đúng một đêm, tối hôm sau thoát ly tham gia cách mạng, làm Trưởng ban Kinh tế xã và hy sinh Tết Canh Tuất 1970.
Hai người bác ruột tôi hy sinh, gia đình chỉ còn lại một mình bố tôi là con trai, ông có tên thường gọi là Lê Châm. Dù nghèo khổ, cơ cực nhưng ông bà nội tôi vẫn cố gắng cho bố tôi sống và trọ học tại làng Trí Bưu, thuộc xã Hải Trí, nay là phường II, thị xã Quảng Trị để tránh sự bắt bớ và giết hại của giặc. Cho đến ngày đi tập kết ra miền Bắc (1954) ông đặt tên mới là Lê Quang Thành. Ông công tác ở Đài truyền thanh đặc khu Vĩnh Linh, suốt cả thời kỳ dài làm việc dọc giới tuyến 17 cho đến năm 1966 được cử ra công tác tại Đài thu tín Trung ương, đóng tại huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, nay thuộc địa phận Hà Nội.
Hiệp định Pari được ký kết, hoà bình vừa lập lại, năm 1973 ông vội vã tìm về quê nhà. Thế là sau 19 năm kể từ ngày lọt lòng mẹ, đã bao năm khát khao được gọi tiếng “ba”, lần đầu tiên với một cảm xúc khó tả, với một tiếng gọi dù rất quen nhưng tôi vô cùng ngượng nghịu bởi chưa một lần trong đời được gọi, đó là: “ba”. Ông trở về công tác ở tỉnh nhà năm 1974, được về hưu năm 1992 và mất năm 2003 - được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Hai người o (cô) của tôi là o Lê Thị Dự, lấy dượng Nguyễn Tác người làng Đại Nại, cũng gia đình nghèo khổ. Dượng bị bệnh mất sớm, o vừa nuôi 6 người con khôn lớn vừa nuôi dưỡng cán bộ cách mạng và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Được ảnh hưởng từ gia đình bên ngoại và mẹ, các anh chị đã sớm tham gia cách mạng hoặc làm cơ sở cho cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh Nguyễn Xuân Thủy (Hiếu) con trai cả của o Dự, người nổi tiếng gan dạ, dũng cảm, mưu trí trong đánh giặc, giữ cương vị Huyện đội phó Huyện đội Hải Lăng vào những năm 1969-1970. Con o còn có chị Nguyễn Thị Hiền tham gia cách mạng từ rất sớm, khi giải phóng năm 1972, không biết một chữ bẻ đôi, nhưng đã chăm lo đi học văn hóa, học chính trị, chịu khó rèn luyện và đã trưởng thành là Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hải Lăng từ 1995 đến 2009. Người con gái út của ông bà nội tôi là o Lê Thị Cước cũng là cơ sở cách mạng, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, lấy chồng là dượng Trần Hữu Chi, người làng Trà Trì (xã Hải Xuân - Hải Lăng). Chắc vì gia đình nội tôi lúc đó quá đau khổ bởi sự hy sinh của các bác ruột tôi nên các o tôi sau khi lấy chồng đều làm nhà ở cạnh nhà ông bà nội tôi để ông bà khuây khỏa phần nào. Từ khi lớn lên trong ngôi nhà nhỏ của mình ở Nương Trình heo hút ấy, tôi thấy trong gia đình lớn của tôi, mọi người đều yêu thương, đùm bọc và quý mến nhau. Một tình thân giữa đàn con cháu nội ngoại của ông bà tôi thật là hiếm có.
Tôi muốn kể thêm về gia đình o Lê Thị Cước - con gái út của ông bà nội tôi. Nếu trên đời có hai chữ gọi là số phận thì có lẽ số phận của gia đình o Cước đạt tới tận cùng đau khổ. Nếu nói về nỗi đau chiến tranh bom đạn, gây đau thương mất mát cho người dân lành trong chiến tranh thì nỗi đau bom đạn với gia đình o cũng là điển hình hiếm có. O Cước lấy chồng và sinh được 7 người con.
