XÂY DỰNG “PHÁO ĐÀI HUYỆN”

Công trường Đại thủy nông Nam Thạch Hãn
Tháng 5-1979, tôi có quyết định chuyển lên công tác ở huyện, làm Bí thư Huyện đoàn thay anh Trần Minh Sơn. Những năm tháng ấy, phong trào “ba xung kích làm chủ tập thể”do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động: xung kích trong lao động sản xuất, xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và xung kích trong học tập, diễn ra vô cùng sôi nổi khắp cả nước. 
Trong lao động sản xuất, nổi bật là phong trào thanh niên rà phá bom mìn, làm giao thông, làm thủy lợi. Ngoài làm thủy lợi nội đồng, đắp đập xây dựng hồ chứa nước, hàng ngàn thanh niên đã hăng hái tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Thừa kế hồ sơ thời Pháp để lại có các số liệu cơ bản của công trình nên Bộ Thủy lợi tiến hành khảo sát và thiết kế rất nhanh. Tuy nhiên theo hồ sơ cũ thì đập chính ngăn sông Thạch Hãn là ở Trấm, còn đập chính hiện nay nằm ở Đá Đứng. Khu vực Trấm cách Đá Đứng khoảng 2 kilômét về phía thượng nguồn, nhưng đến bây giờ người ta vẫn quen gọi đó là đập Trấm. Đây là công trình thuỷ lợi lớn nhất theo thiết kế để tưới cho cánh đồng Triệu Phong, Hải Lăng và có một phần của huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Công trình bắt đầu khởi công ngày 8-3-1977, là công trình có thời gian khảo sát, thiết kế nhanh nhất và được thi công sớm nhất của miền Nam sau ngày giải phóng. Đây cũng là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Trị Thiên và là công trình đầu tiên của Bộ Thủy lợi ở miền Nam.

 
Tác giả đọc báo cáo tại Đại hội huyện đoàn Triệu Hải lần thứ II, năm 1979
 
Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn (ban A) là của Bộ Thủy lợi đóng ngay ở xã Hải Trí, sau này là thị trấn Triệu Hải (thị xã Quảng Trị ngày nay), do anh Nguyễn Công Mạnh làm Trưởng ban, anh Phạm Hồng làm Phó ban. Là công trình trọng điểm nhưng chủ yếu là lao động thủ công và có lúc đã huy động đến 2,3 vạn lao động, chủ yếu là thanh niên của tất cả các huyện, thị xã, thành phố tham gia. Riêng huyện Triệu Hải huy động đến 7.300 lao động tham gia. Phương tiện lao động chỉ là các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, gồng gánh, trạc dắc để làm đất; ve, búa để đục đá. Ngay cả việc đầm nện cũng chỉ thực hiện bằng những chiếc đầm bằng gỗ hoặc bằng gang đúc, đầm nhỏ thì mỗi người đầm một cái, đầm lớn thì 2 hoặc 4 người đầm một cái. Rải đất từng lớp mỏng rồi đầm, đầm hết lớp này đến lớp khác. Tốp lao động đầm, đầm rầm rập theo tiếng còi của người chỉ huy, như chỉ huy tập đi đều bước 1-2/ 1-2... vậy. Không có xe lăn, xe lu như bây giờ nhưng chất lượng đầm nện rất tốt, vì trách nhiệm của người lao động rất cao.
Đại thủy nông Nam Thạch Hãn ngày ấy đúng là một đại công trường thủ công có quy mô lớn nhất, được tổ chức khá chặt chẽ theo hình thức quân sự hóa. Tuy quân số không bằng nhau nhưng lực lượng mỗi huyện đều được tổ chức thành một sư đoàn như: Sư đoàn Triệu Hải, Bến Hải, Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Nam Đông, thị xã Đông Hà, Đồng Hới và thành phố Huế. Có tổ chức đảng và đoàn thanh niên. Lao động lên công trường nếu là đảng viên, đoàn viên thì đều được chuyển lên sinh hoạt tại các sư đoàn. Đó cũng là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua. Có rất nhiều người được kết nạp vào Đoàn, vào Đảng qua lao động tại công trường. Huyện Đoàn Triệu Hải lúc đó cũng có cán bộ chuyên trách theo dõi hoạt động của Đoàn Thanh niên công trường.
