TRỞ LẠI CÔNG TÁC ĐOÀN

Từ một bài phát biểu
Tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Triệu Hải lần thứ IV, từ ngày 16 đến 19-9-1983, tôi được phân công thay mặt Thường vụ Huyện uỷ đến dự và phát biểu với Đại hội. Vì đã trải qua thực tế công tác đoàn, lại được trang bị kiến thức qua các lớp học lý luận chính trị nên bài phát biểu tại Đại hội đã được các đại biểu trẻ rất hoan nghênh bởi nó đã nói được tinh thần của lớp trẻ, của các đoàn viên thanh niên cũng như nêu được những vấn đề cốt yếu của thực trạng công tác đoàn thời bấy giờ. Những năm đó phong trào đang chùng xuống do đời sống khó khăn, cuộc sống của từng cá nhân, trong mỗi gia đình cũng như cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng cho người lao động, trong đó có thanh niên lao động, nên tôi đã mạnh dạn nêu vấn đề: “Cần đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên để phù hợp với giai đoạn mới”.
Anh Ngô Yên Thi, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên và nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về dự Đại hội đã “chấm” tôi, về báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đồng ý quy hoạch tôi sẽ làm Bí thư Tỉnh đoàn thay anh Ngô Yên Thi.
Đến năm 1985, trong lúc tôi đang say sưa công tác ở huyện, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn về bàn với Thường vụ Huyện uỷ để cho tôi đi học lớp lý luận về công tác thanh vận tại Liên Xô (CCCP) hoặc tại Cộng hoà Dân chủ Đức (DDR). Hồi đó hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, hằng năm có kế hoạch đào tạo cho Việt Nam một số cán bộ, nhất là cán bộ Đảng và cán bộ Đoàn Thanh niên. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Việt Nam được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô – Comsomol và Trung ương Đoàn Thanh niên Tự do Đức - FDJ nhận đào tạo cho cán bộ Đoàn Việt Nam mỗi năm từ 7 đến 10 người. Số cán bộ đoàn trong nước được cử đi học các trường ấy lúc bấy giờ được chọn lựa rất kỹ về lý lịch và có khả năng phát triển. Tôi được cử đi học tại Trường đại học Đoàn Thanh niên Tự do Đức (FDJ) gọi là Jugendhochschule - Wilhelm Pieck.
Ảnh chụp tại Trường Wilhelm Pieck, tháng 6-1986