Người con trai đầu là Trần Hữu Lượng cùng tuổi với tôi (sinh 1954), không may bị pháo địch bắn chết một cách oan uổng vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Chiến tranh quá ác liệt nên năm 1970 cả gia đình o về sống tại quê chồng ở xã Hải Xuân. Năm 1972, máy bay B52 của Mỹ ném bom, trúng căn hầm cả gia đình o đang trú ẩn, o tôi và 4 em bị chết trong hầm chữ A, tháng sau trên đường đi sơ tán ra vùng giải phóng, bị máy bay dội bom, thêm một em nữa bị trúng bom chết, dượng Trần Hữu Chi, chồng o bị thương nặng. Một gia đình 9 người mà có 7 mẹ con đã chết vì bom, vì pháo, người cha bị thương nặng, nay gia đình o tôi chỉ còn duy nhất em Trần Hữu Trung sống tại quê nhà. Nếu nói về sự tàn khốc của chiến tranh, có lẽ chỉ cần nhắc đến 7 cái chết của gia đình o là đủ hình dung được tất cả nỗi đau bom đạn của người dân Quảng Trị.
Tôi là người làng An Thái, nhưng nhà tôi ở Nương Trình nên gần với quê ngoại hơn, đấy là làng Ba Khê. Ông bà ngoại tôi cũng thuộc gia bình bần cố nông, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, gia đình ngoại tôi là cơ sở cách mạng, kháng chiến chống Mỹ là gia đình “thân cộng” nổi tiếng nhất làng Ba Khê bởi có cậu ruột tôi là Bùi Từ (tức Thu Lan) - một chiến sĩ cách mạng quả cảm mà địch tìm mọi cách để hạ sát. Mặc dù gia đình ngoại tôi rất khổ cực nhưng vẫn cố gắng cho cậu Bùi Từ đi học đến bằng đíplôm (tương đương cấp trung học cơ sở bây giờ, nhưng thời điểm ấy, đấy là một bằng cấp không nhiều người có được) rồi cậu thoát ly tham gia cách mạng từ rất sớm, vào năm 1963. Dì tôi, Bùi Thị Sót (tức Lý) cũng thoát ly tham gia cách mạng và đã hy sinh năm 1968. Thời đó, cậu Bùi Từ là Trưởng ban An ninh thị xã Quảng Hà, hoạt động rất nổi tiếng nên ông bà ngoại và mợ tôi đều bị địch hành hạ, tra khảo, bắt bớ, tù đày không kể xiết. Ông ngoại tôi là Bùi Huấn bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), bị đánh đập dã man và đã chết trong nhà lao. Bà ngoại tôi, bà Nguyễn Thị Điểu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã chịu bao khổ cực. Tết Mậu Thân năm 1968 bị giặc đốt nhà, không có chỗ để ở, gia đình ly tán, con dâu bà ngoại tôi, tức mợ Trần Thị Nghiêu - vợ của cậu Bùi Từ bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Trị. Một mình bà chăm lo cho mấy đứa cháu giữa bom đạn chiến tranh, địch lùng sục bắt bớ, đốt nhà, bà ngoại tôi phải bồng cháu nội là em Bùi Phương - con của cậu Bùi Từ - qua ở với nhà ông nội tôi, còn em Bùi Thị Sen (chị của Phương) thì lên ở với bên ngoại, từ đó nhà ngoại nuôi em khôn lớn.
Mẹ tôi kể lại, vì là cháu ngoại đầu lòng nên tôi rất được ông bà ngoại cưng chiều. Lớn lên, tôi cũng được ảnh hưởng bởi nhiều người bên ngoại. Người ảnh hưởng nhiều nhất đến tuổi thơ của tôi là cậu Bùi Từ. Khi còn đi học, cậu mở lớp dạy thêm, dạy cho tôi học văn hoá. Sau này, khi thoát ly tham gia cách mạng cậu thường xuyên về ở nhà tôi để hoạt động. Mẹ tôi đã đào nhiều hầm bí mật để nuôi cậu. Trong mắt tôi thuở ấy cậu Bùi Từ như một thần tượng của riêng mình, cậu là người rất thông minh, nhanh nhẹn, dũng cảm và rất có uy tín. Cậu hy sinh là một mất mát lớn đối với tôi nên sau này tôi đã cố làm nhiều việc để tri ân và đáp đền vong linh của cậu.
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...”
Ba tôi đi tập kết năm 1954, khi tôi chưa đầy 1 tuổi, mẹ tôi, mẹ Bùi Thị Nga khi ấy cũng mới ở tuổi 22. Biết bao sự cám dỗ và đe dọa để buộc bà “ly khai” với cộng sản, nhưng mẹ tôi vẫn một mực “nuôi con chờ chồng”, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bà làm nhiều hầm bí mật và nuôi nhiều cán bộ cao cấp thời ấy như ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Thị uỷ Quảng Hà; ông Vĩnh Thành, Phó ty An ninh Quảng Trị… Về sau bà còn hoạt động cách mạng và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Những năm tháng đen tối nhất, khi phong trào cách mạng bị thử thách cam go nhất, kẻ thù không từ một thủ đoạn gian ác nào để chống phá, tiêu diệt cán bộ. Nếu không may bị lộ thì gia đình phải chịu sự hành hạ, tra tấn và có thể bị bắn chết. Mối hiểm nguy luôn rình rập, thế mà suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ nhà tôi luôn là địa chỉ liên lạc, một cơ sở và là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng cho đến ngày thắng lợi.