Trên cấp sư đoàn là Ban Chỉ huy công trường do anh Vũ Thắng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên làm Trưởng ban, anh Nguyễn Đức Hoan - Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Thủy lợi Bình Trị Thiên làm Phó Trưởng ban Thường trực và là người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy cao nhất tại công trường, anh Nguyễn Đức Hy làm Phó Trưởng ban.
Lao động được xây dựng lán trại để ăn ở tập trung, lương thực, thực phẩm chủ yếu là của Nhà nước cung cấp, một phần do Tổ chức Nông lương thế giới (PAM) viện trợ, một phần do người lao động mang theo và do hậu phương (hợp tác xã) chi viện. Thanh niên lao động lên công trường được hợp tác xã chấm công điểm để chia lương thực tại hợp tác xã khi đến vụ, người ở nhà phải gánh vác việc thay. Hằng tháng, chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức lên thăm hỏi, động viên, có khi còn “treo” các giải thưởng để thi đua làm vượt khối lượng nên đã tạo ra không khí thi đua chưa từng có trong lịch sử ở địa phương. Không chỉ lao động hăng say mà phong trào văn hóa, văn nghệ cũng vô cùng sôi nổi, đi đến đâu cũng nghe tiếng hát, tiếng đàn. Vừa lao động, vừa thay nhau lên hát qua loa phát thanh để cho cả đơn vị đang thi công trên công trường nghe. Định kỳ, công trường còn tổ chức hội diễn văn nghệ với các sáng tác tự biên, tự diễn để ca ngợi tinh thần lao động. Hoạt động này đã kịp thời động viên lao động làm việc quên mình, cho nên mặc dù khó khăn, gian khổ vì khẩu phần ăn không đủ no, ở trong lán trại đơn sơ, lao động thỉnh thoảng còn gặp hiểm nguy do bom mìn sót lại trong lòng đất, không có tháng nào không có vụ nổ gây thương vong, có tháng có đến vài vụ (đến khi làm xong công trình có đến 150 người chết và bị thương), nhưng tinh thần người lao động không hề nao núng, vẫn hăng hái lao động quên mình. Chính vì vậy, chỉ chưa đầy 3 năm mà đã làm được 16,4 km kênh chính với chiều rộng từ 12m đến 5m (đoạn cuối kênh), thành một con sông nhân tạo chảy ngang giữa cánh đồng Triệu Hải. Kênh cấp I gồm các kênh N1, N2, N3, N4, N5, N6 dài đến 67 km. Các kênh cấp II dài gần 64 km, đã đưa nước về tưới cho gần 9.000 ha lúa vụ đông xuân và gần 5.500 ha lúa vụ hè thu của cánh đồng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng.
Cũng phải nói thêm rằng, ngày ấy trên công trường không chỉ có lao động thủ công mà có cả cơ giới, nhưng phương tiện cơ giới rất hạn chế. Công ty Xây dựng Thủy lợi 6 của Bộ Thủy lợi là một công ty cơ giới mạnh nhưng cũng chỉ đảm nhiệm làm đập chính để chặn dòng sông Thạch Hãn, và đập tràn xả lũ, nên việc đục đá để làm tràn xả lũ lao động thủ công cũng phải tham gia. Một số công ty xây dựng thủy lợi khác như Công ty Xây dựng Thủy lợi 1, Công ty Xây dựng Thủy lợi 2 chủ yếu tập trung xây dựng các cầu, cống, xi phông, có thêm vài cái máy húc ĐT-75 của của trạm máy kéo huyện không đáng kể.

Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm huyện Triệu Hải, năm 1982
 
 
Tháng 6-1979, nhân dân huyện Triệu Hải trống giong, cờ mở để đón nước về với một niềm vui khôn xiết. Có cả nụ cười và nước mắt vì quá mừng vui. Cũng dịp đó đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm tỉnh Bình Trị Thiên, khi lên thăm công trình đại thủy nông thấy nước đang cuồn cuộn về xuôi tưới mát cho cánh đồng Triệu Hải, đồng chí đã khóc, khóc vì đồng chí biết có nhiều người đã hy sinh vì bom đạn khi thi công công trình, khóc vì nhớ lại lần trước đến thăm đồng chí tận mắt thấy lao động gian nan vất vả khi đục từng mẩu đá, lửa toé như khi thợ đang gò hàn giữa trời mùa hè nắng gắt và khóc vì mừng vui công trình thế kỷ tại quê nhà thành công.