Đoàn cán bộ Việt Nam lúc đó có 7 người. Ngày 25-8-1985 trên chuyến bay của hãng Hàng không quốc gia Liên Xô - Aeroflot, từ sân bay quốc tế Nội Bài đến Mátxcơva rồi lên máy bay của hãng Hàng không quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức – Berlin Airline bay đến Béclin. Lần đầu tiên trong đời được lên máy bay, được đi ra nước ngoài, mà đi châu Âu lúc đó hiếm lắm, vì mỗi năm mỗi tỉnh chỉ có một vài người được đi du học, đi công tác ở nước ngoài. Ai được một chuyến đi công tác hay đi du học là coi như trúng số “độc đắc”, vì vừa được học tập để có kiến thức về xây dựng đất nước vừa được tham quan, vừa kiếm được chút đỉnh về giúp đỡ gia đình, vợ con.
Trường đại học Đoàn Thanh niên Tự do Cộng hoà Dân chủ Đức ở ngoại ô thành phố Béclin, cách Béclin khoảng 30 km. Ở cách biệt với dân cư, có chức năng đào tạo “cộng sản” cho các nước, có đến 56 nước khắp các châu lục cử sinh viên và cán bộ đến học, trong đó có nhiều nước do Đảng Cộng sản cử đi học bí mật nên không được chụp ảnh chung. Việt Nam lúc ấy vẫn là một thần tượng của phong trào giải phóng dân tộc nên được sinh viên các nước hết sức ngưỡng mộ. Tôi còn nhớ ngày 30-4-1986, sinh viên các nước ôm hoa đến chúc mừng ngày chiến thắng của Việt Nam. Vì không phải là dịp kỷ niệm vào năm chẵn, chúng tôi không có sự chuẩn bị nên hơi bị bất ngờ, lúng túng nhưng sung sướng vô cùng. Chúng tôi hiểu rằng thắng lợi của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của nhân dân ta không chỉ của người Việt Nam mà là một mốc son trong lịch sử chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc của cả nhân loại.
Lên “thiên đường”
Được báo tin khoảng giữa tháng 8 sẽ được đi du học tại Cộng hoà Dân chủ Đức, tôi rất lo cho cuộc sống của vợ và con ở nhà. Khi ấy gia đình nhỏ của tôi đang ở nhà tập thể của Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện. Nói nhà tập thể nhưng chẳng ra nhà, vì bộ khung chỉ có vài vì kèo gỗ tạp, xung quanh che chắn bằng ghi sắt lấy từ các căn cứ quân sự của Mỹ ngày trước bỏ lại, mái lợp tôn. Khi đó không có nước máy, không có nhà vệ sinh, điện thì khi có khi không, quả thực đi “du học” nhưng không thể nào yên tâm với cuộc sống của vợ và con. Chỉ cần một cơn bão cấp 8, cấp 9 là căn phòng tập thể có thể sập. Cũng may thời điểm đó huyện cấp cho một lô đất tại thị trấn Triệu Hải, tôi tranh thủ làm ngay một ngôi nhà cho mẹ con cháu ở. Con trai tôi lúc đó mới 2 tuổi. Nói ngôi nhà xây nhưng chỉ xây dựng hết 2 tấn xi măng mác 300 và chỉ thi công trong vòng 13 ngày (khởi công ngày 28-7-1985, làm xong và chuyển vào nhà mới ngày 10-8-1985), nhà có diện tích hơn 20m2, với tổng chi phí 45 ngàn đồng (tiền lúc bấy giờ).
Chuyển ra nhà mới, nhưng chẳng có gì để chuyển, ngoài một cái giường đôi, một cái bàn và 4 cái ghế cọc cạch, cộng thêm vài cái rương, thùng gò bằng tôn để đựng áo quần, đựng gạo, đựng nước và một cái giá đựng sách... Do đời sống trong nước lúc đó quá khổ, mọi thứ đều thiếu thốn nên khi đến được Cộng hoà Dân chủ Đức coi như lên “thiên đường” bởi cuộc sống trên đất nước bạn quá đầy đủ và sung sướng. Chúng tôi được ở ký túc xá sang trọng, có đầy đủ các tiện nghi, được nhận học bổng 375 Mác mỗi tháng (tiền Cộng hoà Dân chủ Đức), bao gồm ăn uống và tiền tiêu vặt. Hằng tháng, chúng tôi chỉ ăn tiêu khoảng 200 Mác, tiết kiệm được 175 Mác để mua hàng hoá gửi về gia đình. Trong lúc đó sinh viên các nước, hàng tháng tối thiểu gia đình, bạn bè, tổ chức mỗi tháng gửi thêm cho 100 đôla, tương đương 200 Mác mà vẫn không đủ tiêu.
Hàng hoá ở các cửa hàng vô cùng phong phú, chúng tôi hay nói đùa: ở đây họ phục vụ đến tận chân răng (vì cái gì cũng có). Hằng ngày đến nhà ăn, thích ăn gì thì chọn thứ ấy, từ thịt, trứng, cá, bơ, sữa… ăn đến no cũng chỉ hết 2,5 – 3 Mác một bữa, tôi tăng cân vùn vụt. Chắc là vì quá “hổng” nên tháng đầu tăng lên đến 3 kg, hai tháng tiếp theo tăng đến 5 kg. Cuộc sống ở Cộng hoà Dân chủ Đức như vậy nên chúng tôi hay nói với nhau rằng: Chủ nghĩa xã hội mà như thế này thì không có ai dám đụng đến - Ý muốn nói là không ai dám nói xấu chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên là do tầm nhìn hạn chế của chúng tôi lúc bấy giờ, chỉ 4 năm sau đó (năm 1990) bức tường Berlin sụp đổ, mở đầu cho sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.     
     