Cũng có những lúc hiểm nguy cận kề như năm 1955, khi chiến dịch “tố cộng” của Mỹ - Diệm lan rộng khắp miền Nam, địch không từ một thủ đoạn nào để truy tìm và triệt hạ cán bộ cách mạng. Nhà tôi khi đó nuôi giấu ông Đào Tỷ, một cán bộ được Đảng cử ở lại hoạt động. Khi ông Tỷ đang ăn cơm trong nhà thì bị địch bất ngờ vây bắt. Nhờ mưu trí, ông Tỷ chạy thoát được. Ông nội tôi và bác Đào Thị Vui bị bắt, bà nội và mẹ tôi bị tra khảo, lúa gạo bị niêm phong, gia đình tan tác lần thứ hai.
Năm 1968, anh Lê Thiềm và Lê Đẳng cán bộ đội biệt động thị Quảng Hà đến nhà bị địch tập kích, anh Lê Thiềm hy sinh ngay trong nhà. Mẹ tôi bị bắt, cả nhà bị tra khảo, gia đình tôi tan tác lần thứ ba. Cuối năm 1969, cơ sở cách mạng xã Hải Thượng bị tan vỡ, hai mẹ con tôi và chị Đào Thị Lơi - chị dâu (vợ anh Thịnh) bị địch bắt giam. Ông nội tôi và bác dâu tôi ở nhà vẫn nuôi ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Thị ủy trong nhà. Ông Lê Quang Đ., Bí thư xã Hải Quy bị địch bắt, tra tấn, không chịu nổi đòn tra khảo tàn bạo, ông Đ. đã khai gia đình tôi có hầm bí mật. Địch bắt ông nội và bác Vui ra bên gốc cây rơm ở góc sân để tra tấn, nhưng ông và bác nhất quyết không khai. Ông Lương bấy giờ nấp trong hầm bí mật ở ngay trong cây rơm, nghe rõ mồn một từng trận đòn roi quất tan nát thịt da của địch tra tấn ông nội và bác tôi. Mãi sau ngày thống nhất nước nhà, ông Lương khi ấy làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên thường hay về thăm và lần nào cũng không nén nỗi xúc động. Ông Lương kể: “Tôi nghe rõ từng lời, nó đánh và hỏi: “Hầm bí mật nuôi Việt cộng ở đâu?”. Ông và chị Vui một mực trả lời: “Không có, Không biết”. Chúng thét: “Ngoan cố, ngoan cố, đánh để bắt nó khai ra!”. Chúng đánh suốt cả buổi nhưng ông và chị Vui vẫn không khai. Chúng đòi bắn, ông nói: “Bắn chết thì tôi cũng chịu, chứ không có lấy chi mà khai! Chúng đòi bẻ răng ông thì ông nói: “Neng (răng) tôi để tôi ăn”. Không lần nào ông Lương về thăm, kể lại câu chuyện trên mà ông không khóc, vì ông tôi và bác dâu tôi đã nghiến răng chịu cực hình để ông Lương được sống... gia đình tôi bị tan tác lần thứ tư.
  
  
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Vui và thân mẫu tác giả
Sự chung thủy và tấm lòng đôn hậu của bác Vui và mẹ tôi đã ảnh hưởng tới tôi rất nhiều. Bác dâu tôi thì “thờ chồng nuôi con”, mẹ tôi thì “nuôi con chờ chồng”. Hai bà mẹ cùng sống trong một ngôi nhà với ông nội tôi, hai chị em dâu nhưng thương nhau, đùm bọc nhau còn hơn chị em ruột. Suốt cuộc đời lam lũ để nuôi con, nuôi hai anh em tôi khôn lớn. Nhưng giặc đã cướp đi sinh mạng của anh Thịnh, con trai duy nhất của bác tôi - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bác nay tuổi đã gần 90 sống bên cạnh nhà mẹ tôi. Thay người anh trai con bác đã hy sinh, tôi luôn dành mọi tình yêu thương, kính trọng cho bác.