Khi tổng kết công trình, có ý kiến đã nhận xét rằng: Đại thủy nông Nam Thạch Hãn lập được nhiều kỷ lục nhất: thời gian thiết kế nhanh nhất; công trình đại thủy nông ở miền Nam sau ngày giải phóng được thi công sớm nhất và có quy mô lớn nhất; huy động được lực lượng thi công rộng nhất, đông nhất; thi công bảo đảm chất lượng nhất (chất lượng làm thủ công) và hiệu quả nhất.
Bây giờ, sau hơn 30 năm kể từ những ngày rộn ràng khí thế thanh niên trên công trường Nam Thạch Hãn, nhớ về những ngày ấy, tôi vẫn ngạc nhiên về ngọn lửa và ý chí của tuổi trẻ. Hình ảnh mồ hôi và máu của những con người trai tráng thanh xuân ngã xuống để dâng hiến cho quê hương một công trình đầy ý nghĩa ngay sau giải phóng thực sự đã mang lại niềm tin cho người dân dưới chế độ mới, tin yêu hơn vào công cuộc xây dựng đất nước, xóa bỏ đói nghèo. Cũng hơn 30 năm qua, những cánh đồng khô hạn của miền đất phía nam Quảng Trị đã thay da đổi thịt. Không chỉ góp phần làm nên những cánh đồng xanh sắc lúa thì con gái hay khi nặng trĩu mùa vàng, đại thủy nông Nam Thạch Hãn còn góp phần thay đổi hình ảnh bộ mặt xóm làng với hình ảnh con kênh xanh soi bóng những nếp nhà quây quần bên xóm nhỏ, nước mát ăm ắp trên cánh đồng quanh làng đã làm dịu lại cái khô nóng miền Quảng Trị. Và bao nhiêu điều tốt đẹp khác mà con kênh mang lại cho người dân suốt hơn ba thập niên qua khiến mỗi khi nhớ lại, lòng không khỏi rưng rưng. Bởi chỉ sau khi hoàn thành 4 năm, năm 1983 công trình này còn bị hứng chịu một thử thách với trận lũ chưa từng có trong lịch sử của dòng Thạch Hãn.
Cũng năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Lòng yêu nước của nhân dân và thanh niên lại trào dâng. Cả thanh niên trên công trường lẫn thanh niên đang ở nhà thi nhau viết đơn tình nguyện ra mặt trận. Có hàng trăm lá đơn viết bằng máu xin đi cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Hầu hết thanh niên đều muốn lên đường nên chúng tôi phải làm công tác tư tưởng, coi công việc ở nhà như là một nhiệm vụ được phân công. Trên công trường đại thủy nông lúc này mỗi "sư đoàn" cũng phải tổ chức một lực lượng phòng không (12 ly 7) và phải trực chiến 24/24giờ. Phong trào thi đua lao động “tay cày, tay súng” lại được dâng cao với lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân. Làm công tác đoàn vào giai đoạn này thật sự đầy cảm hứng bởi đây chính là lúc tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh niên có điều kiện nhất để thể hiện vai trò rường cột của nước nhà.
”Đại hồng thủy” năm 1983
Tháng 1-1980, tôi được Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Hải lần thứ II bầu làm Ủy viên Thường vụ Huyện ủy và được phân công phụ trách khối dân vận, kiêm Bí thư Huyện đoàn. Tại thời điểm đó, mới 26 tuổi mà được bầu vào Thường vụ Huyện ủy là thuộc loại trẻ nhất của tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 8-1980 tôi được đi học. Sau hơn 2 năm được đào tạo tại Trường Nguyễn Ái Quốc IV Đà Nẵng nay là Phân viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trở về, được nhận nhiệm vụ mới: Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Thư ký (Ủy viên Thường trực) Ủy ban nhân dân huyện, phụ trách khối văn xã (vì lúc đó không có chức danh Phó Chủ tịch phụ trách văn xã).
