Diễn văn truyền thống tại Đại hội Họ Lê Đại Lần thứ V ngày 8 tháng 5 năm Quý Mão tức là ngày 25 tháng 6 năm 2023 ( Do PGS, TS Lê Văn Uyển đọc ) Kính thưa quý vị khách quý!
Kính thưa toàn thể con cháu Nội - Ngoại Họ Lê Đại!
Từ xưa truyền lại rằng: Sau khi Lý Thường Kiệt tiến vào chinh phạt quân Chiêm Thành cho đến thời kỳ Chúa Nguyễn Hoàng vào mở mang bờ cõi đất nước, trong khoảng thời gian đó, dòng họ Lê Đại cũng như năm dòng họ khác gồm Lê Công, Nguyễn Văn, Đào Bá, Lê Bá và Hồ Văn có nguồn gốc từ Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa trở ra di dân vào chọn mảnh đất miền Tây Cam Lộ dừng chân và trở thành những lưu dân khai khẩn. Cũng theo truyền khẩu của các dòng tộc, nơi những cụ tổ đầu tiên dựng nghiệp là xứ Nà và lập nên làng An Khang , nay là làng An Thái Thượng thuộc xã Cam Phú, huyện Cam Lộ .
Thay vì sống vùng đồi núi hoang sơ, bệnh tật và có nhiều thú dữ, những cư dân của làng An Khang đã mở đường tìm về vùng đất mới theo dòng sông Thạch Hãn rồi lần theo các chi lưu của sông mà tìm ra vùng đất thuận lợi - xứ Nương Hoang để mưu cơ nghiệp cho dòng Tộc, cháu con.
Có đất tốt để lập nên ngôi làng mới, con dân sáu họ dốc sức làm ăn, xây dựng làng mạc, đến thời vua Lê Hiển Tông đổi tên thành làng An Thái.
Bởi khởi thủy của làng là những người dân đã mang khát vọng chinh phục miền đất mới, từ buổi đầu đến khai phá, chống lại thú dữ, rừng thiêng nước độc gây dựng sự nghiệp nên trong huyết quản của người dân làng đã mang sẵn dòng máu dũng cảm, không khuất phục bạo cường áp bức, bởi thế nên khi cách mạng ra đời, làng có nhiều người tham gia cách mạng rất sớm, như cụ Lê Thược - thuộc dòng họ Lê Đại tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam trước năm 1930.
Ngài thủy tổ Lê Đại Trù là một trong sáu ngài của “Lục tộc đồng khai khẩn” được triều đình ban sắc “Phong thần khai khẩn phụng sự bổn thổ vùng An Khang”, được dân làng tôn vinh, thờ phụng ở đình làng.
Sau Ngài thủy tổ Lê Đại Trù, từ đời thứ II đến đời thứ VII do mất gia phả nên không rõ tên và thứ tự các đời, đó là nỗi trăn trở nhất của con cháu hậu duệ hôm nay. Đến đời thứ VIII, ngài
Lê Đại Hũy sinh hạ đời thứ IX có các Ngài: Lê Đại Trạch, Lê Đại Tuyên, Lê Đại Chí, Lê Đại Long, Lê Đại Vạn. Lê Thị Chung, Lê Thị Mỹ đến nay đã có con cháu đời thứ 16. Có thể do cuộc sống của Tổ tiên không bình lặng nên đời thứ 9 có một Ngài di cư lên lập nghiệp ở Ba Lòng - Ngài Lê Đại Tuyên , tiếp đó đến đời thứ 10 Ngài Lê Văn Tuần. di cư lên lại vùng Cam Lộ
Khởi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dân họ Lê Đại mới chỉ có 14 gia đình và có khoảng 85 người sinh sống tại làng, nhưng đã có 14 người tham gia kháng chiến, có 7 người hy sinh. Những đau thương, mất mát đó làm cho Họ tộc càng thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Bước qua cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, trong họ tộc có 8 người đi tập kết ra Bắc, con trai trong họ lớn lên hầu hết thoát ly tham gia cách mạng nên chưa lấy vợ, con gái lớn lên cũng tham gia cách mạng hoặc đi lấy chồng, nên dân họ gần như không phát triển bao nhiêu, đến năm 1975 dân họ cũng mới chỉ có 18 hộ và chưa đầy 100 nhân khẩu đang sinh sống trên đất làng. Trong hai cuộc kháng chiến, Họ Lê Đại có đến 21 người hy sinh, chiếm tới 23 % dân số họ lúc bấy giờ. Dân số Họ tộc rất ít mà có đến 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng . Nếu tính tỷ lệ bà mẹ Việt Nam anh hùng, tỷ lệ người tham gia cách mạng và người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng có lẽ là một tỷ lệ rất cao so với các địa phương trong tỉnh và trong cả nước .
Vì số dân của họ tộc thì ít mà quá nhiều người hy sinh trong kháng chiến nên anh em trong dòng tộc Lê Đại tuy có nhiều chi, nhánh khác nhau , nhưng luôn yêu thương nhau như con một nhà .
Dân số của dòng họ Lê Đại làng An Thái đến nay đã có hơn 1000 con cháu nội - ngoại, trong đó con cháu nội đã có hơn 100 hộ, gần 450 khẩu. Ngoài những gia đình đang sinh sống tại Ba Lòng và Cam Lộ , có nhiều gia đình đang sống tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột, Đồng Nai, Nam Định… và có gia đình đang định cư ở nước ngoài. Đi đôi với phát triển số lượng, dân họ cũng đã phát triển chất lượng. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 con dân họ không ai sống đến 60 tuổi, nay đã có cụ hơn 100 tuổi, bình quân tuổi thọ cũng đã đến trên 80. Trong công tác, con cháu của Họ cũng đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành lên lãnh đạo Tỉnh và lãnh đạo Sở, ngành cấp Tỉnh, Huyện và sĩ quan cấp Tá, một số con cháu là doanh nhân thành đạt. Nhìn chung đời sống của con cháu nội ngoại ngày nay đã khá giả hơn rất nhiều so với mặt bằng của xã hội hiện tại.
Dưới các triều đại phong kiến, dân họ Lê Đại nghèo và không có thế lực nên không được đi học, chỉ vài người đi học chữ Quốc ngữ và chữ Nho. Nhưng đến nay, có hai Gs , một Pgs, có 7 tiến sĩ, có 13 thạc sỹ, hàng chục kỹ sư, cử nhân, bác sĩ , dược sĩ; Có cháu thi tốt nghiệp Đại học đổ thủ khoa, đặc biệt có cháu Lê Quang Huy, hai năm liền thi môn tin học Quốc tế đoạt giải Nhì và được Chủ tịch nước tặng thưởng hai Huân chương lao động hạng ba.
Ngày nay ngoài việc làm ăn, họ Lê Đại luôn quan tâm đến việc học hành của con cháu, quỷ khuyến học được thành lập, con em thi đổ đại học ngày càng nhiều, ngày càng có nhiều cháu thi đạt giải các cấp.
“ Tổ tiên công đức thiên niên thịnh. Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”. Con dân họ luôn nhớ công đức Tổ tiên nên đã luôn hưởng ứng chủ trương xây dựng nơi thờ tự, lăng mộ của Họ Tộc…Năm 1995 xây dựng nhà Từ đường ; Năm 2013 xây dựng nhà Tiền đường, Năm 2016 xây dựng lăng mộ ông bà Ngài Lê Đại Hũy; Năm 2017 xây dựng lăng mộ Ngài khai khẩn - Lê Đại Trù và khuôn viên nhà thờ, và xây dựng Âm hồn. Năm 2022 xây dựng các ngôi mộ của các Ngài cao đợi và năm nay – năm 2023 xây dựng Nhà bia tưởng niệm của Họ Lê Đại. Nhà bia tưởng niệm có ý nghĩa to lớn, bởi vì dòng tộc Lê Đại từ đời thứ hai đến đời thứ bảy - tức 6 đời bị thất lạc, Trong đó có những vong vị chưa có nơi hương khói, tưởng niệm; Mặt khác trong dòng tộc cũng có những vong vị không có con cháu nhưng cũng chưa đến thứ bậc để được rước vào thờ tự tại nhà Từ đường của Họ.
Những việc làm mang ý nghĩa tâm linh đó, sẽ để lại sự trường tồn cho hậu duệ, đó là dòng tộc, đó là phải luôn biết đến công đức của Tổ tiên.
Kính cáo hương hồn Tổ tiên! Hôm nay con cháu Nội - Ngoại hậu duệ đời thứ 12, 13, 14, 15, 16 xin kính cẩn nghiêng mình trước ân linh Tổ tiên, xin được kính cáo với Tổ tiên, với các bậc tiền nhân rằng: Các thế hệ con cháu Nội - Ngoại nguyện phát huy truyền thống của họ tộc; đoàn kết, thương yêu nhau; sống có trung, có hiếu; lấy phúc đức, nhân nghĩa làm trọng; không ngừng học tập, rèn luyện; lao động sáng tạo để cùng tham gia cùng với các họ tộc trong làng, xã xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no - hạnh phúc, đất nước phồn vinh.
Cuối cùng, xin chúc các đại biểu, chúc toàn thể con cháu Nội - Ngoại sức khỏe, hạnh phúc .
Xin cám ơn!