Vài cảm xúc chia vui cùng với tác giả "Chuyện Kể Về Một Thời " - Trương Sỹ Tiến

 Niềm vui được chia sẻ là niềm vui được nhân đôi. Đó là lý do để gia đình anh Thăng tổ chức cuộc gặp gỡ đầu xuân này; và với chúng ta đó là lý do để đến đây để chia vui và chúc mừng một người bạn thân thiết.  Nhân vật trung tâm để nhận mọi lời chúc là anh Thăng và gia đình nhưng cũng xin phép được mượn cơ hội này để chúc mừng năm mới tới tất cả các anh, chị, bạn bè mà vì trời lạnh và mưa gió tôi chưa được chúc trực tiếp.
Thưa Quý vị.
       Ngày 28 tết, tôi được anh Thăng tặng cuốn sách này. Thế là tết này, cùng với những gì của hiện tại, tôi rung cảm về "một thời " qua 334 trang sách đầy đặn của anh. Thời gian rất hạn hẹp, tôi chỉ xin nói ngắn gọn vài lời thành thật để chia sẻ với tác giả.
        Từ những năm 60 khi còn ở Trường Đại học, tôi đã rất tâm đắc với 2 câu thơ của nhà thơ đời Đường :
                             Nhất thất túc thành thiên cổ hận
                             Tái hồi đầu dĩ bách niên thân.
                                          (Một người đã dịch :
                                          Sẩy chân một bước ngàn năm hận
                                         Quay đầu nhìn lại, đã 100 tuổi rồi ).
          Đúng là: quỹ thời gian của một đời người không phải là vô tận. Phải biết giữ gìn cẩn thận để không phải ân hận cả đời. Giờ đây, khi đã 73 tuổi,  tôi càng thấm thía lời cảm hoài đó. Gấp lại hơn 300 trang sách, tôi bồi hồi nghỉ về tác giả. Trước hết là một gia cảnh quá đau thương " Thấm đẩm máu đào ". Hai là, buổi đầu đến với cách mạng thật gian lao, nhất là 3 năm trong lao tù đế quốc. Ba là, khi trưởng thành, những trọng trách được giao khá mới mẽ và phức tạp. Bốn là, đã thế các quan hệ sống không phải lúc nào cũng suôn sẽ "thuận buồm xuôi gió"- Nhưng "Một thời" gian khổ, hiểm nguy và có lúc sóng gió đó, thật khó tránh được những vấp váp cụ thể nhưng nhìn trên toàn cục, tác giả đã không mất phương hướng, vẫn " Vững tay chèo ", bền chí phấn đấu để có được thành công và sự trưởng thành,. Nói dân giả một chút là đã kết thúc có hậu.
         Đúng là " trong mỗi số phận có chứa đựng một phần lịch sử ". Và quyển sách không kể về một thời mà "Vì một thời ". Trong một thời ấy có chuyện của gia đình, họ tộc, làng xóm, địa phương... Và có thể hình dung cả quê hương Quảng Trị nói chung. Bằng một cách kể dung dị, chi tiết về từng con người, từng sự việc hoàn toàn chân thực đã cho phép người đọc vừa cảm nhận chính xác thực trạng vừa tạo sự xúc động sâu sa với những con người bằng xương bằng thịt, có địa chỉ, có sự tích rõ ràng. Tôi thành thực cảm ơn vì đã giúp tôi có được những cảm xúc và rung động cao đẹp. Tôi nghĩ: Trong đời sống, ai cũng sống trong 3 phạm trù thời gian: Qúa khứ, hiên tại và tương lai. Tuy nhiên hiện nay cũng có cách nhìn khác nhau về quá khứ; Có người thờ ơ, bàng quang một cách vô cảm - Cũng có kẻ nhìn quá khứ bằng thái độ hằn học thậm chí là xuyên tạc. Nhưng cũng có rất nhiều người không chỉ nâng niu, trân trọng mà còn tìm thấy ở đó những giá trị thiêng liêng. Tôi nghĩ: Tác giả thể hiện một quan điểm đúng về những gì đã qua và một thái độ đầy trách nhiệm về quá khứ " một thời " hào hùng của quê hương, đất nước. Đọc quyển này, anh Phan Quang có một nhận xét theo tôi là chí lý - Đó là: Về văn phong có chổ vụng về nhưng sự chân thành thì hoàn toàn có thể tin. Tác giả là một người cha rất muốn con cái mình vững vàng trên bước đường đi tới. Tác giả là một cán bộ Đoàn, cán bộ tuyên huấn nhiều năm rất băn khoăn khi có một số ít bạn trẻ dễ dàng ngộ nhân và lạc lối ...Vì vậy " Chuyện kể về một thời " trước hết là bản lưu bút, trĩu nặng tâm tư của một người đi trước gửi thế hệ trẻ mai sau. Vì thế không chỉ là tình cảm rất quảng giao mà quan trọng hơn là một thái độ sống đầy trách nhiệm - Một người bạn nói với Tôi: " Sợ là vô ích thôi - với mọi chuyện đã thay đổi đến chóng mặt thế này. Có ai tắm 2 lần trên một dòng sông đâu ". Người bạn tôi có lý khi nói về nguyên lý vận động nhưng tôi nghĩ theo một hướng khác về đời sống. Năm 1946, khi bàn giao lại việc điều hành chính phủ trong buổi đầu trứng nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng để đi Pháp, Bác Hồ chỉ dặn: " Lấy cái bất biến mà ứng với cái vạn biến ". Như vậy phải chăng cuộc sống có cả " Vạn biến "và" Bất biến". Vạn biến là rất nhiều hình thái khác nhau của tình huống còn bất biến là " Cái thần ", cái hồn cốt, là tư tưởng xuyên suốt trong mọi hành động. Tác giả hẳn là rất hiểu thực tiễn của đời con, đời cháu sẽ rất khác với thực tiễn " một thời " của mình. Cho nên ý tưởng đích thực mà tác giả muốn truyền lại là " Cái bất biến " hay nói như ngôn từ được dùng nhiều hiện nay là các giá trị, các chuẩn mực đã được kiểm nghiệm và được xác định như một giá trị vĩnh hằng. Đó là lòng yêu nước, thương nòi, là nghĩa vụ công dân trong mọi việc được giao - Đó là khả năng biến những điều tưởng như không thể trở thành có thể khi có đủ ý chí, lòng kiên trì và sự sáng tạo - Đó cũng là những phẩm chất như: Lòng trung thành, thủy chung và hướng thiện của con người ...Tôi thật lòng tin rằng: Thế hệ sau sẽ tiếp nhận " Thông điệp " này với sự nhạy cảm tri thức của chính mình.
            Thưa...
          Lẽ thường của dân tộc trong ngày đầu năm nói với nhau những lời chúc từ đáy lòng. Vì thế tôi muốn nói với tác giả: 57 năm là đã đi qua hơn 1/2 đời người. 57 năm ấy là " một thời " thật đáng quý, đáng nhớ và đã có một kết thúc thật có hậu. Trước mắt là " một thời"  mới vẫn sống, vẫn làm việc chỉ khác là không còn chức danh hành chính. Hy vọng sẽ có ngày được đón " chuyện kể về một thời " Tập 2 với những câu chuyện và tình tiết thật hay, thật đẹp - Xin cám ơn tất cả và kính chúc: cùng với anh Thăng, tất cả chúng ta sẽ có một năm rồng nhiều niềm vui và thành công .
 
Trương Sĩ Tiến
( Nguyên PCT UBND Tỉnh Quảng trị)