Tháng 10-1983, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão đổ vào Quảng Bình đã gây ra mưa lũ đặc biệt lớn. Hôm đó tôi còn nhớ rõ, anh Xuyên Tâm, Bí thư Huyện ủy huyện Hướng Hóa thấy tại Khe Sanh mưa quá to, nghĩ là sẽ gây lũ lớn ở đồng bằng nên đã gọi điện về thông báo cho anh Nguyễn Kham - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Triệu Hải. Vì thời đó dùng điện thoại qua tổng đài từ thạch, phải quay rất lâu mới nối máy được, khi dưới này nhận được tin thì nước sông Thạch Hãn đã mấp mé lên đường dọc bờ sông, chưa kịp trở tay thì nước đã vào đến sân Uỷ ban nhân dân huyện. Khắp nơi gọi điện về kêu cứu, chuông đổ liên tục. Tôi, anh Nguyễn Kham và anh Lê Vũ Bằng (Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện) không rời được máy, đến nỗi vợ con tôi đang ở khu nhà tập thể, lúc ấy con trai đầu lòng tôi vừa mới 4 tháng tuổi, tôi cũng chưa kịp về đưa lên nơi cao, may mà nhờ có ông Thường, thợ mộc người Huế, ra làm rạp mộc bên cạnh, xuống đưa hai mẹ con cháu lên nhà ăn tập thể, lấy mấy cái bàn ăn của nhà ăn chồng lên nhau cho ngồi tạm. Khoảng 9 giờ đêm, tức là chỉ hai giờ sau, khi tôi dứt máy được, lội về cứu vợ con thì nước đã lên đến ngang thắt lưng, về phòng ở thấy bàn ghế, giường chiếu, xoong nồi đã nổi lềnh bềnh trong phòng. Anh Nguyễn Kham sáng hôm sau mới theo thuyền đi cứu dân, đi ngang qua nhà, thì nhà cũng đã bị nước ngập lên hết cửa sổ.
 Theo số liệu lượng mưa đo được ở Gia Vòng là 814 ly, mức nước sông dâng cao đến 12,38 m; ở Thạch Hãn lượng mưa đo được là 921 ly, mức nước sông dâng cao 7,11m. Trận lũ lịch sử đó đã làm chết 135 người dân huyện Triệu Hải. Cầu Mỹ Chánh trên đường quốc lộ 1 bị sập trong đêm, tổng thiệt hại của huyện Triệu Hải do cơn lũ gây ra ước tính bằng 5 năm thu nhập sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Sau trận lũ, đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thăm bà con bị nạn và đặt tên cho một cháu trai thuộc thôn Thượng Nguyên, xã Hải Lâm sinh trong đêm lũ dữ, được mẹ bế lên lán tre để tránh lũ cuốn tên là Nguyễn Thắng Lũ. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Beria sang thăm Việt Nam có đến chứng kiến tận mắt cầu Mỹ Chánh bị sập và quyết định viện trợ để xây dựng lại cầu.
Trận lũ đã làm cho hệ thống đại thủy nông Nam Thạch Hãn bị hư hỏng nghiêm trọng, có đến 210 điểm đê điều bị sạt lở. Vụ đông xuân 1983-1984 sắp đến, có nguy cơ thiếu đói nếu không kịp khắc phục được để đưa nước về tưới cho đồng ruộng. Mặc dù tôi phụ trách khối văn xã, nhưng được lãnh đạo huyện đánh giá là có kinh nghiệm lãnh đạo phong trào, có khả năng tổ chức thực hiện nên Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã quyết định phân công tôi phối hợp với Ban Chỉ huy công trường và Ban A Bộ Thuỷ lợi, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng và chỉ huy chiến dịch khắc phục hậu quả lũ lụt. Hai anh Lê Văn Dăng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện và Hoàng Anh Quyết - Bí thư Huyện đoàn làm Phó ban chỉ đạo.
Nhận nhiệm vụ nhưng lòng rất lo bởi đây là một thử thách rất lớn. Nếu không nhanh chóng khắc phục kịp đưa nước về sản xuất vụ đông xuân thì mọi chuyện sẽ đổ lên đầu. Và cũng không ai tin là sẽ làm kịp do khối lượng công việc phải hoàn thành quá lớn mà thời vụ thì vô cùng khắt khe.
Vì không tin sẽ khắc phục kịp để có nước tưới vụ đông xuân nên các xã không chịu ra quân. Ban chỉ huy đã áp dụng tất cả các biện pháp: hành chính, tổ chức, kinh tế... nhất là công tác tư tưởng, vì lòng tin quyết định tất cả để khởi động công việc khắc phục hậu quả trận đại hồng thủy. Thế nhưng nhiều xã, hợp tác xã vẫn chờ xem quyết tâm, phương pháp của huyện đến đâu mới chịu huy động lực lượng tham gia. Có xã còn tổ chức cho cán bộ xã, hợp tác xã đi xem các xã khác có ra quân thật không, không khí khắc phục có sôi động không mới chịu ra quân. Nhờ các biện pháp tổng hợp đó nên huyện đã huy động được bình quân gần 9.000 lao động lên công trường, có ngày lên đến 12.000 lao động. Chiến dịch khắc phục bắt đầu từ ngày 18-11 đến ngày 13-12 đã thông tuyến và ngày 15-12 đón nước về. Chỉ trong vòng 25 ngày mà đã đào đắp được 176.000m3 đất đá là một kỳ tích. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, những năm 1982, 1983 do những bất cập, lỏng lẻo trong công tác quản lý, để xảy ra tình trạng như các hợp tác xã và dân tự đặt ống lấy nước từ kênh chính và các kênh cấp I vô nguyên tắc - có đến 284 ống, nước chảy suốt ngày đêm, chảy tràn lan qua giường ruộng, chảy ra sông nên mất quá nhiều nước. Cống xả cát ngay trên đầu mối thì chưa được xử lý nên bị mất đi lượng nước khoảng 6m3/s tức là khoảng 31.800m3 mỗi ngày đêm. Các xã nằm ở cuối kênh do tình trạng bị thất thoát nước bởi tình trạng đặt ống dọc kênh nên nước không về đến. Bởi thế nên nhân dân các xã cuối kênh nghĩ rằng, nếu khắc phục xong đi nữa thì hợp tác xã họ cũng không có nước, do đó không chịu huy động lực lượng. Ban chỉ đạo buộc phải có các biện pháp cứng rắn như bịt tất cả ống lấy nước, tập trung xử lý cống xả cát, nạo vét, tôn cao, áp trúc kênh mương và cho tháo gỡ những gì không có trong thiết kế, tức là phải làm đồng bộ (không chỉ hàn gắn những nơi bị sạt lở). Phải làm cho các xã, hợp tác xã cuối kênh tin tưởng họ mới chịu huy động lực lượng, nhờ vậy nhiều hợp tác xã huy động lực lượng lên gấp vài ba lần số lượng lao động được giao. Không những chỉ lực lượng lao động trẻ mà có cả những cụ già hơn 70 tuổi cũng hăng hái tham gia. Không chỉ lao động nông nghiệp mà cả lao động tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thương cũng có mặt trên công trường. Các xã, hợp tác xã chưa từng có nước về như Mai Đàn, Kim Long, Nam Phước, Bắc Độ... cũng tích cực hưởng ứng. Bộ đội, học sinh, cán bộ, công nhân viên cũng tham gia. Có những đơn vị xuất quân từ 4 giờ sáng hằng ngày, cũng nhiều đơn vị đốt đèn thi công đến 12 giờ đêm - vì khối lượng đã khoán và ngày nước về đã định.
Ban đầu, theo kế hoạch dự định, lực lượng thủ công chỉ làm 6 vạn m3 còn lại là lực lượng cơ giới như Công ty Xây dựng Thủy lợi 6, Thủy lợi 1, Thủy lợi 2 nhưng cuối cùng lực lượng thủ công làm đến 13,8 vạn m3, có nhiều chỗ cơ giới phải nhường chỗ thủ công đến thi công. Có thể nói chiến dịch khắc phục hậu quả lũ lụt đã trở thành một cao trào trong quần chúng nhân dân Triệu Hải vì sự sống còn của gần hai mươi vạn dân.
Kết thúc chiến dịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng cho Đoàn Thanh niên huyện Triệu Hải cờ “Tuổi trẻ dũng cảm chiến thắng thiên tai”.
Nhờ công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn mà huyện Triệu Hải đã đưa được thêm một số diện tích ruộng sản xuất 1 vụ thành 2 vụ, nhân dân huyện qua đi cái cảnh tát nước bằng gàu guồng òi ọp trên xe đạp nước thâu đêm và đã đưa năng suất lúa vùng thâm canh (17 xã vùng thâm canh) bình quân từ 50 tạ/ha lên 82 tạ/ha và đưa tổng sản lượng lương thực huyện Triệu Hải từ 49.750 tấn thời kỳ 1976 – 1980 lên 62.450 tấn thời kỳ 1984 – 1985 (năng suất lúa hiện nay trên 102 tạ/ha).
Nước về quanh vườn, trồng trọt, chăn nuôi phát triển, đời sống ấm no, nhân dân hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn nhân dân Bình Trị Thiên, luôn tưởng nhớ và tri ân những người đã hy sinh cho Triệu Hải xanh tươi.

 
Tác giả, năm 1983

”Pháo đài huyện”
Đại hội lần thứ V của Đảng tháng 3-1982 xác định xây dựng huyện thành một cấp kế hoạch và ngân sách. Tháng 10-1984, Trung ư­ơng tổ chức Hội nghị bàn việc xây dựng huyện tại Hội trư­ờng Ba Đình – Thủ đô Hà Nội. Anh Nguyễn Kham - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đ­ược cử đi dự với tư­ cách là một huyện điểm. Tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu nhấn mạnh, phải xây dựng huyện thành một đơn vị vững về chính trị, giỏi về kinh tế và mạnh về quốc phòng - 500 huyện trong cả nư­ớc phải là 500 pháo đài chiến đấu. Từ đây huyện có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đến cuối năm 1983, tôi đư­ợc bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và được phân công phụ trách lĩnh vực tài - mậu (tài chính, ngân hàng, l­ương thực, vật tư, th­ương nghiệp, ngoại thương và hợp tác xã mua bán). Làm tài mậu thời bao cấp thật khó vì mọi thứ cung không đủ cầu, mọi việc từ mua đến bán, từ thu đến chi đều theo kế hoạch và đều thiếu thốn. Từ phân bón, giống má, thuốc trừ sâu... phục vụ cho sản xuất đến vật tư, vật liệu xây dựng, vật liệu chất đốt, lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng đều thiếu. Ngân hàng lúc đó mô hình tổ chức cũng khác, không phải là ngân hàng th­ương mại đơn thuần mà vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa có chức năng quản lý kinh doanh. Huyện có một chi nhánh ngân hàng gọi là Ngân hàng­ nhà nước huyện Triệu Hải nhưng lại làm chức năng tín dụng. Việc cho vay cũng phải theo kế hoạch đầu năm và theo định mức... và chỉ hai loại hình sản xuất kinh doanh chủ yếu được vay là kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác. Thuế lúc ấy cũng không có cơ quan riêng mà có ba bộ phận thuế nằm trong phòng tài chính huyện như: Ban thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp và thu quốc doanh. Thuế nông nghiệp - nguồn thu nhiều nhất, hằng năm đến vụ, thuế phối hợp với ngành lương thực để thu (thu bằng sản lượng lương thực). Thuế công th­ương nghiệp thì không đáng bao nhiêu vì đã cải tạo triệt để công thương nghiệp, chỉ thu ở một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp là chủ yếu. Thu quốc doanh lúc đó chính là thu “chênh lệch” nộp ngân sách, vì doanh nghiệp nhà nước lúc đó không có khái niệm thuế. Chênh lệch là lấy giá bán, trừ giá mua và chi phí được duyệt, trừ l­ương do Nhà nước quy định, còn lại nộp ngân sách - gọi là “chênh lệch” nộp ngân sách. Chị Lê Thị Kim Cúc (quê Hải Quy) là Huyện ủy viên làm Giám đốc Công ty Ngoại thư­ơng lúc đó thật xông xáo, “dám làm”. Chị đi tìm nguồn hàng rồi tổ chức khai thác, thu mua, chế biến như­ chổi đót, hương phụ (củ cây cỏ cú), lông vũ (lông vịt), ớt khô... để xuất khẩu. Riêng ớt là một thế mạnh của huyện Triệu Hải. Có năm huyện tổ chức sản xuất và thu mua đ­ược gần 1.000 tấn ớt khô xuất khẩu và ủy thác cho tỉnh để tỉnh ủy thác cho các tổng công ty trung ương xuất khẩu (vì lúc đó tỉnh cũng chưa được trực tiếp xuất khẩu) thu về được 1 triệu rúp - đôla (lúc đó tỷ giá rúp - đôla tương đương nhau).
Dù là một cấp kinh tế - kế hoạch, một cấp ngân sách như­ng vì đất nư­ớc đang là một nền kinh tế kế hoạch tập trung cao và cơ chế bao cấp còn tồn tại nên tất cả mới chỉ là danh nghĩa. Hàng hóa tiêu dùng thiếu thốn, l­ương thực cũng không đủ bán cung cấp cho cán bộ, công nhân viên - dù chỉ được mua mỗi người 13kg lương thực / tháng, và chỉ được 10 tháng, ngoài ra còn vận động cán bộ, công nhân viên đi sản xuất tự túc 2 tháng lương thực trong năm. Là Phó Chủ tịch huyện như­ng tôi cũng phải cùng anh em văn phòng đạp xe đạp cả 10 km về đến xã Triệu Trạch, xin ruộng cày, cấy, làm cỏ, bón phân, thu hoạch... để có “tự túc”. Hơn nữa 13kg lư­ơng thực mua của Nhà nước nhưng có đến 3 loại: gạo, sắn lát khô và hạt bo bo (hạt bo bo do Liên Xô thời bấy giờ viện trợ), nếu đi công tác cơ sở một tuần thì khi về chỉ ăn sắn lát khô và bo bo cả tháng, vì lúc đó đi công tác bất kỳ đâu cũng phải mang theo khẩu phần của mình.
Ai lỡ mất sổ gạo thì nguy to, nên hay trêu nhau: “Mặt rầu như­ mất sổ gạo”. Gạo mua theo sổ, thực phẩm và hàng tiêu dùng khác (Nhà nước chỉ cung cấp một số mặt hàng thiết yếu) thì mua theo tem phiếu, như­ thịt, đ­ường, vải, mì chính, xăm lốp xe đạp, chất đốt... Vải cũng không có đủ vải lụa (vải thường dùng để may quần cho phụ nữ lúc bấy giờ), thứ “hàng hiếm” đó thường chỉ dùng bán đối l­ưu cho những ai “nhập” lợn cho Nhà nư­ớc, nên vợ chồng tôi phải nuôi lợn, phải lên quan hệ với Nông trường Triệu Hải để mua được lợn giống chừng 5 kg, đêm đêm phải đi vớt rong giữa sông Thạch Hãn, ngày đi xếp hàng mua cám, đi xúc trấu để nấu ăn và nấu cám lợn, có khi xếp hàng cả buổi mới đến l­ượt mình. Thế mà vợ tôi cũng có lúc nuôi được con lợn lên đến 120kg. Thời đó nhà ai cũng phấn đấu nuôi lợn, chăm lợn rất kỹ, nên có câu chuyện đùa: làm về chưa kịp hỏi con cái ăn ch­ưa mà hỏi ngay lợn hôm nay có ăn không? Thời bao cấp là vậy, dù là một thời đã qua, nhưng nếu không kể thì thế hệ mai sau không biết và không thể hình dung nổi. 
Như ông bà mình hay nói “khổ tận cam lai”, trải qua tận cùng sự khổ thì hạnh phúc mới sẽ đến. Nếu không có những ngày nếm trải gian nan, khó nhọc thời bao cấp ấy làm sao có thể cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc của cuộc sống phát triển đi lên sau này. Không từng có những bữa ăn bo bo, sắn độn làm sao hiểu được niềm vui khi ngồi bên mâm cơm trắng cá tươi, không từng qua những mùa đông tê cóng vì thiếu áo, thiếu chăn sao hiểu được niềm hạnh phúc khi cuộc đời mang cho ta một nếp nhà ấm áp.
 

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng