20:47 ICT Chủ nhật, 08/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Một số bài viết về Lê Hữu Thăng

LÊ HỮU THĂNG - ÔNG THỢ GÒ HÀN ĐẾN PHÓ CHỦ TỊCH TỈNH - Đào Tâm Thanh

Thứ ba - 10/01/2012 16:03
Sau cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta trên toàn chiến trường miền Nam - Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng chống trả, ra sức bình định cấp tốc, dồn dân lập ấp, càn quét, bắt bớ đàn áp dã man.
Xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, quê hương của anh Lê Hữu Thăng là địa phương được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong đợt đầu tiên của miền Nam. Hải Thượng là vùng đất nổi danh với truyền thống cách mạng kiên cường, là địa bàn quan trọng nhất để cán bộ cách mạng bám trụ, tổ chức hoạt động tại thị xã Quảng Trị, nơi tập trung cơ quan đầu não của nguỵ quyền Sài Gòn, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Do vậy, chỉ trên một mảnh đất nhỏ hẹp, một làng quê thuần hậu, thanh bình nhưng cả Mỹ lẫn ngụy đều tìm mọi cách để đánh phá, hủy diệt. Mỹ vây kín vòng ngoài của từng làng, ngụy dồn dân và xăm lùng từng tất đất... Nhiều cán bộ cách mạng bị địch bắt, cơ sở cách mạng bị vỡ, bao nhiêu đau thương, uất hận trào dâng.
Thời điểm ác liệt đó, Lê Hữu Thăng cùng nhiều anh chị em cơ sở cách mạng bị địch bắt. Trước đòn roi tra tấn dã man của địch, tuy mới tuổi 15 nhưng các anh chị đã vô cùng khôn khéo trong từng lời khai để bảo vệ bí mật cho cách mạng.
Khi bị tống giam về nhà lao Quảng Trị, Lê Hữu Thăng là một trong 6 anh em gồm Lê Văn Dăng, Lê Xuân Tánh, Lê Minh Lái, Đào Phồn, Hồ Xuân Thịnh đều tỏ ra "cứng đầu” với bọn giám thị nhà lao.
Để đối phó, chúng đã chia 6 anh em ra giam ở ba phòng. Lê Hữu Thăng và Lê Văn Dăng bị giam tại phòng 2.
Không may cho Lê Hữu Thăng là vì phòng 2 phải chịu chế độ giam cầm hà khắc hơn. Phòng không có cửa sổ, chỉ có cửa thông hơi sát tận mái nhà, còn gọi là phòng cấm cố. Nhưng cái may lớn nhất lại là được ở với nhiều cán bộ của Đảng như bác Nguyễn Không, được sống với những con người gan dạ, dũng cảm đấu tranh trực diện với địch như anh Phan Văn Thịnh…
Từ đây Lê Hữu Thăng học được rất nhiều.
Các chú, các bác, các anh đều là những người làm cho Lê Hữu Thăng vô cùng kính phục về tấm gương đạo đức, về phong cách gần gũi, về tính tình hiền hậu và kiên định. Lê Hữu Thăng nhớ lại, gần 2 năm ở phòng cầm cố và 3 năm ở nhà lao, giữa bác, các chú, các anh không hề nghe có một tiếng to, không hề thấy có một biểu hiện nóng nảy, không thấy một sự giận hờn mà chỉ tràn ngập tình cảm yêu thương, đùm bọc nhau.
Trong hoàn cảnh lao tù, Lê Hữu Thăng học được cả văn hoá. Dù trong tay chỉ có vẻn vẹn cây bút chì và vài trang giấy, nhưng đồng chí, đồng đội cũng chắt chiu truyền đạt, gói gém cho nhau từng con chữ.
Đặc biệt Lê Hữu Thăng được học làm cách mạng, học phương pháp khôn khéo đấu tranh với địch; học làm công tác dân vận; học chủ nghĩa Mác-Lênin... Những kiến thức này là hết sức quan trọng và rất mới mẻ với Lê Hữu Thăng, vì khi tham gia cách mạng, anh mới chỉ biết vì mất nước, vì chí căm thù giặc (gia đình Lê Hữu Thăng có hai bác ruột hy sinh) và muốn theo cha đi đánh giặc.
Nhà tù của đế quốc là trường học lớn của những người cộng sản - điều đó đã được thực tiễn chứng minh tính xác thực của nó. Những năm tháng khổ ải trong nhà lao đã rèn luyện, hun đúc cho Lê Hữu Thăng một nền tảng vô cùng quan trọng về phẩm chất đạo đức, về nhân cách và lẽ sống, về đạo lý và tình thương, về nhận thức cách mạng, về phương pháp cách mạng… tạo tiền đề cần thiết và vững chắc cho sự phấn đấu và trưởng thành của anh về sau này.
Bên cạnh đó, Lê Hữu Thăng còn được đi “học nghề”. Ở các nhà lao trong chế độ miền Nam thời bấy giờ, dưới vỏ bọc mỵ dân là “Trung tâm cải huấn” nên chúng bày ra trò “dạy nghề” cho một số tù nhân của các phòng giam khác nhau. Lê Hữu Thăng được tổ chức ở phòng 2 cử đi “học nghề” thợ gò hàn, ngày ngày lên “Trung tâm hướng nghiệp” để gò các thùng, xô đựng nước, gàu múc nước. Vậy nhưng giám thị không biết anh em tù nhân đã lợi dụng “trung tâm” này để chuyển thư từ, liên lạc từ phòng giam này qua phòng giam khác mà Lê Hữu Thăng là một giao liên (vì các phòng cấm tuyệt đối không được gặp mặt, trao đổi, trò chuyện với nhau). Về sau, được giao trọng trách Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, anh em cựu tù thường đùa vui gọi anh với tất cả sự thân thương, trìu mến “Ông thợ gò hàn lên làm Phó Chủ tịch tỉnh”.
Rồi Lê Hữu Thăng còn tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh trực diện với địch, được phân công giả ốm đau để qua mắt địch, để được đi bệnh viện, để liên lạc, nhận các chỉ đạo kịp thời của cấp trên.
Bởi những nỗ lực kiên định trong thời gian bị giam cầm nên Lê Hữu Thăng đã được lãnh đạo quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Khi ra tù (năm 1972), anh được bố trí ngay làm cán bộ lãnh đạo xã Hải Thượng (vào năm 18 tuổi).
Khi bị địch bắt mới ở tuổi 15, đang học cấp II, ròng rã trong nhà lao của địch suốt cả thời hoa niên, nên hòa bình lập lại năm 1975, khi huyện Hải Lăng mở lớp bổ túc văn hoá, anh đăng ký đi học ngay. Công việc của những năm đầu mới giải phóng thật bộn bề nên phải vừa đi làm vừa đi học, chỉ học ban đêm cùng với anh Trương Hữu Quốc và nhiều anh em, bạn bè khác, trong điều kiện không điện, không đèn pin, chỉ có chiếc đèn Hoa Kỳ ánh sáng le lói như đầu đũa. Phương tiện đi lại là cuốc bộ hoặc "ngự" trên chiếc xe đạp lọc cọc, xích nhão, khung nứt, lốp mòn... Tất cả các môn học dồn vào vài tập vở. Cán bộ xã lúc đó chỉ được trợ cấp 22 đồng một tháng, thiếu ăn, thiếu mặc…
Nhưng Lê Hữu Thăng đã kiên trì theo học bổ túc văn hoá cho đến tốt nghiệp cấp ba, rồi học để tốt nghiệp cử nhân kinh tế, cử nhân chính trị...
Có thể nói, Lê Hữu Thăng là một tấm gương tự học kiên trì, miệt mài, không ngưng nghỉ. Đến nay, anh vẫn giữ được tác phong tự học, tự đọc, tự nghiên cứu, không chịu lạc hậu trước thời cuộc. Ở anh, các thông tin mới luôn được cập nhật, để luôn có những sự chỉ đạo sát đúng, hiệu quả trong công tác, để luôn có những bài phát biểu hàm súc, những cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông với lượng thông tin nén chặt, đầy sức sống, sức truyền cảm. Anh đã tự tạo cho mình có một tư duy độc lập, sáng tạo, đề xuất, gợi mở được những ý tưởng mới mẻ, tạo được sự đồng thuận cao với đồng nghiệp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Điều đáng quý là Lê Hữu Thăng vẫn luôn giữ được một lối sống giản dị, khiêm nhường, không bao giờ biểu hiện công thần. Anh nhất mực khiêm tốn, yêu thương mọi người, nhất là gia đình chính sách, anh em đồng đội, đồng chí, đồng cảnh ngộ trước đây. Chính tình cảm chân thành đó đã để lại cho anh em, bạn bè, đồng chí sự mến phục và tiếp tục vun đắp cho Lê Hữu Thăng để có ngày hôm nay.
Vui ngày gặp mặt, năm 2002
 
Hằng năm vào ngày quê hương giải phóng, Lê Hữu Thăng cùng anh em, đồng chí, bạn bè trang lứa thường tổ chức các cuộc gặp mặt để “ôn cổ tri tân” và đã nhiều lần tổ chức gặp mặt anh chị em tù chính trị tại lao xá Quảng Trị. Trong các cuộc gặp gỡ này, anh đã phát biểu với những lời rất tâm huyết.
Đây là một đoạn trong bài phát biểu nhân ngày kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4-2007 của anh Lê Hữu Thăng tại cuộc gặp mặt tù chính trị yêu nước:

 
"Kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Quảng Trị, cũng là 35 năm ngày anh chị em tù chính trị bị giam tại nhà lao Quảng Trị được giải thoát và 32 năm ngày giải phóng miền Nam, hôm nay chúng ta họp mặt tại nơi đây để hồi tưởng lại những ký ức của một thời - thời chiến tranh - thời hào hùng. Hồi tưởng lại một thời - thời khổ ải nhất, uất hận nhất nhưng lại yêu thương nhau nhất, quý mến nhau nhất.
Chúng ta đã đánh thắng kẻ thù mà chính kẻ thù ấy chưa một lần biết thất bại. Kẻ thù ấy có sức mạnh về xe tăng, đại bác, có máy bay B52... nhưng cái mà kẻ thù không có được đó là lòng dân, là ý chí độc lập dân tộc, là truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường. Càng thất bại, kẻ thù càng đàn áp tàn bạo, chém giết dã man, tra tấn cực hình để hòng dập tắt phong trào cách mạng. Nhưng kẻ thù đã lầm, vì chính trong đau thương uất hận ấy đã thét lên tiếng thét căm hờn, làm cháy bùng thêm ngọn lửa cách mạng.
Làm cách mạng như ta biết, không chỉ anh Giải phóng quân, dù anh là "những con người đẹp nhất…” mà từ cụ già đến em bé chăn trâu; từ người mẹ lam lũ đến chị bán hàng rong tảo tần hay các cháu học sinh và tôi lúc đó cũng đang là một cậu học sinh ở tuổi 15. Và không ai không biết rằng “dấn thân vô là phải chịu tù đày, là gươm kề tận cổ súng kề tai,…”.
Có thể nói, kẻ địch đã bộc lộ tính tàn bạo tột cùng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Những hình thức tra tấn cực hình, những trận đòn thù chí mạng. Nhưng chính trong sự khổ đau ấy đã cho chúng ta một thứ tình cảm mà đời thường này không có và không thể có được, đó là tình cảm cách mạng, tình yêu thương nhau trên một cái nghĩa chung đó là cách mạng. Chính tôi đã được sống trong tình thương yêu ấy và đã cảm nhận một cách đầy đủ của tình yêu thương ấy.
Ngục tù chính là bóng tối khủng khiếp nhất. Nhưng trong bóng tối ấy, chúng ta vẫn hướng về ánh sáng, tìm ra ánh sáng và cao hơn là chính chúng ta đã toả ra ánh sáng làm bừng tỉnh ngục tù, làm chói ngời niềm tin. Ánh sáng được thắp sáng từ con tim, từ lý tưởng. Những cuộc đấu tranh, những lần tuyệt thực; đấu tranh đây là đấu tranh đòi quyền sống, tuyệt thực đây là tuyệt thực đòi khẩu phần ăn là những lần trải nghiệm về ý chí kiên trung. Chính những lần ấy, ánh sáng lại tiếp tục lan toả. Và chính ánh sáng đó đã làm nên một kỷ nguyên mới, thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Những gì chúng ta đã trải qua sẽ là tiếng ngân của lịch sử. Vì vậy, gặp nhau để “ôn cổ”, rồi về nhà ông bà kể cho cháu nghe, cha mẹ kể cho con nghe, vì đó là một thứ hành trang vô cùng cần thiết cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau. Nó sẽ khiến cho chúng ta bừng tỉnh trong mỗi cơn say, dừng lại trong bước đi sắp ngã…
Trong số chúng ta có người chiến thắng trở về, có người về trước ngày chiến thắng. Tất cả dù ít nhiều đều mang trên mình những vết thương đau. Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới nên có người tiếp tục công tác, có người trở về với cuộc sống gia đình. Có người may mắn, có người thiệt thòi, còn có người gặp phải cảnh éo le, khắc nghiệt. Hôm nay chúng ta gặp nhau để có điều kiện thăm hỏi nhau, hiểu nhau và chia sẻ những nỗi mất mát “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, qua sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”...
Gặp nhau, chúng ta còn để nói với nhau, hãy tự hào về quá khứ và hãy đừng quên quá khứ vì đó là quá khứ oanh liệt nhất, dũng cảm nhất: “Tù lao máy chém chiến trường, dù tan nát thịt vẫn vương vấn hồn”. Quá khứ của “đắng cay, chung thuỷ”, quá khứ của “gan góc, dạn dày”.
Tuy nhiên, nếu nói về quá khứ thì cũng chỉ là quá khứ mà thôi. Cuộc sống luôn đòi hỏi chúng ta ở phía trước. Muốn cho quá khứ luôn luôn ánh lên những hồi quang tươi đẹp, thì chúng ta càng phải tiếp tục hoàn thiện mình. Và như vậy, chúng ta có quyền chào đón một tương lai sáng lạn hơn...".
Ra đi làm cách mạng từ quê nghèo Hải Thượng, Hải Lăng, dù ở cương vị công tác nào, trong tâm khảm của Lê Hữu Thăng, quê hương luôn là chốn đi về thân thương, là nỗi nhớ, niềm thương với lòng tự hào vô bờ bến. Quê hương là nơi anh sinh ra, là nơi cha mẹ, anh em, hàng xóm, họ mạc anh sinh sống sum vầy. Quê hương cũng là nơi máu của các anh hùng liệt sĩ thắm đỏ, dệt tô thêm truyền thống trung dũng, kiên cường của Hải Thượng anh hùng.
Những lần trở về quê hương, trong anh luôn nặng trĩu niềm tri ân muốn có dịp tỏ bày. Trong anh luôn thường trực ý thức rằng, mình được sống, hạnh phúc và thành đạt hôm nay chính là nhờ máu xương của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, hương hồn các anh đã phù hộ độ trì cho anh trên những bước đường công tác, nguyên khí quê hương nâng bước cho anh chân cứng đá mềm. Phát nguyện tâm thành, vào dịp 27-7-2010, nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh liệt sĩ, gia đình anh đã tổ chức lễ cầu nguyện tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, nơi có 1.997 liệt sĩ khắp mọi miền đất nước đang yên nghỉ, trong đó có người bác, người anh, người chú, người cậu, người dì; người bạn học, người bạn chiến đấu, người đồng chí, đồng đội của anh.
Trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Hữu Thăng, người con của mảnh đất anh hùng Hải Thượng, Hải Lăng xúc động nói: “Trong sự giao hoà giữa trời đất, âm dương, giữa tình cảm người thân, gia đình, người đồng chí, đồng đội, chúng ta dành giây phút thiêng liêng nhất hướng về linh hồn liệt sĩ, thắp lên những ngọn nến, những nén hương thơm để sưởi ấm cho linh hồn các liệt sĩ vĩnh viễn yên giấc nơi cõi vĩnh hằng...".
Lê Hữu Thăng nhấn mạnh:" Đấu tranh giải phóng dân tộc là sự nghiệp vĩ đại mà các anh đã gánh vác với tinh thần chiến đấu quả cảm, vô song. Sự hy sinh của các anh là đời đời bất diệt. Máu của các anh đã thấm sâu vào lòng đất để cho đất nước thống nhất, độc lập, để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc.
Chiến tranh khốc liệt đã lùi vào quá khứ, nhưng ký ức những năm tháng hào hùng và bi tráng mãi còn in đậm trong lòng của hàng triệu con người Việt Nam. Chúng tôi luôn tưởng nhớ, tôn vinh các anh - những con người đã dũng cảm hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, để khắc sâu những bài học lịch sử về chiến tranh vệ quốc, về một dân tộc không chịu khuất phục trước sức mạnh bạo tàn, về một chân lý sáng ngời: Không có gì quý hơn độc lập, tự do...".
Xác định trách nhiệm của người đang sống, Phó Chủ tịch Lê Hữu Thăng tâm nguyện: "Chúng tôi là những người đang gánh vác trọng trách của các anh giao lại, đó là bảo vệ thành quả cách mạng mà các anh đã chiến đấu, hy sinh và giành được. Xin nguyện hết sức mình phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước và sự giàu mạnh của quê hương. Chúng tôi luôn bên cạnh các anh, bên cạnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ, hứa sẽ làm ngày càng tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa để các anh yên giấc nơi cõi vĩnh hằng...".
Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Lê Hữu Thăng từng là một doanh nhân thành đạt. Ở thời điểm tỉnh Quảng Trị vừa mới tái lập cho đến những năm đầu của công cuộc đổi mới, Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị do anh làm giám đốc đã trở thành một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và luôn tiên phong trong công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, an sinh xã hội. Lê Hữu Thăng thời điểm đó, có ba đặc tính của một lãnh đạo doanh nghiệp trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, đó là sự quảng giao, nhạy bén và đột phá. Bên cạnh tài quản lý và tổ chức, anh luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà với tư cách là người trong cuộc, "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" mọi ngọn ngành của doanh nhân, doanh nghiệp. Điều đó cắt nghĩa tại sao đến khi mang trọng trách Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Lê Hữu Thăng lại tiếp nối sự quan tâm này đối với doanh nhân, doanh nghiệp nhưng một cấp độ mới, vị trí mới, tầm nhìn mới, tình cảm và trách nhiệm nặng nề hơn.
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 10-11-2004, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Hữu Thăng đã đến dự và phát biểu những lời tâm huyết với các doanh nhân. Anh gửi gắm và tin tưởng: "Có thể nói chưa bao giờ đội ngũ doanh nhân Việt Nam được đánh giá, coi trọng và tôn vinh như hôm nay. Cũng vì lẽ đó mà trách nhiệm của các doanh nhân với đất nước, địa phương ngày càng cao. Như các đồng chí và các bạn đã biết, chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ phấn đấu gian khổ để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiệm vụ to lớn, khó khăn và phức tạp đó chỉ có thể giải quyết được một cách thắng lợi bằng sự nỗ lực vươn lên của mỗi một chúng ta. Với những kinh nghiệm phong phú của cuộc sống sôi động, các doanh nhân sẽ sát cánh cùng với chính quyền thực hiện thắng lợi những chủ trương, chính sách mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hơn ai hết, chính các doanh nhân là người góp phần quan trọng quyết định cho tốc độ tăng trưởng và phát triển nền kinh tế tỉnh Quảng Trị. Chúng ta đã thấy rằng rõ ràng một luồng gió mới đang được thổi đến, một ý chí vươn lên và một khát vọng làm giàu đã và đang có trong đội ngũ doanh nhân ở tỉnh Quảng Trị...".
Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Hữu Thăng bộc bạch: "Ngay cả chúng tôi (Uỷ ban nhân dân tỉnh), các doanh nghiệp cũng không nên nhìn như một bộ máy quan liêu, xa cách những đòi hỏi từ thực tế của các doanh nghiệp. Mà Uỷ ban nhân dân chính là người tạo môi trường, hỗ trợ và bảo vệ mọi hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp. Tất nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng, bộ máy làm việc của chính quyền không chỉ bao gồm các đồng chí trong Ủy ban nhân dân tỉnh, mà còn lãnh đạo các sở, ban ngành và đông đảo những người thừa hành công vụ ở mọi khâu của hệ thống quản lý. Do đó sự hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp thực sự có ý nghĩa khi nó trở thành nếp nghĩ và nếp làm của những người thi hành công vụ của tất cả các cấp làm việc của bộ máy hành chính công quyền và những nhà sản xuất kinh doanh. Kinh nghiệm thế giới cho thấy rằng mọi nhà nước muốn thành công trong công cuộc phát triển đều cần thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với giới kinh doanh. Một nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân cần và có điều kiện để thực hiện tốt hơn mối quan hệ đó. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ cố gắng làm tốt hơn và cố gắng tạo lập một sân chơi bình đẳng, để các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế đua tài. Và đương nhiên, việc tăng cường mối quan hệ hợp tác đó không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn sự nỗ lực cố gắng của giới doanh nhân của nhà doanh nghiệp. Bằng việc tuân thủ pháp luật, chính sách, bằng việc hợp tác và tạo điều kiện giúp đỡ các công chức nhà nước thi hành công vụ...".
Những lời tâm huyết đó của Phó Chủ tịch Lê Hữu Thăng đã khiến cho nhiều doanh nhân cảm động. Qua đó, đã nhân lên sự đồng cảm, đồng điệu, đồng thuận giữa doanh nhân với chính quyền địa phương, tạo sức bật mới, niềm cổ vũ lớn lao để cùng nhau vượt qua khó khăn, xốc lại đội ngũ, tiếp tục tiến lên phía trước, phấn đấu vì mục tiêu giàu mạnh của quê hương, đất nước.
 

Tác giả bài viết: Nhà báo ĐÀO TÂM THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin cũ hơn