 
Tác giả tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1985
 
Tuy nhiên, cũng do công nghệ thông tin chưa phát triển, ở trong nước lúc đó internet, điện thoại di động… chưa có; điện thoại hữu tuyến thì phần nhiều đang dùng máy từ thạch, xin qua tổng đài để nối máy, nhưng vô cùng khó khăn, hơn nữa chỉ cơ quan hoặc cán bộ cao cấp ở Trung ương, tỉnh mới có ở nhà riêng. Chúng tôi ở nước ngoài lúc đó vô cùng thiếu thốn tình cảm ở nhà vì  không thể nào liên lạc trực tiếp được. Nếu viết thư thì thư đi bồng bềnh trên tàu biển cả tháng mới về đến, lúc đó ở nhà mới có địa chỉ để gửi thư lại nên tính từ khi mới qua đến khi nhận được thư cũng phải ít nhất là hai tháng.        
Mặc dù ở Việt Nam chưa có khái niệm cơ chế thị trường, nhưng cán bộ, sinh viên đi du học đã biết áp dụng “thị trường”. Trước khi lên đường, chúng tôi tầm mua một số hàng mỹ nghệ, vài cái áo thổ cẩm mang sang rồi tổ chức “Ngày Việt Nam” để bán, thu được ít tiền, cộng với số tiền học bổng, tiền tiết kiệm được, vào các ngày nghỉ đi lên Béclin lùng sục các cửa hàng mua áo lông, giấy ảnh, xích xe đạp, xe đạp Mifa…, là những thứ hàng hoá về Việt Nam bán được giá nhất để cải thiện đời sống gia đình.
Ở Hà Nội, lúc đó ai có chiếc xe đạp Mifa là biết ngay người đó đã được đi nước ngoài về hoặc thuộc hạng người sang, có tiền, nếu có chiếc xe máy Simson thì oai lắm. Tôi đã phấn đấu và mua được chiếc Simson màu đỏ. Khi về làm Bí thư Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên, có chiếc Simsơn chạy giữa thành phố Huế - ai cũng “lác mắt”. Do cơ chế nên người Việt Nam mình lúc đó khổ thôi, chứ người Việt Nam rất giỏi, vừa học giỏi, vừa biết làm ra tiền và biết kiếm tiền.
Tổng kết lớp học, tại lễ trao bằng cho các sinh viên xuất sắc có đại diện đại sứ quán nhiều nước đến tham dự. Đấy là một buổi lễ trang trọng, có 11/56 nước có học viên được nhận bằng xuất sắc. Đoàn Việt Nam có tôi, chúng tôi vô cùng sung sướng, không chỉ vì thành tích học tập mà còn vì đây là vấn đề quốc thể.
“ Đổi mới và đột phá”

 
 
 
 Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội VI của Đảng năm  1986

Sau gần một năm đi học tại Cộng hoà Dân chủ Đức về, tại Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên lần thứ 11 khoá II (tháng 8-1986), tôi được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn, và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ IV (tháng 10-1986) đã bầu tôi vào Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên và Tỉnh uỷ đã phân công tôi phụ trách công tác Đoàn Thanh niên. Cũng năm ấy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tiến hành (tháng 12-1986), là Đại hội đổi mới, tôi vinh dự được làm đại biểu đi dự Đại hội, được tiếp thu tinh thần đổi mới do Đại hội quyết nghị, các đại biểu ai nấy trong lòng rạo rực, vui sướng. Sau Đại hội, chúng tôi đi làm công tác tuyên truyền thắng lợi của Đại hội, một số khái niệm mới bắt đầu xuất hiện như: Thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần; thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, v.v., được đoàn viên thanh niên chăm chú lắng nghe như một luồng gió mới đang thổi vào cuộc sống của mọi tầng lớp từ sau Đại hội VI. Tại buổi nói chuyện với hơn 500 sinh viên của các trường đại học tại giảng đường Trường đại học Sư phạm Huế, sinh viên thể hiện rất rõ sự đồng tình về quan điểm đổi mới của Đảng, vỗ tay tán thưởng người diễn thuyết. Có thể nói từ những năm 80, chưa khi nào có cuộc diễn thuyết hấp dẫn và được đông đảo sinh viên - những trí thức trẻ tán đồng như vậy.
Đoàn đại biểu tỉnh Bình Trị Thiên đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986.
 
Sau Đại hội đổi mới của Đảng, một số cụm từ như: “cạnh tranh”, “biết làm giàu”, “tự làm chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh”, “thị trường”… đã dần dần xuất hiện. Những từ ngữ đó rất lạ so với trước đó nhưng đã rất thực tế vì chúng có sức mạnh “cởi trói” cho nền kinh tế phát triển.
Năm 1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V cũng được khai mạc, tiếp thu tinh thần Đại hội VI của Đảng. Đại hội đoàn Thanh niên lúc ấy cũng thực sự là một đại hội đổi mới, đổi mới từ tư duy đến hành động trong đại hội, sau đại hội. Tại Đại hội này tôi được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, được phân công trực tiếp làm Bí thư Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên.

 
 
 Với đại tướng Lê Đức Anh tại Đại hội toàn quốc lần thứ V
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tháng 11-1987

 
Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên không chỉ nói “đổi mới” trên lý thuyết mà quyết tâm triển khai trên thực tế, bằng cách tổ chức và thành lập Ban Kinh tế và Du lịch thanh niên. Một đơn vị sự nghiệp của Tỉnh đoàn đóng ở số 3 đường Đống Đa thành phố Huế. Ban có nhiệm vụ làm kinh tế cho Đoàn như tổ chức các hoạt động dịch vụ: thuê xe để đưa khách du lịch đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Nói là khách đi du lịch nhưng do đời sống còn khó khăn, có mấy ai đi du lịch thực sự, có chăng chỉ là những người đi thăm thân, xe cũng kết hợp chở một ít hàng hoá vào Sài Gòn bán rồi mua lại một số hàng hoá từ Sài Gòn ra Huế. Hoạt động khá thành công, tạo được một khoản kinh phí để đóng một chiếc xe Car mới, tiếp tục tạo vốn bổ sung cho ngân sách hoạt động của Đoàn và cải thiện một phần đời sống cán bộ cơ quan. Tiếp đó Ban Kinh tế của Tỉnh đoàn còn đi tìm nguồn hàng xuất khẩu rồi tổ chức cho một số cán bộ đi thu mua, uỷ thác xuất khẩu như thu mua sắt phế liệu rồi uỷ thác cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Bình Trị Thiên để uỷ thác cho các tổng công ty trung ương xuất khẩu. Thời đó nghe từ “đôla” là lạ lắm, thế mà Tỉnh đoàn uỷ thác xuất khẩu được giá trị 5.000 đôla Mỹ để uỷ thác nhập khẩu chiếc xe hơi mới, một chiếc xe Lada của Liên Xô về phục vụ công tác.
Tiếp kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt
tại Hội nghị Thanh niên xung phong toàn quốc, năm 1987

Cũng vì sớm nhận thức được cơ chế thị trường nên sau khi được đi dự Festival Xô - Việt, tổ chức tại Agiecbaijan thuộc Liên Xô, tận mắt nhìn thấy thanh niên các nước đều ăn mặc đồng phục, có phù hiệu đoàn đẹp quá, tôi cũng nhen lên mơ ước Đoàn Thanh niên tỉnh cũng được như vậy, chí ít cũng phấn đấu có đồng phục cho các đại biểu khi dự Đại hội Đoàn. Dịp đó, Tỉnh đoàn cũng đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Đoàn thanh niên tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III (tháng 7-1987). Được biết Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh có nhập khẩu về vài tấn vải mảnh, vải chéo (vải may công nghiệp thừa bị loại ra), chúng tôi chủ trương qua Liên hiệp Công ty xin mua mấy ngàn mét vải để may áo quần đồng phục cho đại biểu về dự Đại hội. Anh Phan Đình Chi, Tổng Giám đốc Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu ký duyệt cho mua 4.500m vải mảnh gồm nhiều loại, nhiều màu sắc, nhiều khổ vải và của nhiều nước khác nhau như: vải kate của Nhật, tuytxi của Ba Lan, vải mảnh của Tiệp Khắc … Trong đó có một số vải màu xanh “lơmơrin” - màu xanh của trang phục sơ mi cán bộ đoàn mặc hiện nay. Chúng tôi vui mừng chọn áo màu xanh, còn quần thì chấp nhận màu khác nhau để may cho hơn 500 đại biểu. Thời đó, được như thế là quý lắm rồi, không có tỉnh đoàn nào có được. Số vải còn lại chúng tôi đưa ra thị trường bán lấy tiền may khăn quàng đỏ cho các cháu thiếu nhi. Thế mà báo của tỉnh Bình Trị Thiên đã lên khuôn và Đài Phát thanh tỉnh chuẩn bị phát bài “Vải áo Đại hội ra chợ Đông Ba” để phê phán chúng tôi lợi dụng Đại hội xin mua vải nhà nước, ra bán chợ Đông Ba. Chỉ còn hai ngày nữa là Đại hội khai mạc. Tôi trực tiếp báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ, cử anh Mai Xuân Thu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn trực tiếp “tấn công” ngược trở lại. Chúng tôi nói: Bán vải để lấy tiền may khăn quàng đỏ cho các em thiếu nhi (vì lúc đó rất nhiều cháu được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong mà không có đủ khăn quàng đỏ để phát), đó là việc làm chính đáng và chúng tôi đã có nghị quyết, nếu anh (người đồng hương với anh Thu) cho báo đăng, đài phát thì tôi sẽ báo cáo trước Đại hội và đề nghị Đại hội biểu quyết phản đối…
Cuối cùng dư luận ủng hộ vì việc làm minh bạch có tính đột phá và vì phong trào chứ không phải tư lợi cho riêng ai.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên, năm 1987
 
 
 
 Đại biểu dự Festival Việt Nam - Cuba lần hai do Tỉnh Đoàn Bình Trị Thiên đăng cai tổ chức tại thành phố Huế,
năm 1988

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng